Về vấn đề này, PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ: Trung tâm Bệnh nhiệt đới vừa tiếp nhận điều trị cho một cặp vợ chồng bị thương do chuột cắn. Sau 5 ngày, hai vợ chồng sốt cao, mê sảng, toàn thân gai rét, vết chuột cắn sưng tấy, đau nhức. Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, người bệnh được chẩn đoán “sốt do chuột cắn” (sodoku).
 |
Vết chuột cắn trên tay người bệnh bị sưng tấy, phù nề sau khi nhập viện đã dần lành lặn trở lại. Ảnh: laodong.vn |
Sốt do chuột cắn là bệnh nhiễm trùng-nhiễm độc toàn thân do xoắn khuẩn mang tên spirillum minus có trong hầu họng của các loài chuột, lây trực tiếp qua vết cắn của chuột. Thời kỳ ủ bệnh từ 3 ngày đến 2 tuần. Các dấu hiệu của bệnh thường là sốt cao, ớn lạnh theo từng chu kỳ và tái phát, đau cơ, đau khớp, đau đầu, viêm họng, viêm hạch, nôn mửa, mệt mỏi, thậm chí mê sảng, hôn mê. Nếu nhiễm độc nặng và không điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng như viêm màng não, viêm gan, viêm màng phổi, viêm cơ tim, viêm khớp, nặng hơn là nhiễm khuẩn huyết, viêm nội tâm mạc, thậm chí tử vong.
Tại vết chuột cắn có thể có những tổn thương như sưng tấy, phù nề, nhiều khi xuất hiện phát ban, xuất huyết hoại tử và có hạch viêm phản ứng tại khu vực. Có một vấn đề cần lưu tâm đó là rất nhiều người, thậm chí cả nhân viên y tế, sinh viên y khoa đều hiểu lầm khi bị chuột cắn thì nghĩ ngay đến bệnh dịch hạch (plague). Thực chất, sốt do chuột cắn và bệnh dịch hạch là hai bệnh khác nhau. Dịch hạch là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc cấp tính, gây ra bởi trực khuẩn yersinia pestis, lây truyền từ loài gặm nhấm (trong đó có chuột) sang người qua vật chủ trung gian là bọ chét đốt, hoặc bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Do đó, chuột cũng là nạn nhân của bệnh dịch hạch. Cũng có nhiều lo ngại khi bị chuột cắn sẽ bị lây bệnh dại, tuy nhiên, trên thực tế chưa có những ghi nhận về việc chuột lây truyền bệnh dại sang người. Về bệnh uốn ván là bệnh nhiễm trùng toàn thân do trực khuẩn clostridium tetani gây ra, tỷ lệ lây sang chuột thấp, tuy nhiên, vẫn cần đề phòng do chuột sinh sống trong môi trường ẩm thấp, vết cắn của chuột là nơi yếm khí có thể là điều kiện thuận lợi cho nha bào uốn ván phát triển.
Nhiễm trùng-nhiễm độc do chuột cắn không phải là bệnh thường gặp, tuy nhiên, trên thực tế đã ghi nhận không ít trường hợp phải nhập viện và có nhiều biến chứng, diễn biến bệnh phức tạp, đe dọa đến tính mạng. Do vậy, chúng ta cần để nhà cửa luôn sạch sẽ, thông thoáng để chuột không có nơi trú ngụ. Diệt chuột và vệ sinh khử khuẩn, xử lý chất thải đúng cách. Không sử dụng nguồn nước và thực phẩm có khả năng nhiễm độc do chuột. Những người nuôi chuột cảnh cũng cần chú ý khi tiếp xúc với chuột và vệ sinh chuồng đúng quy cách. Khi bị chuột cắn, cào xước da, cần vệ sinh vết thương bằng nước sạch và xà phòng trong 15 phút, sau đó rửa vết thương bằng dung dịch sát trùng như cồn 90 độ, iodine, betadine... và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Các thắc mắc về sức khỏe, mời bạn đọc gửi tới Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn; kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735.
QĐND
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.