Buổi tọa đàm có sự góp mặt của các khách mời: Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Giáo dục của UBTƯ MTTQ Việt Nam; Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai); Nhà văn Hoàng Anh Tú- anh Chánh Văn của Báo Hoa Học Trò, chuyên gia tư vấn tâm lý cho tuổi mới lớn; Diễn viên Thu Quỳnh, vai nữ chính trong phim truyền hình “Về nhà đi con”; Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn, người nổi tiếng với chương trình “Cửa sổ tình yêu” của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, trong bầu không khí cởi mở, các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết, nhiều câu chuyện từ chính trong gia đình các khách mời, để qua đó cùng nhau làm sáng tỏ, đưa ra các ý kiến, giải pháp để giúp giảm thiểu căn bệnh trầm cảm nơi trẻ em, học sinh.

Chúng ta hay nói về trầm cảm, nhưng chúng ta hiểu biết gì về nó và chúng ta làm thế nào để giúp con em chúng ta vượt qua được những trạng thái cảm xúc tiêu cực?

Thời gian gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều chuyện vô cùng đau lòng xảy ra ở lứa tuổi học đường, từ đây đặt rất nhiều vấn đề về trách nhiệm của ngành giáo dục, của nhà trường, gia đình và xã hội.

Trầm cảm tuổi học đường là một căn bệnh, chúng ta cần có những nhận biết để có giải pháp đồng hành và chữa trị kịp thời. Nhưng vấn đề lớn hơn là làm thế nào để phòng chống trầm cảm tuổi học đường? Báo Đại Đoàn Kết mong muốn các vị khách mời phân tích nguyên nhân tạo ra áp lực cho con trẻ, để tìm ra giải pháp thay đổi thực trạng, nhằm góp một tiếng nói cùng xã hội chung tay chăm lo cho nguồn lực tương lai của đất nước. 

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ những câu chuyện chân thực về gia đình mình. 

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trải lòng: Tôi đặt tên hai con mình là Hiếu và Thảo, không phải chỉ mong muốn con hiếu thảo với bố mẹ mà mong muốn các con hiếu thảo với xã hội, muốn con cái trở thành người tử tế. Mà muốn được như vậy, bố mẹ phải tự tế, gia đình cần quan tâm tới trí tuệ, đạo đức của các con. Thầy cô cũng vậy, không chỉ dạy chữ mà cần lắm tấm lòng người thầy thương yêu học sinh, hình thành cho trẻ sự tử tế.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng: Chúng ta vừa chứng kiến và trải qua một sự kiện chưa từng có trong cuộc đời, đó là đại dịch Covid-19, làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của chúng ta. Có thể nói, đây là cú sốc với xã hội. Chúng ta có thể thấy, một sự vật, sự việc, sau sự cố nào đó, nếu tái khởi động lại thì phải làm từ từ và có quá trình, lộ trình dần dần, cụ thể để đạt được.

Ngay cả bên lĩnh vực kinh tế, họ cũng làm từ từ, thay đổi mục tiêu, chiến lực để kinh tế dần phục hồi và tăng trưởng lại. Vậy tại sao nhà trường, các cơ sở giáo dục đến nay không có lộ trình rõ ràng, như tuần đầu vui chơi, tuần sau học kỹ năng sống và sau đó học kiến thức lại bình thường? Tôi cho rằng đây là điều cần rút kinh nghiệm và nếu có sự can thiệp ngay từ bây giờ cũng chưa muộn.

Đặc biệt, trong thời điểm này, các trường học bắt đầu cho học sinh quay trở lại học. Thời điểm nhạy cảm này, theo tôi, nhà trường không nên bắt học sinh học bằng hai bình thường, vì như phân tích ở trên, điều này không khác gì bắt một người mới khỏi ốm phải gánh vác đồ đạc nặng. Tôi cho rằng việc này là không cần thiết, bởi giai đoạn tiểu học là giai đoạn đầu nên chưa cần phải nặng nề, vì học là việc cả đời. Lời khuyên của tôi là mỗi giai đoạn học tập của con trẻ nên đặt một mục tiêu cụ thể sẽ hợp lý hơn.

Nhà văn Hoàng Anh Tú phát biểu tại tọa đàm. 

Về phần mình, Nhà văn Hoàng Anh Tú nhấn mạnh: "Tôi không bao giờ cấm con tham gia mạng xã hội. Gia đình tôi tham gia mạng xã hội với thái độ tích cực, nên từ trước đến nay tôi chưa bao giờ ý kiến về việc con tham gia mạng xã hội. Tôi tin khán giả đang theo dõi tọa đàm này đều là các bậc cha mẹ rất yêu con.

Có rất nhiều tâm sự các con gửi đến cho tôi và tôi biết rằng cha mẹ của các cháu chưa biết cách yêu con. Đúng là rất nhiều người thương con nhưng không biết bằng cách nào để con biết mình thương con. Trở lại câu chuyện đau lòng về cậu bé trường chuyên, tôi tin rằng cậu bé không hiểu được cha mẹ yêu mình. Tối hôm đó, tôi đọc rất nhiều tâm sự các phụ huynh rằng họ rất yêu con, họ có thể hy sinh quả thận, thậm chí mạng sống cho con nhưng con của họ chưa chắc đã hiểu được điều này.

Cá nhân tôi từng cho rằng bố mẹ không yêu tôi. Tôi cũng từng dạt nhà 3, 4 hôm nhưng bố tôi không biết. Cho đến về sau tôi mới nhận ra rằng bố mẹ nào cũng yêu thương con cái nhưng con (chúng ta) không nhận ra điều đó. Cậu cả nhà tôi từng tâm sự rằng, có những lúc con muốn chết vì con bị tẩy chay, nhưng sau đó con không chết nữa vì con sợ chết, và con thấy bố mẹ rất yêu con. Như vậy tôi đã thành công trong việc cháu biết tôi thương nó. Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải bằng cách nào đó để cho những đứa trẻ của chúng ta hiểu rằng: Chúng ta rất yêu các con. Chính vì vậy, tôi mong muốn các bậc cha mẹ hãy yêu con nhiều hơn".

Tin, ảnh: ĐÌNH HÙNG