Một bệnh nhân nam 64 tuổi ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) có tiền sử bị gút mãn tính, viêm loét dạ dày, suy thận mãn tính đã tự điều trị ở nhà bằng thuốc mua qua mạng. Khi sức khỏe quá yếu, có biểu hiện nôn ra máu, tím tái, bệnh nhân mới tới bệnh viện cấp cứu. Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất hết sức cứu chữa nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi. Một bé trai 3 tuổi ở quận Đống Đa (Hà Nội) có biểu hiện đau bụng cũng được mẹ tự mua thuốc về điều trị và cũng suýt bị bỏ mạng do viêm phúc mạc ruột thừa...
 |
Kiểm tra thân nhiệt khi tới khám tại Bệnh viện K. Ảnh: HÀ TRẦN. |
Nỗi sợ đến bệnh viện khi trong xã hội đang có dịch Covid-19 đã bị thổi phồng thái quá. Thực tế, để tránh lây nhiễm Covid-19, các cơ sở y tế đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình phòng dịch theo bộ tiêu chí an toàn bệnh viện của Bộ Y tế. Các bệnh viện thực hiện việc phân luồng, sàng lọc bệnh nhân ngay từ đầu, đồng thời bố trí lối đi riêng cho người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao... để loại bỏ nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ Y tế, tất cả cán bộ, nhân viên bệnh viện, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được định kỳ xét nghiệm Covid-19.
Nhiều người lại lo ngại khi nằm viện, có một người nhà vào chăm sóc thì sẽ phát sinh chi phí xét nghiệm Covid-19. Hóa giải mối lo ngại này, Bộ Y tế đã ban hành công văn hướng dẫn nguồn kinh phí chi trả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khi tăng cường xét nghiệm tại các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB). Theo đó, chi phí xét nghiệm Covid-19 được chi trả dựa trên hai nguồn, gồm: Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) và ngân sách nhà nước (NSNN).
5 nhóm người thuộc diện áp dụng, gồm: Bệnh nhân nội trú; người bệnh ngoại trú thực hiện xét nghiệm sau khi có quyết định chuyển vào điều trị nội trú; cán bộ, nhân viên y tế, người lao động tại cơ sở KCB; người chăm sóc bệnh nhân (tối đa không quá hai người luân phiên) nếu được cơ sở y tế đồng ý cho ở lại; người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã hoàn thành thời gian cách ly y tế theo quy định nhưng thuộc các nhóm nêu trên.
Phạm vi áp dụng là các cơ sở KCB trên toàn quốc, bao gồm cả bệnh viện dã chiến và cơ sở tiếp nhận, điều trị ban đầu Covid-19. Quỹ BHYT chi trả với các đối tượng trong 5 nhóm trên với người có thẻ BHYT khi đi KCB tại cơ sở theo phạm vi được hưởng và mức hưởng của trường hợp được bệnh viện chỉ định xét nghiệm. Với những người thuộc nhóm trên nhưng không có thẻ BHYT hoặc có thẻ BHYT không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT và phần cùng chi trả (nếu có) của người bệnh, kinh phí sẽ do NSNN chi trả.
Vì vậy, những ai bị bệnh trong thời điểm này cần bình tĩnh, đừng vì quá lo ngại Covid-19 mà từ chối điều trị bệnh, dẫn đến những hậu quả đáng buồn. Hiện bệnh viện nào cũng có đường dây nóng cùng các dịch vụ kết nối với bệnh nhân qua Facebook, Zalo hay app trên điện thoại di động. Người bệnh nên liên lạc với bệnh viện trước để được tư vấn rồi mới đến bệnh viện. Và khi đến bệnh viện thì tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.
MẠNH CƯỜNG