Với quyết tâm kiểm soát dịch bệnh trước ngày 1-9, Bình Dương đang triển khai quyết liệt, cấp tốc các giải pháp ngăn chặn lây nhiễm để mở rộng “vùng xanh”, trở lại trạng thái bình thường mới.

Siết chặt giãn cách, mở rộng “vùng xanh”


Từ TP Hồ Chí Minh tới TP Thuận An và TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), chúng tôi gặp khá nhiều chốt chặn, ngăn chặn dịch lây lan. Trên các tuyến đường nội bộ, xen kẽ những khu vực căng dây, kéo rào khoanh chặt “vùng đỏ” là những điểm chốt bảo vệ “vùng xanh”. Việc đi lại được lực lượng chức năng kiểm soát nghiêm ngặt. Đưa chúng tôi tới các chốt ở tâm dịch TP Thuận An, Thượng tá Nguyễn Văn Minh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS TP Thuận An, nói: “Hiện tại, toàn tỉnh có 4 địa phương thuộc “vùng đỏ”, gồm: TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, TP Dĩ An và thị xã Tân Uyên. Thực hiện chủ trương mở rộng “vùng xanh”, khoanh chặt và từng bước xanh hóa “vùng đỏ”, lực lượng quân sự, công an, y tế tăng cường canh trực, kiểm soát dịch bệnh, duy trì nghiêm việc thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, không giải quyết cho bất cứ phương tiện nào qua lại, đặc biệt là địa bàn cửa ngõ, giáp ranh. Nếu phải đi làm nhiệm vụ, anh em sẽ hướng dẫn đường tránh qua tâm dịch để vào thành phố”.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân phường Phú Hòa (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). 

Không chỉ siết chặt ở các chốt kiểm soát dịch bệnh mà bên trong các “vùng đỏ”, lực lượng chức năng liên tục tổ chức tuần tra, nhắc nhở, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Ngoài lực lượng của Bộ CHQS tỉnh còn có hơn 700 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 (Quân khu 7) và Lữ đoàn 434, Sư đoàn 7, Trường Quân sự Quân đoàn 4... được huy động hỗ trợ Bình Dương chống dịch. Hiện tại, tỉnh Bình Dương đã chuyển trạng thái chống dịch với các giải pháp trực chiến cao nhất để nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19 theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng chí Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ: "Để mở rộng “vùng xanh”, UBND tỉnh chỉ đạo duy trì nghiêm các chốt, triệt để thực hiện cách ly xã hội, không để “chặt ngoài, lỏng trong”. Các địa phương “vùng đỏ” nỗ lực khoanh vùng, xét nghiệm nhanh, cách ly sớm, thu hẹp phạm vi, khẩn trương dập dịch. Các địa phương “vùng vàng” (thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng) tăng cường làm sạch các ca F0, nhanh chóng chuyển thành “vùng xanh”. Các “vùng xanh” (3 huyện: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên) giữ ổn định tình hình, bảo vệ bằng được thành quả, làm vùng đệm vững chắc cho “vùng đỏ”.

Việc mở rộng “vùng xanh” ngay trong “vùng đỏ” là vấn đề khó, nhưng rất cần thiết để từng bước thu hẹp “vùng đỏ”. Bởi vậy, tỉnh Bình Dương và các chuyên gia y tế đã bàn bạc, triển khai phương án tối ưu. Theo Tiến sĩ Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế): Đối với các khu vực tập trung đông công nhân ở trọ, dịch đã thấm sâu, cần giảm mật độ dân cư, thậm chí chuyển tạm thời từng khu nhà trọ sang những địa điểm khác, sàng lọc kỹ, xử lý triệt để, bảo đảm an toàn; tập trung xét nghiệm, nhanh chóng phân tách F0, tiêm vaccine cho người có kết quả âm tính, không có bệnh lý nền; giữ chắc “vùng xanh”, siết chặt “vùng đỏ”. Những “vùng xanh” này sẽ trở thành lá chắn để cản dịch và dần thu hẹp “vùng đỏ” trên địa bàn, hướng tới mục tiêu kiểm soát dịch.

Linh hoạt phân tầng, tăng cường tiêm chủng

Hơn 7 giờ ngày cao điểm tiêm chủng vaccine, chúng tôi có mặt tại một điểm tiêm phòng của phường Phú Hòa (TP Thủ Dầu Một). Ngoài lực lượng y tế địa phương còn có các y, bác sĩ quân y thuộc Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) hỗ trợ khám sàng lọc, tiêm vaccine cho người dân. Các hoạt động diễn ra trật tự, nhanh chóng theo sự hướng dẫn của những tình nguyện viên. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, đối tượng tiêm chủng đợt này bao gồm cả công nhân lao động, người ở trọ... để đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine trên địa bàn. Sau khi kiểm tra, đôn đốc các bộ phận làm nhiệm vụ, ông Trần Sỹ Nam, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một cho biết: “Để kịp tiến độ triển khai tiêm chủng, thành phố đã huy động 100% lực lượng y tế trên địa bàn theo hình thức mỗi địa phương có một điểm tiêm chủng cố định và một đội tiêm chủng lưu động đến tận khu nhà trọ để tiêm cho công nhân. Ngoài ra còn có lực lượng quân y của Quân đoàn 4 cùng hỗ trợ ngành y tế địa phương để tăng tốc độ tiêm chủng”.

Chiến dịch huy động tổng lực tiêm vaccine được Bình Dương triển khai từ ngày 5-8. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức nhiều điểm tiêm cố định và lưu động, tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn, hiệu quả cho người được tiêm; tập trung ưu tiên tiêm vaccine cho người dân sinh sống ở các khu nhà trọ có đông người lao động theo cách thức xét nghiệm sàng lọc âm tính tới đâu thì triển khai tiêm vaccine ngay tới đó để bảo vệ “vùng xanh”. Việc ưu tiên tiêm chủng cho người dân sinh sống tại khu vực “vùng đỏ” để thực hiện mục tiêu xanh hóa “vùng đỏ” sẽ góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho rằng: "Vaccine phòng Covid-19 là “chìa khóa” để ngăn chặn, dập dịch. Quá trình xét nghiệm, khám sàng lọc, chúng tôi sẽ kết hợp phân loại F0 để phân tầng điều trị hợp lý, vừa tránh quá tải, vừa không gây áp lực cho ngành y tế. Các bệnh viện sẽ linh hoạt tiếp nhận, điều trị bệnh nhân để hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong".

Nhằm nâng cao năng lực tiếp nhận cách ly điều trị, cứu chữa bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh, ngày 9-8, tỉnh Bình Dương đã chính thức đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến số 4 với quy mô 3.000 giường. Trước đó, tỉnh đã có 3 bệnh viện dã chiến với quy mô gần 10.000 giường. Ngoài ra còn có sự chi viện của Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B (Bộ Quốc phòng). Theo đánh giá của Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, cơ sở vật chất phục vụ cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh Bình Dương khá thuận tiện, chuẩn bị chu đáo. Tuy nhiên, cần sắp xếp nguồn nhân lực y tế, cơ cấu hợp lý khu cách ly sát với thực tiễn diễn biến của dịch bệnh; điều chỉnh việc bố trí, phân loại F0 có triệu chứng và không triệu chứng để có biện pháp điều trị thích hợp, hiệu quả...

 Để thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch trước ngày 1-9, ngành y tế tỉnh Bình Dương đang triển khai thực hiện tổng thể các biện pháp, cụ thể hóa chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Tổ chức hợp lý hệ thống điều phối hai chiều giữa các tuyến điều trị và các bệnh viện; linh hoạt điều chuyển F0 từ tầng điều trị thấp lên tầng cao hơn nếu chuyển nặng và chuyển ngay xuống tầng thấp hơn nếu bệnh tình thuyên giảm; linh hoạt trong mua sắm bổ sung đủ trang thiết bị y tế, thuốc. PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đang hỗ trợ tỉnh Bình Dương chống dịch và một số chuyên gia có chung nhận định: Trên cơ sở thực tế diễn biến dịch và việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp cách ly xã hội, phân tách F0, khoanh vùng, điều trị, tiêm chủng..., có đủ cơ sở để tin tưởng Bình Dương sẽ kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1-9.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH - LÊ BA