Hơn 50 bài tham luận gửi về tọa đàm, cũng như các phát biểu trực tiếp đã nêu bật thực trạng gia đình Việt Nam hiện nay, chia sẻ những kinh nghiệm và cách giữ gìn hạnh phúc gia đình, vai trò của chính quyền địa phương và hộ gia đình tham gia thí điểm thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Đồng thời, các tham luận nêu lên những vấn đề xã hội đang quan tâm ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau như: Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tổ chức công đoàn và các đoàn thể chính trị, xã hội trong tuyên truyền vận động người dân tham gia xây dựng GĐHP, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ GĐHP, sự biến đổi của gia đình ở TP Hồ Chí Minh hiện nay, văn hóa gia đình - di sản quý báu của truyền thống văn hóa dân tộc, vai trò của dòng họ đối với vấn đề xây dựng GĐHP, phát triển bền vững... Các tham luận nhấn mạnh, việc xây dựng GĐHP là trách nhiệm, nhiệm vụ của từng thành viên trong gia đình và xã hội. 

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Các ý kiến, tham luận tại tọa đàm sẽ được ban tổ chức báo cáo đến Thường trực Thành ủy, kiến nghị đến UBND Thành phố về những vấn đề quan tâm để làm cơ sở xây dựng được bộ tiêu chí GĐHP, phù hợp với thực tiễn gia đình tại TP Hồ Chí Minh. Riêng các cấp mặt trận sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các thành viên trong gia đình về vị trí, vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Đồng thời, tiếp tục phát huy và nhân rộng các phong trào thiết thực, các mô hình, cách làm hay trong công tác gia đình như phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây GĐHP”, câu lạc bộ “Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội”, câu lạc bộ “Xây dựng GĐHP” với các hoạt động thiết thực tại cộng đồng, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình từ đó lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Tin, ảnh: HÙNG KHOA