Dự lễ tưởng niệm có đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo sở, ngành TP Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang; các cán bộ lão thành cách mạng; các chức sắc tôn giáo và đông đảo nhân dân thành phố.

 Các đại biểu tham quan triển lãm “Bác Tôn với Quốc hội khóa I”.

Tại lễ tưởng niệm, các đại biểu đã dâng hoa, dâng hương trước Tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong khuôn viên Bảo tàng Tôn Đức Thắng và cùng nhau ôn lại cuộc đời cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Sinh ngày 20-8-1888, tại xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn gắn liền với quá trình cách mạng Việt Nam. Trải qua bao gian lao thử thách, từ người thợ máy hay làm Chủ tịch nước, bác Tôn luôn nêu cao đức tính siêng năng, chăm chỉ, khiêm nhường, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, hiến dâng cả cuộc đời mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam và thế giới. Tài năng lớn nhất mà Chủ tịch Tôn Đức Thắng để lại là tài tổ chức, tập hợp người cùng chí hướng, cảm hóa những người lầm đường, là biểu tượng của sự đại đoàn kết. 36 năm trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Tôn Đức Thắng đi xa, nhưng tấm gương mẫu mực của Chủ tịch Tôn Đức Thắng vẫn là niềm tự hào, sự ngượng mộ, kính phục của những người cộng sản, nhân dân Việt Nam phấn đấu rèn luyện noi theo.

 Đại diện Bảo Tàng Tôn Đức Thắng tiếp nhận hiện vật về Chủ tịch Tôn Đức Thắng, do các tổ chức, cá nhân trao tặng.

Dịp này, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã tổ chức khai mạc triển lãm với chủ đề “Bác Tôn với Quốc hội khóa I” và tổ chức tiếp nhận 84 hiện vật, tư liệu quý về Chủ tịch Tôn Đức Thắng, do các tổ chức, cá nhân trao tặng. Các cấp của thành phố cũng đã khen thưởng 7 tập thể, cá nhân có nhiều nghiên cứu, sưu tầm, trao tặng hiện vật về Chủ tịch Tôn Đức Thắng cho Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

Tin, ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN