Làm gì để giữ chân nhân viên y tế?
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Huệ, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nếu không thực sự yêu nghề, làm việc bằng tình yêu nghề thì không thể gắn bó dài lâu dài với y tế cơ sở. Có y tá chia sẻ rằng, lương 5 triệu đồng thì họ đi đâu chả kiếm được việc làm. Đây là tâm tư của hầu hết những viên chức y tế cơ sở, khi công việc nhiều nhưng chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. “Tôi chỉ mong có sự nhìn nhận, đãi ngộ cho tuyến y tế cơ sở để nhân viên đỡ chán và để không bỏ việc. Cần tính lại lương cho y tế, trong đó có y tế cơ sở", bác sĩ Trần Thị Hoa, Trạm trưởng Trạm y tế phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đề xuất.
 |
Nhân viên y tế tiến hành các thủ tục đăng ký xét nghiệm nhanh và phân loại mức độ, nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Bắc Giang. Ảnh: TUẤN HUY |
Theo ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), với mức lương 4-5 triệu đồng như hiện nay thì không bằng bà giúp việc 7-10 triệu đồng, không bằng ông thợ hồ. Trong khi đó một bác sĩ có tay nghề phải mất chục năm học tập, mức lương 5-7 triệu đồng họ không đủ nuôi con, nên không khiến họ yên tâm công tác, yên tâm cống hiến.
Tương tự, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, có một số bác sĩ trẻ sau khi về bệnh viện đã xin chuyển do thu nhập khó khăn. Một bác sĩ nội trú ra trường phải mất 9 năm (6 năm học đại học và 3 năm học bác sĩ nội trú), về làm bệnh viện công lương khởi điểm thấp, lại vào đúng thời điểm dịch Covid-19, tất cả thu nhập không đủ trang trải cuộc sống cho chính bản thân cá nhân và đã xin nghỉ việc để đi tìm việc ở bệnh viện tư mức lương cao hơn.
Chia sẻ về vấn đề trên, Thứ trưởng phụ trách điều hành hoạt động Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, nhằm giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm công tác phục vụ lâu dài trong ngành y tế, Bộ Y tế đã quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế. Huy động các nguồn lực của xã hội để hỗ trợ vất chất cho nhân viên y tế. Tăng cường xã hội hóa ở những đơn vị có điều kiện để tăng thu nhập cho viên chức y tế, đặc biệt là viên chức có trình độ chuyên môn cao. Xây dựng và thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
 |
Nhân viên y tế làm việc liên tục, hết công suất trong tiết trời nắng nóng gay gắt trong đợt dịch Covid-19 tháng 7-2021. Ảnh: Phan Tùng Sơn |
Còn theo ông Nguyễn Huy Quang, muốn giải quyết tình trạng này phải có giải pháp trước mắt và lâu dài. Nhưng giải pháp gì đi nữa mà không thay đổi hệ thống tổ chức, không tăng sức hấp dẫn của hệ thống quản trị công thì không giữ chân được đội ngũ cán bộ nhân viên y tế.
Cần sớm có những chính sách thiết thực
Thiếu hụt nhân lực y tế đang là vấn đề đau đầu với ngành Y tế nếu viên chức y tế tiếp tục nghỉ việc, bỏ việc. Tham luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính Phủ thường kỳ ngày 4-7 vừa qua, Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo báo cáo của các địa phương giai đoạn năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 có tổng số 9.379 viên chức y tế thôi việc, bỏ việc. Một số tỉnh, thành phố có số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc cao như: Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, An Giang…
Đáng tiếc, trong số những nhân viên y tế nghỉ việc, nhiều người có tay nghề cao, kinh nghiệm… Đó là những người mà hệ thống đào tạo của ngành Y tế không dễ bù đắp, hay bổ sung được trong thời gian ngắn, để chăm sóc người bệnh. Hầu hết cán bộ, nhân viên y tế khi chuyển việc, nghỉ việc được hỏi lý do đều cho biết do chế độ lương, đãi ngộ thấp, công việc căng thẳng, lại thêm tâm lý “đụng đâu cũng thấy sai”, khiến họ vốn đã mệt mỏi, áp lực, nay càng thêm chán chường.
Để khắc phục những bất cập về cơ chế chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên ngành y tế, cuối tháng 5-2022, Công đoàn Y tế Việt Nam tập hợp các kiến nghị của cán bộ, công nhân viên chức ngành Y tế để gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đó có kiến nghị chính sách viện phí được tính đúng, tính đủ chi phí để đảm bảo duy trì sự hoạt động của các bệnh viện, trong đó có chi phí đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế.
Ngoài ra, Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đã kiến nghị về chế độ thâm niên; nâng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% và mở rộng một số đối tượng người lao động trong ngành Y tế cùng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề. Đặc biệt, kiến nghị chế độ thu hút đối với các ngành nghề đặc thù như phong, lao, tâm thần, HIV/AIDS, hồi sức cấp cứu, giải phẫu bệnh...
 |
Nhân viên y tế làm việc gần như không có giờ nghỉ trong ngày tâm dịch Covid-19. Ảnh: Cao Tuân |
Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về vấn đề này, PGS, TS Vũ Xuân Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, các ngành học khác, 4 năm học sau tốt nghiệp ra trường, sinh viên có thể đi làm luôn. Tuy nhiên, với sinh viên trường y sau khi học tập 6 năm và tốt nghiệp ra trường, đó mới tạm gọi là “xóa mù”. Và theo quy định, bác sĩ sau khi ra trường phải thực hành liên tục tại các cơ sở khám chữa bệnh thêm 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề y. Như vậy, với các bác sĩ thì sự đầu tư học hành là rất nhiều. “Thông thường một bác sĩ tốt nghiệp trường y sẽ mất 6 năm, học tiếp bác sĩ nội trú (3 năm), để có chứng chỉ hành nghề tổng cộng mất khoảng 10 năm. Còn với các bác sĩ sau tốt nghiệp không học hệ nội trú, con đường học hành của họ phải qua các lớp chuyên khoa định hướng, sau đó học bằng cấp chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, hoặc thạc sĩ, tiến sĩ thì cũng mất 10 - 12 năm mới đủ kinh nghiệm và kiến thức tự tin hành nghề”, bác sĩ Vũ Xuân Phú cho biết.
Còn theo Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình, qua nắm bắt thông tin từ các đơn vị, thì hiện nay tỷ lệ cán bộ y tế nghỉ việc chủ yếu do tâm lý, thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống… Đặc biệt, nhân viên y tế làm việc trong điều kiện vất vả, trang thiết bị, vật tư y tế thiếu nên nhiều người xin ra ngoài làm việc. Thực ra về mặt pháp lý, để bảo vệ cán bộ đoàn viên công đoàn thì đã có luật lao động, việc xin thôi việc là quyền của người lao động; và người lao động này có xin qua khu vực y tế tư nhân thì cũng là đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên việc này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng chung của y tế công lập. Như vậy những người được hưởng bảo hiểm y tế là người thiệt thòi nhất. “Vì vậy chúng tôi có kiến nghị với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo Bộ Y tế về những chế độ, chính sách liên quan đến cán bộ công đoàn, nếu không kịp thời giải quyết thì bệnh nhân nghèo sẽ là những người thiệt thòi nhất”, bà Phạm Thanh Bình nói.
 |
Các y, bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: Thúy An |
Trước thực trạng y bác sĩ bỏ bệnh viện công, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%; nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế... Ngoài ra, để nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, Bộ tích cực triển khai thực hiện Dự án 585 “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại vùng khó khăn” với mục tiêu tăng cường đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo) nhằm cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến y tế cơ sở, góp phần bảo đảm sự công bằng, hiệu quả trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
“Để khắc phục tình trạng này, ngoài tiếp tục động viên tinh thần đối với lực lượng y bác sĩ... ngành y tế tổ chức điều động nhân lực để hỗ trợ và giảm áp lực cho cán bộ, viên chức y tế; quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế. Bộ Y tế cũng xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
 |
Các y, bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế Thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 xuyên đêm cho công nhân tại khu chế xuất Linh Trung. Ảnh: HOÀI THƯƠNG |
PGS, TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thì cho rằng, để ứng phó với nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực y tế thì TP Hồ Chí Minh cần vận dụng và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND của HĐND Thành phố về các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và đến năm 2025. Đồng thời cần nghiên cứu, đề xuất triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm củng cố và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng; cần sớm có hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để củng cố hoạt động tự chủ của các bệnh viện theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Về lâu dài, cần có những cơ chế, chính sách để thu hút và giữ chân nhân viên y tế công lập bảo đảm thiết thực hơn.
Theo PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), theo xu hướng của các nước tiên tiến trên thế giới thì bác sĩ không thuộc biên chế cố định của một bệnh viện công hoặc tư. Bác sĩ thường hoạt động độc lập, có phòng khám riêng giống như luật sư có văn phòng luật. Họ có hợp đồng với nhiều bệnh viện, thực hiện các việc như tham gia phẫu thuật, khám chữa bệnh trên cơ sở thỏa thuận đôi bên hoặc do yêu cầu của người bệnh. Hiện nay nhiều bệnh viện tư ở Việt Nam cũng hoạt động theo cơ chế đó.
 |
Nhân viên y tế làm việc không quản ngày đêm tại Bệnh viện Sản-Nhi Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Dương |
Như vậy có thể thấy, việc nhân viên y tế rời đi khỏi bệnh viện công thúc giục chúng ta cần phải xem xét cải tổ, đổi mới ngành y tế, đặc biệt các vấn đề pháp lý, quy chế, luật định để các bệnh viện có thể hoạt động tốt hơn, chất lượng cao hơn và thu nhập của nhân viên tốt hơn.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế vừa diễn ra đối với vấn đề nhân lực ngành y bỏ việc, chuyển việc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Y tế, Tư pháp, Nội vụ rà soát các quy định liên quan đến cơ cấu tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực ngành Y; rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế; hoàn thiện các quy định, chính sách về đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, nhất là nguồn lực cho y tế cơ sở; xây dựng khung pháp lý rõ ràng hơn trong hợp tác công - tư ở lĩnh vực y tế; tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; xây dựng phương án tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để tăng nguồn lực cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; hướng dẫn thành lập trạm y tế theo kết luận của Bộ Chính trị, với mô hình trạm y tế không theo đơn vị hành chính mà theo yêu cầu khám chữa bệnh, phù hợp với tình hình thực tế.
Thủ tướng yêu cầu đánh giá lại tình trạng mất cân đối về nguồn nhân lực giữa các địa bàn, giữa các tuyến, các chuyên môn, chuyên ngành y tế để điều chỉnh, bổ trợ cho nhau; có phương án bố trí đủ lượng người làm việc, đáp ứng đủ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, đảm bảo khoa học, hợp lý, hiệu quả. Người đứng đầu Chính phủ lưu ý Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
|
NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ