6 ca ghép phổi thành công

Ca ghép phổi đầu tiên của Trung tâm Ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương vào năm 2020, ông Nguyễn Xuân Toại (58 tuổi, quê Thanh Hóa) trở thành người được ghép phổi có thời gian sống dài nhất Việt Nam.

Năm 2024, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tiếp tục tiến hành 2 ca ghép thành công tại bệnh viện cho bệnh nhân Phạm Anh Thư, Trịnh Thị Hiền với sự hỗ trợ từ xa của Trung tâm ghép phổi UCSF - 1 trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Hoa Kỳ. Ca ghép phổi thứ 3 cho người bệnh Trịnh Thị Hiền quê Bắc Ninh, đây là ca ghép phổi phức tạp, khó khăn hơn, do người bệnh mắc nhiều bệnh nền nặng. Đồng thời, cấu trúc giải phẫu khó, đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao của các chuyên gia phẫu thuật.

Các bệnh nhân ghép phổi tặng hoa chúc mừng các thầy thuốc đã "tái sinh" ra họ lần hai. Ảnh: AN AN

Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, với những thành công này Chương trình Ghép phổi của nước ta sẽ được ghi nhận vào danh sách của hệ thống ghép phổi trên thế giới. Thành công của ca ghép phổi này đã góp phần quan trọng vào thành tựu kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, ghép phổi vẫn là một thách thức, bởi quy trình chuyên môn kỹ thuật của ghép phổi rất khác so với kỹ thuật ghép của nhiều tạng khác. Không giống như tim, công tác ghép phổi phải được chuẩn bị trước từ rất sớm. Để hoàn thiện quy trình ghép phổi, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác nội khoa phía người nhận với bên có người hiến. Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết thêm, ghép phổi không chỉ khó về kỹ thuật ghép mà việc chăm sóc sau ghép cũng khác hoàn toàn các tạng khác; khâu hồi sức và chăm sóc sau ghép cũng vô cùng khó khăn; kíp chăm sóc sau ghép và kíp mổ phải phối hợp 24/24 và phải theo dõi thường xuyên bệnh nhân trong khoảng thời gian từ 8 đến 9 tháng.

Hiện, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tiếp tục hoàn thiện quy trình, chuyển giao công nghệ ghép phổi, nối dài những kỳ tích trong ghép phổi, từng bước phấn đầu xây dựng bệnh viện trở thành Trung tâm Ghép phổi vùng để phục vụ người bệnh Việt Nam và các nước trong khu vực.

“Tái sinh” thêm nhiều cuộc đời

Mỗi ca ghép phổi đều là những thử thách lớn của y học, ghi nhận những tiến bộ vượt bậc trong lịch sử ghép tạng của ngành Y tế Việt Nam. Chỉ trong 1 tuần của tháng 4 vừa qua, Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp với các chuyên gia, đơn vị, các bệnh viện trong nước và quốc tế thực hiện thành công liên tiếp 2 ca ghép phổi cho 2 bệnh nhân mắc bệnh phổi giai đoạn cuối. Đối với ca ghép phổi cho bệnh nhân Cấn Thị Phương (54 tuổi, đến từ Hà Nội), đây là lần đầu tiên tạng phổi của người cho chết não tại Bệnh viện Nhân dân 115, Thành phố Hồ Chí Minh được điều phối, vận chuyển hàng không, bảo quản nghiêm ngặt “từ Nam ra Bắc” để thực hiện cấy ghép ngay trong đêm 11-4 tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương thực hiện ca ghép phổi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sau khi được ghép phổi, bệnh nhân đang được chăm sóc hậu phẫu tại Trung tâm Ghép phổi, các chỉ số sức khỏe đang hồi phục tốt.

Ca ghép phổi thứ 2 cho bệnh nhân Quách Thị Thực (37 tuổi, đến từ Thanh Hóa). Nữ bệnh nhân được ghép phổi từ người cho là nam thanh niên 35 tuổi được đánh giá chết não tại Bệnh viện Bạch Mai. 8 giờ sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi phục “ngoạn mục”, được rút ống nội khí quản và thở bằng hai lá phổi mới, sau 1 tuần bệnh nhân tự thở được. Đây cũng là “kỳ tích đặc biệt” trong phẫu thuật ghép phổi, sự thành công tương đương với tiêu chuẩn y khoa tại các nước phát triển trên thế giới. 

8 giờ sau ca phẫu thuật, bệnh nhân Quách Thị Thực đã hồi phục “ngoạn mục”, được rút ống nội khí quản và thở bằng hai lá phổi mới. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Với nguồn bệnh nhân chờ ghép có sẵn, Bệnh viện Phổi Trung ương sẵn sàng thực hiện ghép phổi khi có nguồn cho tạng tiềm năng. Ghép phổi đã trở thành kỹ thuật thường quy được thực hiện bài bản theo đúng tiêu chuẩn quốc tế tại bệnh viện. Nối dài những kỳ tích về ghép phổi là thành tựu tiêu biểu của ngành Y tế Việt Nam, mang lại những giá trị to lớn cho sức khỏe người bệnh và nhân dân.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm trang thiết bị, bệnh viện còn hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật, đào tạo chuyển giao công nghệ ghép tạng, tiên phong trong kỹ thuật ghép phổi. "Mặc dù chi phí cho một ca ghép phổi tại Việt Nam thuộc mức thấp so với thế giới, nhưng đó vẫn là gánh nặng tài chính lớn vượt quá khả năng chi trả đối với nhiều gia đình. Vì vậy, để có thêm nhiều người bệnh có thể tiếp cận với kỹ thuật ghép phổi, đặc biệt là những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, chúng ta cần có cơ chế chi trả từ nguồn bảo hiểm y tế và sự hỗ trợ từ các nguồn xã hội hoá khác. Hiện nay, hầu hết các ca ghép phổi đều được bệnh viện hỗ trợ kinh phí", Tiến sĩ Đinh Văn Lượng cho hay.

Ngày 7-5, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 116 năm Ngày sinh bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, cố Bộ trưởng Y tế đầu tiên, Viện trưởng Viện Chống lao Trung ương - tiền thân của Bệnh viện Phổi Trung ương ngày nay. Ngày 24-6-1957, Chính phủ ký Quyết định thành lập Viện Chống lao Trung ương và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là Bộ trưởng Y tế đầu tiên và cũng là Viện trưởng đầu tiên.

Trong quyết định thành lập Viện Chống lao ghi rõ "Viện chống lao có nhiệm vụ nghiên cứu bệnh lao và phòng, chống bệnh lao, giúp Bộ Y tế lãnh đạo toàn ngành và nhân dân tiến lên từng bước giảm dần tỷ lệ và tiêu diệt bệnh lao". Ngay từ ngày đó, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã nêu quan điểm của tư duy lồng ghép có tính xuyên suốt của chuyên ngành, đó là: "Chỉ có nắm vững tình hình bệnh phổi trong nước mới chẩn đoán bệnh lao ít sai lầm". Ông cũng khẳng định rằng việc nghiên cứu và thực hành lâm sàng bệnh lao không thể tách rời các bệnh phổi. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là một nhà khoa học của nhân dân, vì nhân dân, là người lãnh đạo tài năng về khoa học quản lý ngành y tế, quản lý sức khỏe cộng đồng, quản lý chuyên ngành lao và bệnh phổi. Cố Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch đã tìm ra con đường và để lại cho những thế hệ kế tiếp một hệ tư tưởng quý giá đối với ngành y tế Việt Nam, đặc biệt là chuyên ngành lao và bệnh phổi. (Nguồn: Bệnh viện Phổi Trung ương)

THU HƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.