Theo đó, bà Q bị xử phạt vì có hành vi Trốn tránh áp dụng biện pháp cách ly y tế khi trước đó có tiếp xúc với một F0 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và bị xác định là F1. Chiều 26-5, khi cơ quan chức năng đến nhà để vận động người phụ nữ này khai báo lịch trình dịch tễ và cách ly tập trung thì bà Q không hợp tác, cố tình chống đối và bỏ lên phòng riêng tại tầng 3 của ngôi nhà, khóa trái cửa. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, khi thuyết phục không được, cơ quan chức năng đã phải phá cửa chính, khống chế bà Q và đưa lên xe chuyên dụng chở đến cơ sở cách ly.
 |
Các lực lượng chức năng Bắc Giang cưỡng chế bà Phạm Thị Quế đưa đi cách ly. (Ảnh:Vietnamnet/cắt từ clip) |
Trước đó, có một trường hợp khác là T.T.D (18 tuổi, trú xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) cũng được Công an thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đưa vào cách ly tập trung tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam) để theo dõi, phòng dịch. D sống tại xã Si Pa Phìn, là địa bàn có dịch Covid-19 và đang bị phong tỏa, giãn cách xã hội. Ngày 20-5, D trốn khỏi địa bàn và bắt xe khách xuống Hà Nội. Khi đến chốt kiểm dịch tại đèo Pha Đin (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), D bị các cán bộ kiểm dịch phát hiện, đưa đi cách ly tập trung. Tuy nhiên, đến ngày 24-5, D tiếp tục trốn khỏi khu cách ly và Công an tỉnh Điện Biên đã ra thông báo truy tìm, đề nghị các tỉnh, thành phố cả nước phối hợp tìm kiếm. Ngày 26-5, Công an thành phố Phủ Lý phát hiện D đang trốn ở một nhà trọ trên địa bàn nên tiến hành đưa đi cách ly tập trung, lập hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật.
Sau khi các trường hợp này được thông tin trên phương tiện truyền thông, nhiều ý kiến đã bức xúc, thậm chí phẫn nộ và cho rằng trong khi tình hình dịch Covid-19 đang rất phức tạp, mỗi ngày có hàng trăm ca mắc mới, những hành động thiếu ý thức, vô trách nhiệm, cố tình chống đối, trốn tránh cách ly như vậy sẽ gây nguy hiểm cho cộng đồng và phải xử lý hình sự chứ không thể chỉ xử phạt hành chính.
Hiện nay, các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch đang phải căng mình để thực hiện nhiệm vụ. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân viên y tế và cả các sinh viên ngành y, sinh viên tình nguyện đã xung phong tăng cường vào vùng dịch, không quản hiểm nguy, với mong muốn hỗ trợ, sẻ chia và cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Qua thông tin trên truyền hình, trên các báo điện tử và mạng xã hội, chúng tôi cảm thấy rất xúc động trước hình ảnh nhiều cán bộ, y, bác sĩ quá mệt mỏi, thậm chí nôn, ngất xỉu vì kiệt sức khi phải làm việc liên tục cả ngày trong nắng nóng để lấy mẫu xét nghiệm, truy vết Covid-19...
Thế nhưng vẫn có những “con sâu bỏ rầu nồi canh” khi cố tình trốn khỏi khu cách ly, cố tình không chịu đi cách ly, khiến không chỉ các cơ quan chức năng phải vất vả tìm kiếm, truy vết, gây tốn kém, mất thời gian mà còn tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Theo điểm b, Khoản 2, Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì người từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế có thể bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Đồng thời, buộc phải tiếp tục thực hiện việc cách ly y tế theo Khoản 3, Điều 10 của nghị định này. Ngoài ra, trường hợp bỏ trốn khỏi khu vực cách ly y tế dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tôi cho rằng, qua một số trường hợp này, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý, có các biện pháp siết chặt quy trình quản lý người cách ly, không để họ bỏ trốn rồi trà trộn vào cộng đồng dân cư, gây lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác, báo ngay cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương biết thông tin nếu phát hiện người lạ đến cư trú trái phép trong cộng đồng. Cùng với đó, cần phải nâng mức xử phạt đối với những hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, qua đó góp phần răn đe, giáo dục, làm gương cho những người khác…
Tuy nhiên, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cùng với việc thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp phòng chống, ngăn chặn dịch thì ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân là một trong các yếu tố quan trọng hàng đầu để những nỗ lực trong việc phòng ngừa và ngăn chặn dịch của cả hệ thống chính trị nước ta sẽ thành công.
NGUYỄN PHƯƠNG (Hai Bà Trưng, Hà Nội)