Mỗi quý, trung tâm tổ chức một chương trình livestream gặp gỡ bác sĩ là các chuyên gia trong lĩnh vực hiếm muộn theo từng chủ đề nhằm hỗ trợ các đối tượng hiếm muộn hiểu rõ về tình trạng bệnh, từ đó tìm đúng phác đồ điều trị, thêm tin tưởng vào hành trình tìm kiếm con yêu.

Nói về sự ra đời của hình thức khám trực tuyến, Thiếu tướng, PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Phạm Nguyên Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Giám đốc trung tâm Hỗ trợ sinh sản, cho biết: “Điều trị hỗ trợ sinh sản là công việc đòi hỏi bệnh nhân phải tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ. Quá trình khám, điều trị đòi hỏi người trong cuộc phải kiên trì vì thời gian kéo dài. Người bệnh phải đến khám nhiều lần trong chu kỳ. Vì vậy, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân hiếm muộn tiếp tục theo đuổi quá trình khám và điều trị, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản đã triển khai hình thức tư vấn, điều trị trực tuyến. Khi mới bắt đầu thực hiện, tần suất chỉ là một tuần/buổi và đến bây giờ là hằng ngày”.

Bác sĩ Đặng Vĩnh Dũng trong một buổi tư vấn, điều trị cho bệnh nhân hiếm muộn theo hình thức trực tuyến. 

Để đáp ứng hình thức khám trực tuyến, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản đã ứng dụng phần mềm TRANS. Theo đó, bệnh nhân có thể thực hiện đăng ký để được sắp xếp thăm khám và tư vấn điều trị qua form:https://docs.google.com/.../1FAIpQLSc1Tcw28Uw.../viewform (đối với bệnh nhân nữ) và https://docs.google.com/.../187DZmaIx3kG52QdAwcWTriCuNAjN (đối với bệnh nhân nam). Trước khi tham gia, bệnh nhân điền thông tin trên tin nhắn dạng SMS mà trung tâm gửi đến (điền bằng cách nhấn vào ô gợi ý).

Sau khi được tư vấn và chấp nhận điều trị, bệnh nhân chỉ phải đến bệnh viện tối thiểu vào hai thời điểm: Thời điểm bắt đầu điều trị để hoàn thành thủ tục hành chính và thời điểm thực hiện thủ thuật (chọc hút trứng và chuyển phôi). Các công đoạn khảo sát, đánh giá, chẩn đoán ban đầu đều được trung tâm thực hiện trực tuyến, chấp nhận kết quả cơ sở thuận tiện của bệnh nhân (bệnh nhân có thể làm các xét nghiệm tại y tế cơ sở và gửi kết quả đến trung tâm qua zalo).

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Đặng Vĩnh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản: Việc báo phôi, chỉ định trữ phôi, chỉ định chuyển phôi được thực hiện trực tuyến (hình thức điều trị trực tuyến hiện nay đang áp dụng miễn phí). Công tác chăm sóc thai cũng được thực hiện trực tuyến ở các mốc thường quy (trừ tuần thai 36 và lúc sinh yêu cầu bắt buộc bệnh nhân phải nhập viện).

Trò chuyện với một số bệnh nhân được khám, tư vấn, điều trị theo hình thức trực tuyến, hầu hết đều đồng tình cho rằng, cách thức này góp phần giảm bớt sự vất vả trong quá trình đi lại thăm khám, tiết kiệm được thời gian, chi phí (đối với các bệnh nhân ở xa), giảm áp lực, stress cho cả vợ và chồng trong quá trình điều trị mà vẫn bảo đảm hiệu quả.

Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, tính đến tháng 12-2021, sau gần hai năm triển khai thực hiện khám, điều trị hiếm muộn bằng phương pháp trực tuyến, tỷ lệ thành công của bệnh nhân tại đây đạt kết quả tương đương như khi khám bằng hình thức bình thường. 

Theo Thiếu tướng Phạm Nguyên Sơn, nhằm đồng hành cùng quân nhân hiếm muộn, từ năm 2019, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản đã có chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ quân nhân hiếm muộn trong toàn quân, cụ thể: Giảm 30% gói thủ thuật (chọc hút trứng, thụ tinh và nuôi phôi, chuyển phôi tươi), đồng thời hỗ trợ 30% bộ xét nghiệm tiền mê phục vụ chọc hút trứng. Với mong muốn đồng hành, giải tỏa những băn khoăn, lo lắng cũng như áp lực cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã và đang nỗ lực trong thực hiện biến ước mơ được làm cha, làm mẹ của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn sớm trở thành hiện thực.

Bài và ảnh: ĐỖ QUYÊN