Cùng dự có Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao Nguyễn Trung Kiên.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: TIÊU NGUYỄN 

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã thay mặt lãnh đạo Bộ Ngoại giao chào mừng các đại biểu kiều bào trẻ về dự Diễn đàn, đồng thời đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Trung ương Đoàn trong việc duy trì tổ chức đều đặn hoạt động này với những nội dung, chủ đề thảo luận rất thiết thực, bám sát vào những vấn đề cấp thiết của đất nước. 
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao luôn coi trọng và quan tâm sâu sắc tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có lực lượng chuyên gia, trí thức thanh niên người Việt Nam ở nước ngoài.

Quang cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: TIÊU NGUYỄN 

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành “bộ tứ trụ cột” (Nghị quyết số 57, 59, 66, 68), trong đó, Nghị quyết số 57 về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đưa ra những chủ trương đột phá nhằm thu hút, trọng dụng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, sinh sống.

Quốc hội vừa ban hành hàng loạt Luật mới như Luật Quốc tịch sửa đổi, trong đó nới lỏng quy định nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài; Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, trong đó trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cá nhân, tổ chức nghiên cứu khoa học.

Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây đã yêu cầu các bộ, ngành đề xuất những chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc. Những chủ trương, chính sách trên ngày càng tạo điều kiện thuận lợi để các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho biết thời gian tới, Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục tạo khuôn khổ, chủ trương, chính sách pháp lý thuận lợi để các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài yên tâm gắn bó và đóng góp cho đất nước; xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, thông thoáng, hấp dẫn với kiều bào, cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại, chế độ đãi ngộ phù hợp, không phân biệt khu vực công-tư để phát huy tối đa khả năng nghiên cứu, sáng tạo của kiều bào; có những đặt hàng cụ thể đối với kiều bào trong các nhóm công nghệ chiến lược (đối với kiều bào về nước làm việc, cũng như làm việc từ xa).

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao mong muốn các trí thức trẻ người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đoàn kết, hội nhập tốt vào xã hội sở tại, phát huy vai trò hạt nhân tích cực trong cộng đồng, là cầu nối trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước; đồng thời, tiếp tục đóng góp nguồn lực, trí tuệ cho công cuộc phát triển đất nước thông qua nhiều hình thức: Đóng góp từ xa thông qua việc giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những bí quyết công nghệ, kết nối với các tập đoàn, cơ sở nghiên cứu của nước ngoài, hỗ trợ đào tạo nhân lực... hoặc trực tiếp về nước nghiên cứu, làm việc, khởi nghiệp, tham gia những dự án quan trọng của đất nước.

Tại cuộc gặp, các đại biểu trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã trao đổi, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực, đầy trách nhiệm về cơ chế, chính sách liên quan đến triển khai cụ thể Nghị quyết số 57; các ưu tiên trọng điểm về khoa học, công nghệ; phương thức thu hút nhân tài; tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp lý; chế độ làm việc ở trong nước...

QUỲNH CHI 

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.