Hơn 500 tỷ USD bị thất thoát do tham nhũng trong lĩnh y tế công toàn cầu

Hội thảo do Viện Chiến lược và khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ tổ chức nằm trong khuôn khổ Kế hoạch triển khai phi dự án hợp tác với UNDP tại Việt Nam “Hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại Việt Nam giai đoạn 2022-2024”.

Tại hội thảo, Quyền Trưởng đại diện thường trú UNDP Patrick Haverman cho biết, các thể chế vững mạnh và quản trị hiệu quả trên toàn cầu là yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển bền vững số 3 trong 16 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Đó là bảo đảm sức khỏe và cuộc sống tốt cho người dân. Theo ông Patrick Haverman, các quy trình mua sắm, đấu thầu y tế công trên khắp thế giới là “mảnh đất” rất dễ xảy ra tham nhũng với số tiền lớn và có nhiều bên liên quan tham dự. Theo ước tính, có khoảng 6% chi tiêu y tế công toàn cầu, tức hơn 500 tỷ USD, bị thất thoát do tham nhũng hằng năm. Điều này làm suy yếu niềm tin của người dân vào ngành y tế, dẫn đến việc người dân chậm hoặc không được tiếp cận với chăm sóc y tế và cũng là nguyên nhân gây ra cái chết của 140.000 trẻ em trên toàn cầu mỗi năm.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội thảo. 

“Việt Nam đã nhận thức được sự cần thiết giải quyết các thách thức về tham nhũng trong hệ thống y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực mua sắm, đấu thầu y tế công. Vì vậy, Luật đấu thầu năm 2023 đã được ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2024. UNDP có thể hỗ trợ các cơ quan chính phủ trong cải cách đấu thầu công, xây dựng năng lực và đặc biệt nhấn mạnh vào số hóa để có thể đạt được hiệu quả và minh bạch”, ông Patrick Haverman cho biết. Theo Patrick Haverman, UNDP hỗ trợ Trung tâm mua sắm thuốc tập trung quốc gia trong việc xây dựng các quy trình số hóa. UNDP xác định có hơn 110 bước trong đấu thầu tập trung, trong đó có ít nhất 30 bước được tinh giản và hưởng lợi từ việc áp dụng kỹ thuật số.

Đồng quan điểm trên, bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam nhấn mạnh: “Khi chúng ta thoát ra khỏi đại dịch Covid-19, chúng ta có rất nhiều vấn đề cần xử lý, trong đó có vấn đề mua sắm công trong lĩnh vực y tế”.

Cải thiện công tác mua sắm, đấu thầu y tế công minh bạch và hiệu quả hơn

Theo Báo cáo kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm phòng, chống tham nhũng trong mua sắm, đấu thầu y tế công, hiện nay trang thiết bị y tế được ngành Y tế đầu tư mua sắm đồng bộ, hiện đại đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và các hoạt động chuyên môn kỹ thuật, thúc đẩy triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, nâng cao uy tín thương hiệu cho các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời đáp ứng đầy đủ thuốc chữa bệnh phục vụ cho các cơ sở khám chữa bệnh cũng được Bộ Y tế đặc biệt quan tâm.

leftcenterrightdel

TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học thanh tra khẳng định, còn tồn tại, hạn chế trong việc mua sắm, đấu thầu y tế công.

“Bên cạnh những kết quả đạt được của ngành Y tế, việc mua sắm, đấu thầu trong lĩnh vực y tế thời gian qua còn nhiều bất cập, hạn chế, chủ yếu xảy ra trong mua sắm, đấu thầu y tế công và thuốc chữa bệnh. Những tồn tại, hạn chế này đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý”, TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học thanh tra cho biết.

leftcenterrightdel
Đại diện Ban tổ chức trình bày dự thảo "Báo cáo kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm phòng, chống tham nhũng trong mua sắm, đấu thầu y tế công".

Cụ thể, trong 5 năm qua (2018-2022), các cơ quan thanh tra đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, thanh tra chuyên đề diện rộng về mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế và đấu thầu thuốc chữa bệnh. Năm 2021, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

“Những bất cập của khung pháp luật về mua sắm, đấu thầu y tế công ở Việt Nam là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này; làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, phòng, chống tham nhũng. Do đó, việc tổ chức nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện khung pháp lý có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong mua sắm, đấu thầu y tế công là hết sức cần thiết và mang tính thời sự trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam”, Viện trưởng Nguyễn Quốc Văn khẳng định.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những khuyến nghị nhằm cải thiện công tác mua sắm, đấu thầu y tế công ở Việt Nam ngày càng minh bạch, cởi mở và hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.