Trong những trường hợp đặc biệt tham gia Chương trình “Phẫu thuật nụ cười” lần thứ 9 tại Bệnh viện E, hình ảnh bé L.C.D (7 tuổi, ở Nam Định) cùng bà nội đã khiến nhiều người xúc động. Bé D mắc dị tật khuyết môi dưới xuất phát từ một chuỗi biến chứng do bệnh lý bại não. Bé bị co cứng cơ vùng mặt, kèm theo hành vi không kiểm soát, thường xuyên tự cắn vào môi dưới.

Việc này đã dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, khiến phần môi dưới bị tổn thương không thể hồi phục và buộc phải cắt bỏ. Đây là một tình trạng hiếm gặp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bé. Bố mất sớm, mẹ phải đi làm xa để kiếm sống nên bé ở với bà nội. Khi biết đến Chương trình “Phẫu thuật nụ cười”, bà nội D đã đưa cháu vượt hơn trăm cây số từ Nam Định lên Hà Nội với hy vọng cháu được chữa trị. Sau khi thăm khám và hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện ca phẫu thuật tạo hình môi dưới để bé sớm có cuộc sống khỏe mạnh.

Bác sĩ Bệnh viện E thăm khám trước khi phẫu thuật cho bệnh nhi dị tật khe hở môi, vòm miệng. 

Hay trường hợp bé B.T.P.T (hơn 4 tháng tuổi, ở Hải Dương) được chẩn đoán mắc dị tật khe hở môi toàn bộ một bên, khe hở vòm miệng. Sau khi thăm khám và hội chẩn, các bác sĩ chỉ định bé được phẫu thuật tạo hình môi. Nhận thức được tầm quan trọng của việc điều trị sớm, gia đình bé đã nhanh chóng tìm đến một cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán toàn diện.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện E cho biết, trường hợp của bé T có thể nói là may mắn hơn nhiều bệnh nhi khác vì được gia đình đưa đến cơ sở y tế điều trị sớm và áp dụng quy trình chuẩn điều trị toàn diện khe hở môi, vòm miệng ngay từ đầu, bảo đảm bé nhận được kế hoạch điều trị bài bản, hiệu quả nhất. Quá trình điều trị khe hở môi, vòm miệng bắt đầu từ khi trẻ chưa sinh ra đến khi trưởng thành, phải có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, điều trị từ trong thai kỳ, ngay từ khi sinh ra cần can thiệp khí cụ (đeo hàm nam) trước phẫu thuật để đóng hẹp khe hở lại, giúp định hình cấu trúc mô mềm, xương hàm...

Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho ca phẫu thuật sau này mà còn giảm các biến chứng, giúp trẻ bú mẹ dễ dàng hơn. Với các dị tật bẩm sinh phức tạp, thời điểm can thiệp và phương pháp điều trị đóng vai trò quyết định. Việc tiếp cận quy trình chuẩn giúp bảo đảm trẻ được chăm sóc đúng cách từ giai đoạn sơ sinh, bao gồm sử dụng khí cụ hỗ trợ trước phẫu thuật, phối hợp đa chuyên khoa và xây dựng kế hoạch điều trị cá nhân hóa phù hợp với từng trẻ. Đây không chỉ là yếu tố giúp cải thiện hiệu quả phẫu thuật mà còn giảm nguy cơ biến chứng, tạo nền tảng để trẻ phát triển khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tâm lý, mang lại cơ hội phục hồi tốt nhất cho các bé.

Bài và ảnh: THANH XUÂN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.