* Chiều tối 2-8, bão số 3 sẽ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh  đến Thái Bình

* Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng ứng phó bão

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão số 3 đổi hướng di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 16 giờ ngày 2-8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, ngay bờ biển Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được 10km. Dự báo chiều đến tối hôm nay (2-8), bão số 3 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ  Quảng Ninh đến Thái Bình với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11 sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Đến 16 giờ ngày 3-8, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Quảng Ninh, Hải Phòng từ sáng nay (2-8) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10-11. Các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Thanh Hóa từ trưa nay có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9-10.

Từ đêm 1-8 đến 4-8, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Khu vực Hà Nội, từ chiều và đêm nay (2-8) có mưa to đến rất to, gió mạnh dần lên cấp 5, giật cấp 6-7. (PHÚC THÁI)

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh kêu gọi tàu, thuyền vào bờ tránh bão. Ảnh: Hà Khánh.

Chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão và mưa lũ: Ngày 1-8, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ký Công điện số 09/CĐ-TWPCTT gửi UBND các tỉnh, thành phố phía Bắc, Bắc Trung Bộ và các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an... yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão, mưa lũ. Phó thủ tướng yêu cầu, đối với khu vực trên biển, tiếp tục rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền để thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển di chuyển tránh trú an toàn. Căn cứ tình hình cụ thể, địa phương quyết định thời điểm và tổ chức thực hiện việc cấm biển.

Khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị rà soát, chủ động sơ tán, di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; triển khai phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là trên các tuyến cao tốc, các cầu vượt biển. Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, chống úng ngập; bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, hầm lò, các dự án đang thi công ven biển, bảo vệ đê điều, nhất là các đoạn đê bị sự cố, công trình đang thi công, bảo đảm an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

Khu vực miền núi, trung du rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn để chủ động sơ tán; di dời bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ, đập, nhất là các hồ, đập xung yếu.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện vận tải; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố. Bộ NN&PTNT chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản, bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi, đê điều. Bộ Công Thương chỉ đạo bảo đảm an toàn hồ, đập thủy điện, hệ thống điện, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản. Bộ Xây dựng chỉ đạo bảo đảm an toàn các công trình xây dựng, các công trình cao tầng, công trình cột, tháp cao… (THÁI HƯNG)

Trong ngày 1-8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã chủ trì cuộc họp thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 3. (NGỌC HÀ)

Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng ứng phó với bão: Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến chiều 1-8, các địa phương: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã thực hiện việc cấm biển. Lực lượng Bộ đội Biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa huy động gần 7.000 cán bộ, chiến sĩ với 300 phương tiện ứng trực sẵn sàng xử lý tình huống khi có yêu cầu; thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.635 tàu với 284.989 người và  7.907 lồng bè, lều, chòi canh nuôi thủy sản với 11.193 người chủ động phòng, tránh bão.

Bộ tư lệnh Quân khu 3 cũng huy động hơn 11.000 cán bộ, chiến sĩ (bộ đội: 5.172, dân quân tự vệ: 5.864), 236 phương tiện, thông báo, kêu gọi 14.658 phương tiện, tàu thuyền, 16.597 lồng bè, chòi nuôi trồng thủy sản... phòng, tránh bão.

 Quân chủng Hải quân đã chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 trên các phương tiện thông tin đại chúng, rà soát lại các phương án phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển. (CHU ANH - HÀ KHÁNH)

Kiểm tra công trình, hồ, đập, nguồn điện dự phòng: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có công điện yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai phương án ứng phó bão số 3, bảo đảm an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình. Theo đó, EVN yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, đặc biệt lưu ý việc kiểm tra công trình, hồ, đập, nguồn điện dự phòng; theo dõi sát tình hình thủy văn, mưa lũ, lượng nước về hồ, vận hành hồ chứa theo quy trình; phối hợp chặt chẽ, báo cáo và thông báo kịp thời, đúng quy định cho các địa phương và cơ quan liên quan. (VŨ DUNG)

Nhiều chuyến bay bị hủy do bão: Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) ngày 1-8 cho biết, để bảo đảm an toàn, hãng điều chỉnh kế hoạch khai thác các chuyến bay đến, đi từ các sân bay tại Hải Phòng và Vân Đồn (Quảng Ninh) trong ngày 2 và 3-8. Cụ thể, trong ngày 2-8, trên đường bay TP Hồ Chí Minh-Hải Phòng, hãng hủy các chuyến bay VN1186, VN1189, VN1192, VN1193 và VN1194. Ngoài ra, Vietnam Airlines bay sớm các chuyến VN1184, VN1187 để hạ cánh tại sân bay Hải Phòng trước 12 giờ do sân bay này đóng cửa bởi ảnh hưởng của bão từ 12 giờ ngày 2-8 đến 12 giờ ngày 3-8. Trên đường bay Đà Nẵng-Hải Phòng, Vietnam Airlines hủy các chuyến VN1672, VN1673; đường bay TP Hồ Chí Minh-Vân Đồn, hủy các chuyến VN1286, VN1287. Trong ngày 3-8, đường bay TP Hồ Chí Minh-Hải Phòng, Vietnam Airlines hủy chuyến bay VN1181 và lùi giờ khai thác các chuyến VN1180, VN1183 dự kiến khoảng 5 tiếng, hạ cánh sau 12 giờ ngày 3-8. Để hỗ trợ hành khách bị ảnh hưởng, trong ngày 2-8, Vietnam Airlines tăng thêm một chuyến bay khứ hồi Đà Nẵng-Hà Nội và một chuyến bay khứ hồi TP Hồ Chí Minh-Hà Nội. (MẠNH HƯNG)

Hà Nội chủ động ứng phó trước diễn biến của bão: Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký Công điện khẩn số 11/CĐ-UBND yêu cầu các cấp, ngành, các đơn vị chủ động ứng phó trước diễn biến của bão số 3. Yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị của thành phố tổ chức ứng trực 24/24 giờ; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai trên địa bàn; đồng thời kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình xây dựng. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “3 sẵn sàng, 4 tại chỗ, 5 không”, chủ động ứng phó kịp thời mọi diễn biến của bão, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai. (NGUYỄN VŨ)