Thực tế, thuốc là mặt hàng thiết yếu, quan trọng, liên quan đến tính mạng, sức khỏe người bệnh. Trước tầm quan trọng đặc biệt của thuốc, Điều 32 Luật Dược năm 2016 quy định rõ, thuốc chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: Nhà thuốc; quầy thuốc; tủ thuốc của trạm y tế xã; cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Theo quy định, không phải ai và qua hình thức nào cũng có thể bán và quảng cáo thuốc. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo và bán tràn lan trên các website, mạng xã hội.

Không ít đối tượng đã quảng cáo thổi phồng công dụng của nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng, coi nó như "thần dược” trị bách bệnh và đưa lên website, mạng xã hội nhằm lừa gạt người tiêu dùng. Nhiều trường hợp còn mạo danh, mượn hình ảnh của bác sĩ đang làm việc tại các cơ sở y tế để tăng niềm tin cho người dùng. Việc làm này dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, gây nguy hại tới sức khỏe, thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa / Vietnam+ 

Để người bệnh không bị "tiền mất, tật mang" do sử dụng thuốc từ quảng cáo thổi phồng, sai sự thật, nhiều đại biểu nhấn mạnh, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; đồng thời, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với các sai phạm.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về tác hại của việc tự mua thuốc điều trị không theo chỉ định của bác sĩ; vận động người dân đến khám bệnh và điều trị tại các cơ sở y tế và mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, tuân thủ phác đồ điều trị của thầy thuốc... Trong tờ trình thẩm tra, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu chế tài xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo thuốc sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng hoặc sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh. Tán thành với việc ban soạn thảo đề cập vấn đề quảng cáo thuốc trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, có đại biểu bày tỏ băn khoăn khi dự thảo luật bỏ quy định về xác nhận quảng cáo thuốc, bởi trong thực tế quản lý thuốc hiện nay, khó có thể chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm.

Cho rằng thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt, các đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn việc bán thuốc trên sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ quảng cáo thuốc, không để nội dung quảng cáo sai lệch, xử lý tình trạng mạo danh người có uy tín trong ngành y để đưa những thông tin quảng cáo không đúng sự thật.

AN AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.