Công nghệ thông tin (CNTT) đang dần chứng tỏ tầm ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đối với hoạt động của ngành y tế, có thể thấy rằng, CNTT ngày càng đóng vai trò quan trọng. Mới đây, tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) trong lĩnh vực y tế TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Hà Nội cho biết, việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, trong đó có những nội dung, phần việc ứng dụng CNTT, ứng dụng số liên quan đến lĩnh vực y tế, đã được ngành y tế TP Hà Nội nghiên cứu kỹ và từng bước ứng dụng. Nhiều bệnh viện đã sử dụng căn cước công dân gắn chip trong khám, chữa bệnh (KCB), thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), đăng ký khám qua Face ID. Một số bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử là Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội... Tất cả các cơ sở KCB trên địa bàn đã thực hiện kết nối dữ liệu KCB và thanh toán chi phí KCB với cơ quan bảo hiểm xã hội thành phố thông qua hệ thống giám định BHYT.

leftcenterrightdel
 Người dân đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: DIỆU LINH 

 

Sở Y tế đã phối hợp với Văn phòng UBND thành phố, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu, hiệu chỉnh hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử do Tập đoàn Viettel cung cấp; hệ thống được triển khai, cài đặt, vận hành trên hạ tầng kỹ thuật tại Trung tâm Dữ liệu của Tập đoàn Viettel; hệ thống đã được đánh giá bảo đảm về an ninh mạng, an toàn thông tin theo quy định, đáp ứng yêu cầu kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và VneID do Bộ Công an quản lý. Đến nay, ngành y tế TP Hà Nội đã cấp chữ ký số cho 615 đơn vị và 2.475 cá nhân trực thuộc các đơn vị; hơn 3.200 tài khoản cho các đơn vị, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng hệ thống và liên thông dữ liệu KCB. Hoàn thành cấp hơn 3.650 tài khoản cho các đơn vị, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, đạt tỷ lệ 100%.

Ngoài ra, ngành y tế TP Hà Nội đã tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu BHYT của 50 bệnh viện, 32 phòng khám đa khoa và 293 trạm y tế trực thuộc Sở Y tế quản lý; đồng bộ gần 1.433.000 hồ sơ sức khỏe của người dân lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để phục vụ hiển thị thông tin sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID; khởi tạo được hơn 8 triệu người dân trên địa bàn thành phố từ hệ thống tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và Hệ thống tiêm chủng quốc gia lên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử của TP Hà Nội. Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục triển khai công tác chuẩn hóa dữ liệu, lọc trùng thông tin người dân và cập nhật kết quả khám học sinh, sinh viên, khám sức khỏe định kỳ cùng kết quả khám sàng lọc bệnh nhân không lây nhiễm tại 30 trung tâm y tế và 579 trạm y tế xã/phường/thị trấn.

AN AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.