Cụ thể tại TP Hồ Chí Minh (3.531), Bình Dương (2.816), Đồng Nai (808), Long An (623), Khánh Hòa (243), Đồng Tháp (152), Cần Thơ (142), Trà Vinh (140), Hà Nội (97), Vĩnh Long (71), Bà Rịa - Vũng Tàu (69), Phú Yên (64), An Giang (61), Tây Ninh (61), Đà Nẵng (58), Thừa Thiên Huế (31), Bình Thuận (28), Gia Lai (18), Đắk Nông (16), Hà Tĩnh (15), Nghệ An (14), Bình Định (12), Quảng Ngãi (10), Quảng Trị (8 ), Kiên Giang (8 ), Ninh Thuận (7), Đắk Lắk (7), Bình Phước (7), Bạc Liêu (5), Hải Dương (4), Quảng Bình (4), Thanh Hóa (4), Lạng Sơn (4), Quảng Nam (4), Hậu Giang (3), Lâm Đồng (2), Nam Định (1), Hưng Yên (1), Cà Mau (1) trong đó có 1.999 ca trong cộng đồng.

 

Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 503 ca, trong đó TP Hồ Chí Minh giảm 310 ca, Bình Dương giảm 212 ca, Đồng Nai giảm 263 ca.

Như vậy kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 255.748 ca nhiễm, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.601 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 251.753 ca, trong đó có 89.964 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 4/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu. Có 8 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Quảng Trị, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng. 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP Hồ Chí Minh (140.539), Bình Dương (39.592), Long An (13.232), Đồng Nai (12.047), Đồng Tháp (4.621).

Về tình hình điều trị, hôm nay có 3.593 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; tổng số ca được điều trị khỏi là 92.738 ca; số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 511 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 20 ca.

Về tình hình tiêm chủng, trong ngày 13-8, có 1.075.584 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 13.256.472 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 12.064.617 liều, tiêm mũi 2 là 1.191.855 liều.

275 ca tử vong do Covid-19

Chiều 13-8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 275 ca tử vong (4814-5088) tại 10 tỉnh, thành phố. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tính đến ngày 13-8 là 5.088 ca, xếp thứ 69/222 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tối 13-8, Hà Nội ghi nhận 58 ca mắc Covid-19

Tối 13, 8, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 13-8, Hà Nội ghi nhận 58 ca mắc mới trong đó 20 ca tại cộng đồng, 38 ca tại khu cách ly.

Cụ thể, các ca bệnh phân bố bệnh nhân theo quận, huyện: Thanh Trì (17), Bai Bà Trưng (11), Thường Tín (10), Đông Anh (4), Hoàng Mai (4), Đống Đa (4), Gia Lâm (3), Hoàn Kiếm (2), Ba Đình (1), Hà Đông (1), Phú Xuyên (1). 

Như vậy tính từ 18 giờ ngày 12-8 đến 18 giờ 13-8 ghi nhận 101 ca mắc. Từ ngày 27-4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.126 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.178 ca, số mắc được cách ly là 948 ca.

Bộ Y tế sẽ triển khai thí điểm điều trị ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nhà

Ngày 13-8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến kết nối với hơn 700 điểm cầu cơ sở y tế trên cả nước về quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh Covid-19.

Các điểm cầu kết nối trực tuyến với Bộ Y tế. Ảnh: Bộ Y tế 

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong bối cảnh hiện nay, các địa phương nên chia thành 3 tầng điều trị (gồm: Bệnh nhân không triệu chứng, mức độ trung bình và bệnh nhân nặng, nguy kịch), trong đó tầng điều trị thứ 2 phải triển khai ở tất cả cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên có giường bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý, tầng điều trị thứ 2 rất quan trọng và phải tăng cường năng lực. Với tầng điều trị này phải bảo đảm: Oxy, thuốc kháng đông và kháng viêm theo phác đồ của Bộ Y tế, phải sử dụng sớm cho bệnh nhân để giảm mức độ nặng.

Riêng đối với tầng thứ 3 là tầng điều trị hồi sức tích cực (ICU) bệnh nhân nặng, nguy kịch. Trong bối cảnh dịch lan rộng, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị cơ số trang thiết bị cho điều trị ICU.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã sửa đổi các phác đồ điều trị trên cách thức tiếp cận rộng rãi hơn, bảo đảm tiếp cận tốt nhất với tất cả loại thuốc. Tới đây, ngành Y tế sẽ triển khai thí điểm điều trị ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nhà với TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác, sử dụng thuốc Molnupiravir - một trong những thuốc được đánh giá giúp giảm nồng độ virus tốt nhất. Hiện, Hội đồng đạo đức, Hội đồng khoa học của Bộ Y tế và các chuyên gia đang tập hợp đánh giá để sớm triển khai thí điểm khi có thuốc này.

Các cơ sở y tế không được từ chối tiếp nhận người bệnh

Ngày 13-8, Bộ Y tế ban hành công văn gửi các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các bộ, ngành; các bệnh viện trường đại học về việc triển khai thực hiện Công điện 1068 của TTg và bảo đảm duy trì công tác khám, chữa bệnh thường quy.

Nhằm tăng cường công tác điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong, đồng thời duy trì công tác khám, chữa bệnh thường quy, Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khẩn trương lên phương án, thiết lập cơ sở điều trị, bảo đảm điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, vật tư y tế và tăng cường năng lực chuyên môn sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng tại địa phương.

Các y, bác sĩ chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: hanoimoi.com.vn 

Bộ Y tế huy động toàn bộ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước và tư nhân sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch; phân công các bệnh viện là cơ sở chuyên tiếp nhận và điều trị Covid-19, đồng thời giao nhiệm vụ cho tất cả các cơ sở còn lại phải chuẩn bị sẵn sàng dành tối thiểu 40% giường bệnh để thu dung, quản lý, điều trị người bệnh Covid-19 khi dịch lan rộng và trong tình huống địa phương (tỉnh, thành phố) trở thành khu vực “Nguy cơ rất cao”.

Bộ Y tế đề nghị các cơ sở khám bệnh nhà nước và tư nhân tuyệt đối không từ chối tiếp nhận người bệnh cấp cứu, người bệnh nặng, nguy kịch tới khám và điều trị; cần nghiêm khắc xử lý các cơ sở khám, chữa bệnh nếu vi phạm; duy trì việc theo dõi, điều trị cho người bệnh có lịch hẹn tái khám nhưng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị phong tỏa, cách ly y tế hoặc nằm trong vùng thực hiện giãn cách xã hội hoặc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch và không tiếp nhận người bệnh được; hoặc người bệnh trong khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội, hoặc cách ly y tế không tới được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo lịch tái khám.

Các bệnh biện thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân luồng người bệnh và người ra vào bệnh viện theo quy định, kiểm soát chặt chẽ đối tượng người nhà ở lại chăm sóc người bệnh trong bệnh viện.

Bộ Y tế hướng dẫn triển khai sử dụng thuốc Remdesivir

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các đơn vị được phân bổ, sử dụng thuốc Remdesivir trong điều trị Covid-19 hướng dẫn triển khai sử dụng thuốc Remdesivir.

Theo đó, các bệnh viện phải thông báo với bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân các thông tin về việc thuốc được cấp phép nhập khẩu; chỉ được sử dụng thuốc sau khi có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân.

Các đơn vị thực hiện theo dõi, đánh giá hiệu quả điều trị và an toàn của thuốc, báo cáo các thông tin gồm: số lượng thuốc đã sử dụng, hiệu quả điều trị, độ an toàn của thuốc Remdesivir gửi về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục Quản lý Dược) vào ngày 30 hàng tháng để tổng hợp, đề xuất Bộ Y tế bổ sung bổ sung hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19. Bộ Y tế đề nghị các cơ sở khẩn trương triển khai thực hiện, tổng hợp báo cáo Bộ Y tế.

Hướng dẫn tạm thời sử dụng thuốc Remdesivir 100mg (5mg/ml) theo hướng dẫn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA Hoa Kỳ), Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết, thuốc Remdesivir chỉ định dùng cho người bệnh Covid-19 điều trị nội trú tại bệnh viện có suy hô hấp phải thở oxy, thở HFNC, hoặc thở máy không xâm nhập.

Thời điểm dùng thuốc Remdesivir trong vòng 10 ngày đầu từ khi khởi phát bệnh và nên phối hợp với Dexamethasone. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thuốc này ưu tiên sử dụng cho nhóm nguy cơ cao gồm người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, béo phì (BMI >25).

Bộ Y tế lưu ý không bắt đầu sử dụng thuốc cho người bệnh Covid-19 cần thở máy xâm nhập, ECMO. Các trường hợp được điều trị bằng Remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO tiếp tục dùng Remdesivir cho đủ liệu trình.

THÁI AN