Ngày 1-12 năm nay, những bác sĩ mang màu xanh áo lính thêm một niềm vinh dự tự hào bởi hành trình 57 năm hình thành và phát triển của bệnh viện. Ra đời từ trong khói lửa chiến tranh nhưng giờ đây Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác đã trở thành địa chỉ để quân và dân gửi gắm niềm tin, đặt sức khỏe, tính mạng của mình cho những chiến sĩ mang hai màu áo.

Từ 18 y, bác sĩ thuở ban đầu

Xuất phát từ thực tế của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ đòi hỏi phải có một chuyên ngành sâu về bỏng để cứu chữa thương binh, nhân dân bị bỏng, ngày 1-12-1964, Khoa Bỏng đầu tiên của cả nước được thành lập trên cơ sở từ Khoa Ngoại dã chiến thuộc Viện Quân y 103 (nay là Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y).

 Bác sĩ Nguyễn Văn Đồng (người thứ nhất từ phải sang) hướng dẫn cho sinh viên khám tổn thương bỏng năm 1968.
 Bác sĩ Đoàn Thế Lũy (người đang thao tác) hướng dẫn cho sinh viên khám bệnh nhân bỏng năm 1967.

Với biên chế ban đầu chỉ có 18 đồng chí, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, cơ sở vật chất thiếu thốn, cán bộ, chiến sĩ Khoa Bỏng đã thay nhau đi phục vụ chiến trường, ra sức học tập, đào tạo, nghiên cứu khoa học, tích cực điều trị cho thương binh và nhân dân bị bỏng do bom Napan, phốt pho trắng, do tecmit và các loại vũ khí gây cháy khác… được bộ đội, nhân dân tin tưởng, yêu mến, các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao.

Nhiều kỹ thuật điều trị bỏng như cắt lọc hoại tử, ghép da dị loại, đồng loại, da tự thân đã được áp dụng; nhiều bài thuốc, vị thuốc từ cây cỏ, thảo dược sẵn có trong điều trị tại chỗ vết thương bỏng có hiệu quả cao được nghiên cứu, áp dụng. Với những thành tích to lớn về điều trị, huấn luyện đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng đơn vị, phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu, ngày 13-12-1989, Bộ môn-Khoa Bỏng thuộc Viện Quân y 103 đã được tặng thưởng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT lần thứ nhất.

Trong điều kiện hòa bình, Khoa Bỏng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, điều trị bỏng cho bộ đội và nhân dân; nghiên cứu khoa học và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn về bỏng cho cả nước; đồng thời, đảm nhận nhiệm vụ cấp cứu, điều trị bỏng hàng loạt do thảm họa.

Đến bệnh viện đầu ngành chuyên về bỏng của cả nước

Trước tình hình thực tiễn và nhu cầu bức thiết phải có một đơn vị đầu ngành chuyên ngành bỏng cho cả nước, ngày 25-4-1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký quyết định thành lập Bệnh viện Bỏng quốc gia mang tên danh y Lê Hữu Trác trên cơ sở Khoa Bỏng thuộc Bệnh viện Quân y 103.

Đây là bệnh viện đầu ngành về chuyên khoa bỏng của cả nước, là bệnh viện thực hành của Học viện Quân y. Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác thu dung điều trị khoảng 6.000-7.000 bệnh nhân bỏng, sẹo di chứng sau bỏng, phục hồi chức năng, vết thương mạn tính, có nhiều bệnh nhân là người nước ngoài.

Hầu hết các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện là bệnh nhân có mức độ vừa, nặng và rất nặng; vết thương bỏng có nhiều biến chứng phức tạp hay bỏng đặc biệt như bỏng hô hấp, bỏng tiêu hóa và bỏng hàng loạt do thảm họa cháy nổ.

Trong những năm qua, chất lượng điều trị của Bệnh viện không ngừng được nâng lên, giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ tử vong bệnh nhân bỏng mới 1,5-2%; nhiều bệnh nhân bỏng chung diện tích trên 70% và bỏng sâu trên 40% đã được cứu sống.

Bệnh viện cũng có nhiều tiến bộ trong chăm sóc bệnh nhân toàn diện, triển khai các kỹ thuật y tế tiên tiến trong gây mê hồi sức, điều trị nhiễm độc, nhiễm khuẩn bỏng, hạn chế biến chứng nặng như suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa, đã sử dụng máy thở dài ngày, máy thở HFO, lọc máu liên tục, ứng dụng các vật liệu sinh học che phủ vết bỏng sâu có hiệu quả.

Lễ xuất quân tăng cường 40 cán bộ, nhân viên lên đường vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch Covid-19 của Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y). Ảnh: Văn Chiển.

 

 Đại tá Trương Ngọc Dương, Chính ủy Bệnh viện động viên cán bộ, nhân viên trước giờ lên đường tham gia chống dịch. Ảnh: Văn Chiển.

Đại tá Trương Ngọc Dương, Chính ủy Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cho biết: Hằng năm, cứ đến ngày này là cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của Bệnh viện lại cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của đơn vị. Kế thừa truyền thống của các thế hệ đi trước, những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Bệnh viện luôn nêu cao tinh thần học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ trẻ đã kế thừa, phát huy những thành quả của các thế hệ đi trước. Đến nay đã có đội ngũ nhân lực chất lượng cao luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đây là những thế mạnh của Bệnh viện trong thời gian vừa qua.

“Công nghệ” làm đẹp ở Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác

Giờ đây đến với Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác không chỉ có các bệnh nhân đến để chữa bệnh do bị bỏng mà còn có cả “công nghệ” phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp, giúp những người bị di chứng bởi các loại bệnh khác được hoàn thiện bản thân.

Việc điều trị phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ, phục hồi chức năng sau bỏng cho bệnh nhân những năm gần đây được Bệnh viện rất chú trọng; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh, giúp người bệnh tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

Với những kỹ thuật hiện đại được áp dụng nhiều năm nay, đặc biệt là vi phẫu thuật, Bệnh viện đã triển khai thành công kỹ thuật điều trị sẹo co kéo vùng cổ, chuyển ngón chân thành ngón tay, điều trị mất toàn bộ da đầu, da thân (diện tích rộng) do tai nạn lao động…. Nhờ đó mà nhiều bệnh nhân đã được phục hồi chức năng, thẩm mỹ sau bỏng rất hiệu quả. Năm 2011, kỹ thuật vi phẫu ứng dụng trong điều trị bệnh nhân bỏng được Bộ Y tế đánh giá là một trong 10 thành tựu của ngành y tế.

Đại tá, PGS, TS Vũ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cùng các y, bác sĩ thực hiện ca mổ.

Được “thực mục sở thị” tại phòng mổ cùng Đại tá, PGS, TS Vũ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y), chúng tôi đã chứng kiến tinh thần làm việc tận tình của các bác sĩ dành cho bệnh nhân.

Trên bàn mổ là bệnh nhân Lê Đình Khôi (Hà Đông, Hà Nội), có tiền sử u bàng quang, sau khi chữa khỏi khối u thì bệnh nhân bị biến chứng một chân phù to và phải nhập viện để phẫu thuật. Nhìn gương mặt lấm tấm mồ hôi, đôi mắt chăm chú tập trung cao độ vào ca mổ của các y, bác sĩ, chúng tôi đã cảm nhận tấm lòng, tình cảm của những lương y hết lòng vì người bệnh ở đây.

Trước khi lên bàn mổ, bệnh nhân Lê Đình Khôi bày tỏ: Tôi đặt niềm tin tuyệt đối vào các bác sĩ của Bệnh viện. Trong quá trình thăm khám của bác sĩ để chuẩn bị ca mổ, tôi cảm nhận được tình cảm, sự tận tình của các y, bác sĩ với bệnh nhân nơi đây. Bản thân tôi cũng là một người lính nên tôi lựa chọn nơi này để trao niềm tin và nhận hy vọng.  

PGS, TS Vũ Quang Vinh cho biết: Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo ngoài việc điều trị di chứng cho bệnh nhân bỏng thì Bệnh viện tiếp cận tất cả các phương pháp để phục hồi lại di chứng bị ảnh hưởng bởi các loại bệnh khác như bệnh nhân bị di chứng ung thư, di chứng do chấn thương mất ngón chân, tay, đều được phẫu thuật nối, tạo hình thẩm mỹ mang lại hình thể, chức năng cho bệnh nhân.

“Năm 2012, Trung tâm tiếp cận điều trị phù bạch mạch đem lại thành công lớn cho một số bệnh nhân bị di chứng sau ung thư. Chẳng hạn như trường hợp có điều kiện thì ra nước ngoài chữa trị còn những bệnh nhân chưa có điều kiện thì sống chung với nó. Vì thế chất lượng cuộc sống của bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn sau khi chữa trị ung thư, do tay to chèn ép, dẫn đến biến chứng liệt, hoại tử sau phải cắt cắt bỏ tay, chân khi chữa khỏi ung thư… Công nghệ Trung tâm sử dụng là kỹ thuật siêu vi phẫu, nối bạch mạch với tĩnh mạch, hoặc ghép hạch bạch huyết đến nay đã phẫu thuật thành công cho gần 400 bệnh nhân bị di chứng phù tay voi. Kết quả đem lại cho bệnh nhân rất tốt và sau khi điều trị xong thì tay, chân đã hồi phục, không có biến chứng, nhiều bệnh nhân bị di chứng sau điều trị ung thư vú, ung thư cổ tử cung…đã được phẫu thuật thành công”, PGS, TS Vũ Quang Vinh cho biết.

Theo PGS, TS Vũ Quang Vinh, bệnh nhân di chứng bỏng sau khi điều trị có sẹo rộng. Do vậy, bác sĩ phải nghiên cứu tìm tòi các chất liệu như các mô da và vạt da còn sót lại trên người bệnh nhân sau bỏng sâu diện rộng do di chứng bỏng để tạo hình chức năng và thẩm mỹ cho bệnh nhân. Bỏng thường để lại di chứng nặng nề, ngoài ảnh hưởng về sức khỏe còn là thẩm mỹ, chức năng sinh hoạt hằng ngày, chấn thương tâm lý bệnh nhân. Hiện nay, Trung tâm đã ứng dụng công nghệ 4.0 trong phẫu thuật tạo hình cho những bệnh nhân bị di chứng bỏng nặng, sử dụng công nghệ in 3D cho bệnh nhân hoại tử xương do bỏng điện cao thế nhằm hạn chế di chứng bỏng.

Bên cạnh điều trị bỏng và sẹo di chứng bỏng, từ nhiều năm nay, Bệnh viện đã triển khai điều trị các bệnh nhân có vết thương khó liền do tỳ đè, do tiểu đường, các vết loét mạn tính phức tạp do xạ trị, do viêm tắc động mạch, tĩnh mạch…rất thành công nhờ các kỹ thuật mới; sử dụng các vật liệu sinh học và trị liệu tế bào nuôi cấy, kết hợp với ghép da và phẫu thuật tạo hình có hiệu quả cao.

“Hiện nay, Bệnh viện là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu và điều trị các vết loét, vết thương mạn tính trong cả nước. Ngoài ra, bên cạnh nhiệm vụ điều trị thường xuyên, Bệnh viện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thu dung, cấp cứu, điều trị thành công cho hàng trăm nạn nhân bỏng hàng loạt trong các vụ thảm họa do cháy nổ”, PGS, TS Vũ Quang Vinh chia sẻ.

Không quản ngày đêm để chăm sóc sức khỏe bệnh nhân

Có lẽ ở Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác thì Khoa hồi sức cấp cứu là nơi bác sĩ làm việc vất vả nhất bởi thường xuyên phải cứu chữa cho những bệnh nhân nặng. Các y, bác sĩ ở khoa này làm việc không quản thời gian. Chứng kiến không khí làm việc khẩn trương, nghiêm túc của các bác sĩ Khoa hồi sức cấp cứu, mới cảm nhận được tấm lòng, nghĩa tình của các bác sĩ nơi đây dành cho bệnh nhân. Nơi mà sự sống và cái chết rất mong manh nhưng lúc nào cũng ăm ắp tình người. Bởi thế mà nhiều bệnh nhân khi ra viện nhiều năm rồi nhưng hình ảnh về các bác sĩ vẫn đọng lại trong tâm trí họ.

Bệnh nhân đang điều trị tại Khoa hồi sức cấp cứu.

Bệnh nhân Nguyễn Duy Sơn ở Hải Dương, bị bỏng lửa xăng, nhập viện trong tình trạng bị giảm 61% sức khỏe. Sau thời gian chữa trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và thể trạng đang dần hồi phục. Với anh, bác sĩ nơi đây như “người mẹ hiền” đã giúp anh dần hòa nhập vào cuộc sống sau tai nạn không may đến với mình.

Chia sẻ về công việc của mình, Thượng tá, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đình Hùng, Phó chủ nhiệm Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cho biết: Ở khoa này chúng tôi làm nhiệm vụ điều trị, cấp cứu cho những bệnh nhân nặng và rất nặng, có nguy cơ tử vong khi vào viện. Do vậy, nơi đây không khí làm việc luôn sẵn sàng và khi có bệnh nhân đến phải tích cực cấp cứu kịp thời. Với bệnh nhân bỏng nặng thì quá trình điều trị rất dài, mất nhiều công sức. Thời gian này, ngoài việc điều trị bệnh nhân cấp cứu nặng thì chúng tôi còn phải đảm đương cả nhiệm vụ chống dịch, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, cán bộ, bác sĩ, nhân viên của khoa. Vì thế mà, bác sĩ và y tá của khoa thời điểm này gần như không có ngày nghỉ và dành gần hết thời gian cho bệnh nhân. Chúng tôi coi sự an toàn của người bệnh như sự an toàn của chính mình. Vừa là bác sĩ, chiến sĩ, chúng tôi luôn mang hết tinh thần trách nhiệm của mình để phục vụ người bệnh.

Điều trị bỏng cho người lớn vốn đã không đơn giản thì điều trị bỏng cho trẻ em còn phức tạp hơn bội phần. Từng có thời gian gần 20 năm điều trị cho các bệnh nhi bị bỏng, Thiếu tá, Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Thị Vân Anh, Phó chủ nhiệm Khoa Điều trị bỏng trẻ em luôn coi các bệnh nhân nhỏ tuổi như con mình.

“Bản thân tôi là bác sĩ, chiến sĩ, người mẹ. Chúng tôi luôn coi các bệnh nhân nhi ở đây như con của mình và dồn hết tâm sức và tình cảm của mình để các cháu có thể đạt được kết quả tốt nhất, giảm thiểu các sang chấn, rối loạn về tâm lý cho các cháu trong quá trình bị bỏng”, bác sĩ Hồ Thị Vân Anh cho biết.

Bác sĩ Hồ Thị Vân Anh đang khám bệnh cho bệnh nhân ở khoa.

Theo bác sĩ Hồ Thị Vân Anh, điều trị cho bệnh nhân nhi, cơ thể nhỏ, phức tạp. Độ tuổi này các cháu chưa biết thể hiện mà chỉ khóc khi bị bỏng nên chúng tôi quan tâm và quan sát các cháu từ cử chỉ đến hành động để theo dõi, điều trị kịp thời, đưa ra phác đồ điều trị hợp lý, rút ngắn thời gian chữa trị cho các cháu.

Với những thành tích đã đạt được, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Hai lần Anh hùng LLVT nhân dân, 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì; 2 Huân chương Quân công hạng Ba; 5 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì; 2 Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Anh dũng hạng Ba của Nhà nước Lào; một Huân chương Lao động hạng Nhì của Nhà nước Lào và nhiều huân, huy chương khác.

Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác xứng đáng là nơi mẫu mực về cấp cứu điều trị bỏng, đào tạo, nghiên cứu khoa học, trở thành địa chỉ tin cậy của bộ đội và nhân dân cả nước.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN