Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Hà Nội, nhấn mạnh quyết định tổ chức “Tọa đàm Khí hậu Hà Nội” là sự ghi nhận đối với tham vọng khí hậu của Việt Nam và là minh chứng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa Đức và Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. “Tại Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất thép, hiện dẫn đầu Đông Nam Á, vẫn là một trong những ngành phát thải carbon chính của đất nước.... Tôi tin tưởng rằng, với việc làm cho ngành thép vững vàng trong tương lai, ngành này có thể đóng góp đáng kể vào hoạt động chống biến đổi khí hậu toàn cầu và sự thịnh vượng kinh tế”, Đại sứ Guido Hildner nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 TS Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức, phát biểu tại tọa đàm.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã chia sẻ các khía cạnh công nghệ, kinh tế và chính sách của việc chuyển đổi sản xuất thép sang các phương pháp bền vững hơn. Ông Chu Hoàng Đức Anh, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm thải carbon và nêu bật các chiến lược quốc gia về chuyển đổi bền vững, phù hợp với các mục tiêu khí hậu toàn cầu.

Trong khi đó, bà Cécile Seguineaud, nhà phân tích chính sách công nghiệp, Chương trình Huy động đầu tư và tài chính cho năng lượng sạch của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhấn mạnh rằng cần đầu tư nhiều vào công nghệ carbon thấp để điều chỉnh tăng trưởng ngành công nghiệp cho phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của các quốc gia.

Buổi tọa đàm đóng vai trò quan trọng trong việc nêu bật nhu cầu cấp thiết về khử carbon trong các ngành công nghiệp phát thải nặng và tái khẳng định tầm quan trọng của hành động khí hậu toàn cầu; xem xét vai trò then chốt của ngành thép trong nhiều ngành công nghiệp như xây dựng, sản xuất, di chuyển và cơ sở hạ tầng....

Tin, ảnh: HỒNG HOA

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.