Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Phạm Thị Thanh Huyền, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân nhấn mạnh, với sứ mệnh là “cầu nối” trực tiếp giữa nhân dân với Quốc hội, hoạt động dân nguyện có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động của Quốc hội. Trải qua 20 năm hoạt động, với nỗ lực không ngừng, tâm huyết, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và từng cán bộ, Ban Dân nguyện của Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, được đánh giá cao qua các nhiệm kỳ Quốc hội.

Công tác dân nguyện của Quốc hội thông qua hoạt động của Ban Dân nguyện trong suốt 20 năm qua đã giúp việc tiếp nhận thông tin từ nhân dân, nắm bắt ý chí, nguyện vọng, tâm tư, kiến nghị phản ánh của công dân ngày càng được nâng cao; góp phần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân, cụ thể hóa và phát huy quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Ban Dân nguyện đã ngày càng làm tốt hơn chức trách đầu mối để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện nhiệm vụ giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân đạt hiệu quả; thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cơ quan, nhất là người đứng đầu trước những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, được cử tri đồng tình, đóng góp vào thành công chung của Quốc hội, vào việc xây dựng hình ảnh Quốc hội Việt Nam đổi mới, trách nhiệm, vì dân.

leftcenterrightdel

Bà Phạm Thị Thanh Huyền, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân phát biểu khai mạc tọa đàm “Công tác dân nguyện của Quốc hội: Đổi mới, hiệu lực, hiệu quả”.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, công tác dân nguyện rất quan trọng vì làm cho cả hệ thống này chính danh. Muốn nhà nước dân chủ, của dân, do dân và vì dân, phải đặt toàn bộ sự chính danh của hệ thống này phụ thuộc vào việc phản ánh dân nguyện và xử lý dân nguyện như thế nào. Với ý nghĩa là cầu nối trực tiếp và quan trọng giữa nhân dân với Quốc hội, hoạt động dân nguyện có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần vào việc phản ánh đầy đủ và kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và việc giám sát năng lực hoạt động của tổ chức bộ máy Nhà nước, tổ chức xã hội.

Buổi tọa đàm làm rõ những vấn đề cấp bách đặt ra cần đổi mới, nâng cao trong công tác dân nguyện; hiến kế những giải pháp đột phá… để đáp ứng yêu cầu trong tiến trình đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đó là yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động của công tác dân nguyện và cả địa vị pháp lý của Ban Dân nguyện, không chỉ giúp cho Quốc hội gần dân, sát dân, thường xuyên đồng hành với nhân dân để thực hiện tốt hơn các chức năng của mình mà còn thúc đẩy các cơ quan của Chính phủ xử lý những vấn đề lớn cử tri và nhân dân bức xúc; gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn”, tăng cường giải quyết, trả lời để những nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của cử tri không bị rơi vào “quên lãng”…

Tin, ảnh: HÀ VŨ