Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử bên hành lang Quốc hội, GS, TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội khẳng định, vắc xin là một biện pháp quan trọng bậc nhất tạo ra miễn dịch cộng đồng, giúp cơ thể con người tự bảo vệ mình trước dịch bệnh; đồng thời, việc tiêm ngừa còn có ý nghĩa giúp làm giảm nguồn bệnh có thể lây nhiễm trong cộng đồng.
Cần có vắc xin để tiêm cho trẻ em
GS, TS Nguyễn Anh Trí cho biết, ở giai đoạn đầu người ta cho rằng mức độ lây ở trẻ em rất ít nên việc tiêm ngừa chưa được để ý đến. Tuy nhiên, khoảng 3-4 tháng trở lại đây, khi biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 lây lan rất nhanh, kể cả trên đối tượng trẻ em thì việc tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ em mới được quan tâm, để ý nhiều hơn.
Mặt khác, thực tiễn trải qua một thời gian trẻ em học trực tuyến cho thấy hiệu quả thấp, có nhiều ảnh hưởng xấu đến tâm lý, sức khỏe của các em, có thể có những tác hại mà bây giờ chưa nhìn thấy được. Do vậy, tốt nhất là cố gắng giải quyết để học sinh được đi học trực tiếp. Việc tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp cũng phải thật an toàn”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Chính vì vậy, rất cần thiết phải có vắc xin ngừa Covid-19 để tiêm cho trẻ em, để bảo vệ trẻ em, tạo ra miễn dịch cộng đồng và đặc biệt, để sớm cho các em trở lại học trực tiếp ở nhà trường. Điều này là phù hợp cho cả trẻ em trong nước và thế giới”, GS, TS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo GS, TS Nguyễn Anh Trí, để làm được điều này thì Chính phủ phải ưu tiên vắc xin cho trẻ em từ 12-18 tuổi. Đối với trẻ dưới 12 tuổi, việc tiêm vắc xin cần phải tiếp tục nghiên cứu.
 |
GS, TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội: Vắc xin dành cho người lớn và trẻ em là khác nhau,
không thể lấy vắc xin của người lớn rồi giảm hay chia nhỏ liều để dùng cho trẻ em.
|
Không phải giảm liều vắc xin của người lớn để tiêm cho trẻ em
Theo GS, TS Nguyễn Anh Trí, hiện nay, có nhiều loại vắc xin dành cho người lớn trên 18 tuổi, nhiều nước đã sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 theo quy mô công nghiệp.
Tuy vậy, GS, TS Nguyễn Anh Trí nêu rõ, vắc xin của trẻ em không phải đơn giản là lấy vắc xin của người lớn rồi giảm liều đi.
Cho rằng “điều này chỉ đúng về mặt khối lượng chứ không đúng về hàm lượng và cơ chế”, GS, TS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh quan điểm: “Vắc xin dành cho người lớn và trẻ em là khác nhau, không thể lấy vắc xin của người lớn rồi giảm hay chia nhỏ liều để dùng cho trẻ em đâu.”
“Cần phải xem loại vắc xin đó có tiêm được không, có hiệu quả không, có gây tác hại không, nhất là đối với sức khỏe của các cháu, kể cả về hàm lượng, nồng độ, chủng loại...”, GS, TS Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến.
 |
Bảo vệ sức khỏe cho trẻ em là điều vô cùng quan trọng. Ảnh minh họa: Qdnd.vn |
Bám sát để sớm tiếp cận, đặt mua được nguồn vắc xin cho trẻ em
GS, TS Nguyễn Anh Trí thông tin, thế giới hiện cũng đang tăng tốc để tìm một loại vắc xin phù hợp cho trẻ em về mặt cơ chế, kháng thể, liều lượng, thời điểm tiêm và cả việc tiêm nhắc lại.
GS, TS Nguyễn Anh Trí đề nghị Bộ Y tế phải thường xuyên bám sát, cập nhật thông tin từ quốc tế, có chiến lược ngoại giao vắc xin phù hợp để sớm nhất tiếp cận được nguồn vắc xin cho trẻ em, từ đó có thể đặt mua sớm bảo đảm đúng loại và có cách sử dụng rõ ràng để tiêm ngừa cho trẻ em.
“Bảo vệ sức khỏe cho trẻ em là điều vô cùng quan trọng. Do đó, cần triển khai việc này càng sớm càng tốt, phải coi đây là một ưu tiên trong giai đoạn này”, GS, TS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo GS, TS Nguyễn Anh Trí, vắc xin chỉ là một yếu tố, đi học trực tiếp còn liên quan đến vấn đề tổ chức, cần phải kiểm soát thật tốt để không lây lan, nhiễm bệnh. Theo đó, trước hết trong gia đình phải giữ gìn cho các cháu. Thứ hai, là quá trình đưa các cháu đi học đến trường phải hạn chế tối đa tiếp xúc với môi trường có thể nhiễm bệnh. Thứ ba, có thể áp dụng “3 tại chỗ” ở trường trong trường hợp gia đình không có điều kiện, ngay ở trường học thì phải bố trí bảo đảm giãn cách nhất định, tuân thủ 5K..
NGUYỄN THẢO