Sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh nhưng tháng nào lương y Phạm Huy Hoàng cũng dành 1 tuần để thăm khám, điều trị cho nhiều bệnh nhân tại 265 Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội). Mỗi lần ông ra, phòng khám lại rộn rã tiếng cười nói, thăm hỏi, động viên. Bệnh nhân của ông phần lớn là người cao tuổi, mang nhiều bệnh lý nền.

Bà Nguyễn Loan (phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi bị đau xương khớp nhiều năm nay, cũng đã điều trị nhiều nơi nhưng dừng thuốc là lại đau. Khi được một người bạn giới thiệu, tôi đã chờ thầy để châm cứu. Đến đây, thầy ân cần thăm hỏi, động viên, tâm lý thoải mái nên bệnh tôi cũng đỡ nhiều rồi”.

Lương y Phạm Huy Hoàng thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Nguyễn 

Không chỉ những người cao tuổi mới đến châm cứu, cũng rất nhiều người trẻ tuổi đến để điều trị. Hàng chục năm làm nghề, không biết bao nhiêu người đã được ông cứu chữa. Ông kể cho chúng tôi nghe những năm tháng “tung hoành” khi mới nhập ngũ: “Tháng 2-1968, tôi nhập ngũ, hành trang tôi mang theo có một lọ thuốc viên sốt rét và một lọ thuốc chữa đầy hơi, chướng bụng, toàn là thuốc gia truyền.

Đơn vị tôi được tập luyện trên rừng Mai Sưu (xã Trường Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Hà Bắc (cũ). Lần đầu tiên biết rừng, tôi “choáng ngợp” khi được tiếp xúc với nhiều cây thuốc quý. Việt Nam có một nền y học dân tộc lâu đời với các tri thức sử dụng các loại dược liệu, các bài thuốc có giá trị dùng để chữa các bệnh thông thường và nan y. Nền y học cổ truyền độc đáo đó bảo vệ sức khỏe cho dân tộc ta suốt chiều dài lịch sử với phương châm "Nam dược trị Nam nhân". Nếu được phát huy giá trị khoa học thì những bài thuốc y dược cổ truyền sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội và người dân”.

Lương y Phạm Huy Hoàng và một bệnh nhân đã được ông điều trị. Ảnh: Thùy Nguyễn 

Ông Hoàng nhớ lại: “Tháng 4-1968, sau thời gian huấn luyện tân binh, tôi lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Trong chiến trường gian khổ, thiếu thốn thuốc men để chữa bệnh cho thương bệnh binh, những bài thuốc gia truyền của cha ông truyền lại đã phát huy tác dụng chữa trị cho đồng đội. Tôi đã dùng vỏ cây bằng lăng để chữa ghẻ, lá tai voi, vỏ cây thổ phục linh chữa tiêu chảy, sốt rét ... và nhiều các loại lá rừng tôi hái về cho đồng đội ăn thay cơm những khi đơn vị hết lương thực”.

Năm 1976, ông đã tham gia tiếp quản Xưởng sửa chữa máy bay A75 (thuộc Tổng công ty Hàng không Quốc gia Việt Nam), giữ chức vụ trợ lý chính trị, phụ trách công đoàn. Năm 1988, ông chuyển về công tác tại Văn phòng khu vực miền Nam của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Sau đó, ông được chuyển về làm giám đốc chi nhánh phía Nam của Công ty in Hàng không Quốc gia Việt Nam. Mặc dù công việc bận rộn ông vẫn đam mê với nghề gia truyền.

Ban ngày đi làm việc, buổi tối ông mở phòng mạch ngay tại nhà để khám bệnh, bốc thuốc. Năm 2001, với mong muốn sắp xếp, phát triển những bài thuốc gia truyền mà cha ông truyền lại, lương y Phạm Huy Hoàng đã xin nghỉ hưu sớm để về tập trung cho nghề làm thuốc cứu người.

Ông đã mở Nhà thuốc Thiện Tế Sinh (làm điều thiện tiếp tế cho người ta sinh sống) với tâm niệm luôn sẵn sàng giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Mỗi tháng, ít nhất một lần ông trực tiếp đi khám bệnh, phát thuốc, tặng quà từ thiện cho các bệnh nhân nghèo, những cụ già không nơi nương tựa ở các viện dưỡng lão hay các em nhỏ ở các trại mồ côi...

Chia sẻ với chúng tôi, lương y, cựu chiến binh Phạm Huy Hoàng cho biết: “Tôi vô cùng yêu mến nghề Đông y. Suốt 7 đời làm thuốc, gia đình tôi luôn coi đó là một nghiệp cứu người, giúp đời chứ chưa bao giờ coi đó là một nghề kiếm sống. Đối với tôi, của cải lớn nhất và quý nhất mà các bậc tiền nhân để lại cho con cháu là kho sách quý về các bài thuốc chữa bệnh, những kinh nghiệm quý báu mà tôi đã áp dụng trong thời gian quân ngũ để cứu đồng đội và nhiều người dân khác”.

Hàng chục năm hành nghề chữa bệnh cứu người, không biết bao nhiêu bệnh nhân đã được lương y Phạm Huy Hoàng chữa khỏi. Với tinh thần “lương y như từ mẫu”, hễ cảm thấy có thể giúp đỡ người bệnh vượt qua cơn hiểm nghèo là ông sẵn sàng chuẩn bị đồ nghề để lên đường. Người thầy thuốc đến với bệnh nhân bằng lương tâm và trách nhiệm chứ không vì tiền bạc nên ông không phân biệt người bệnh nghèo hay giàu, ai cũng như ai. Ông không đòi hỏi người bệnh phải trả ơn mình, sống nhẫn nhịn, nhu hòa với tất cả mọi người, có lẽ vì vậy mà ông luôn được mọi người tin tưởng và yêu mến, đó là phần thưởng mà lương y Phạm Huy Hoàng cảm thấy vinh dự nhất đối với người thầy thuốc.

HÀ VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.