Ngày 20-10, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép tiêm nhắc lại vắc-xin Covid-19 của Moderna và Johnson & Johnson đối với những người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ dự kiến sẽ họp trong tuần này để thảo luận về quyết định của FDA đối với Moderna và Johnson & Johnson, mở đường cho việc triển khai rộng rãi tiêm mũi tăng cường.
Theo CNBC, Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã tiến hành nghiên cứu "trộn và kết hợp" vắc xin được cung cấp bởi Johnson & Johnson, Moderna hoặc Pfizer đối với hơn 450 người trưởng thành. Kết quả cho thấy là những người tiêm vắc xin Johnson & Johnson Covid-19 sau khi được tiêm mũi tăng cường của Pfizer hoặc Moderna cho hiệu quả bảo vệ cao hơn (hơn 90%), tăng cường khả năng miễn dịch.
 |
Mũi tăng cường của Pfizer và Moderna cho hiệu quả cao. Ảnh: Getty Images |
Bên cạnh đó, theo dõi sau 2 tuần và 4 tuần, người nhận mũi tăng cường của 3 nhà sản xuất trên đều có mức kháng thể cao, trong đó, mũi tăng cường của Pfizer và Moderna hoạt động tốt hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào liên quan đến các mũi tăng cường và không có triệu chứng mới nào xuất hiện sau khi những người tham gia nhận được mũi tiêm thứ 3. Triệu chứng được ghi nhận trên 4 người chỉ có nôn, mệt mỏi hoặc mất ngủ.
Theo các nhà nghiên cứu việc tiêm mũi tăng cường sau ít nhất 6 tháng kể từ mũi tiêm thứ 2 sẽ mang lại lợi thế miễn dịch, tăng thời gian bảo vệ đạt được của các loại vắc xin hiện có.
Hồi cuối tháng 9, Mỹ đã cho phép tiêm mũi vắc xin thứ ba của Pfizer-BioNTech cho những người từ 65 tuổi trở lên và những người có nguy cơ cao bị bệnh nặng do bệnh lý nền hoặc có nguy cơ phơi nhiễm cao hơn do tính chất công việc của mình, như nhân viên y tế, nhân viên bán hàng tạp hóa.
Trong khi đó, ngày 21-10, Forbes đưa tin, các kết quả sơ bộ từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho thấy việc tiêm nhắc lại vắc xin Covid-19 của Pfizer và BioNTech có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các triệu chứng, tới 95,6%. Đây là kết quả đáng ấn tượng, được thử nghiệm lâm sàng trên 10,000 người có độ tuổi từ 16 trở lên.
Thử nghiệm được tiến hành vào thời điểm mà biến thể Delta của Covid-19 đang phổ biến và cho hiệu quả nhất quán bất kể tuổi tác, giới tính, dân tộc và các yếu tố khác.
 |
Ngoài Pfizer và Moderna, một số quốc gia đã cho tiêm thứ ba vắc xin AstraZeneca, Sputnik V ... |
Ngoài Mỹ, nhiều quốc gia trên thế giới đã cho phép tiêm mũi tăng cường đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, và những người có hệ thống miễn dịch kém, người già và những người dễ bị tổn thương, như Anh, Hàn Quốc, Thái Lan, Ba-ranh, Bỉ, Pháp....
Việc các quốc gia cho phép tiêm mũi tăng cường cũng làm dấy lên quan ngại về sự bất bình đẳng về vắc xin sẽ kéo dài. Hiện Kenya, Ethiopia, Nigeria và Tanzania vẫn nằm trong số các quốc gia có ít hơn 5% người dân được tiêm chủng. Theo Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO): “Sự bất bình đẳng về vắc-xin càng kéo dài, vi-rút sẽ tiếp tục lưu hành và biến đổi càng nhiều, sự gián đoạn kinh tế và xã hội sẽ tiếp tục kéo dài và khả năng cao xuất hiện nhiều biến thể khiến vắc-xin kém hiệu quả”.
Để giảm bớt lo ngại này, Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla cho biết Pfizer, đã đầu tư rất nhiều để đảm bảo các mũi tăng cường sẽ không gây ra sự bất bình đẳng về vắc xin. Ông cho biết, Pfizer và BioNTech đang sản xuất 3 tỷ liều vắc xin trong năm này và dự định sản xuất 4 tỷ liều vào năm sau, trong đó, 1 tỷ liều được chuyển đến các nước có thu nhập thấp và trung bình trong năm nay.
MAI HƯƠNG