Giải thưởng của ứng dụng hiệu quả

Tâm huyết cả đời với các công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, thế nhưng khi được thông báo mình là chủ nhân của Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a năm 2015, PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà, nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ sinh học không giấu được những giọt nước mắt xúc động và tự hào. Bà chia sẻ: Đến bây giờ, tôi hoàn toàn không hối hận với sự lựa chọn của cuộc đời khi dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học. Con đường đó dẫu có gian nan, vất vả, có cả nước mắt của sự thất bại, nhưng thành công hôm nay sẽ là nguồn động viên, cổ vũ chúng tôi tiếp tục dấn thân trên con đường khoa học.

Là chủ nhiệm của gần 30 đề tài, dự án, nhánh đề tài các cấp, công bố hơn 160 công trình khoa học và công nghệ trong và ngoài nước, nhưng công trình mà PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà tâm huyết và đau đáu nhất là “Quy trình xử lý đất ô nhiễm đi-ô-xin bằng phương pháp phân hủy sinh học”. Bà đã liên tục 10 năm lăn lộn, nghiên cứu ở nhiều vùng đất tại Đà Nẵng và TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị ô nhiễm đi-ô-xin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Áp dụng công nghệ này, đất nhiễm đi-ô-xin có thể biến thành đất nông nghiệp với chi phí chỉ bằng 5% đến 10% công nghệ của nước ngoài, mở ra cơ hội làm sạch đất nhiễm đi-ô- xin ở các “điểm nóng” với chi phí thấp, phù hợp với điều kiện khoa học và công nghệ hiện nay của Việt Nam. Công trình đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng độc quyền sáng chế và được trao Giải thưởng vàng tại Triển lãm quốc tế sáng chế của phụ nữ được tổ chức tại Xơ-un, Hàn Quốc.

Tên tuổi của TS, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc phụ trách Hệ hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Trưởng bộ môn Hồi sức-cấp cứu-chống độc của Trường Đại học Y-dược TP Hồ Chí Minh khá nổi tiếng trong giới nghiên cứu y học. Những đề tài tiêu biểu mà chị đã chủ trì và tham gia như: "Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị một số bệnh", "Ghép gan trên người cho gan sống và người hiến tạng chết não", "Ghép thận trên người hiến tạng tim ngừng đập"…; trong đó, nhánh nghiên cứu "Hiệu quả lọc máu liên tục trong sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng", thực hiện từ năm 2010-2013, là đề tài mang lại hiệu quả và tính ứng dụng cao. Theo TS, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, việc áp dụng kỹ thuật lọc máu trên đã giúp ngành hồi sức cấp cứu được thêm nhiều bệnh nhân tưởng như không còn hy vọng sống, góp phần làm giảm sự tiến triển của suy đa tạng. Chi phí chữa bệnh cũng như thời gian nằm điều trị của bệnh nhân giảm đáng kể. Kỹ thuật này hiện đã được chuyển giao cho nhiều bệnh viện tuyến tỉnh ứng dụng.

30 năm qua, Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a đã vinh danh nhiều nhà khoa học nữ mà tên tuổi gắn với những công trình khoa học mang tính đột phá. Từ nhiều năm nay, phương pháp điều trị hiếm muộn bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đã thực sự là “cứu cánh” của nhiều cặp vợ chồng mắc bệnh vô sinh. Ít người biết rằng, cách đây ngót 20 năm, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (kỹ thuật IVF).  Công trình này gắn với tên tuổi của GS, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ và tập thể các nhà khoa học nữ của bệnh viện. Từ đó đến nay, cả nước có hơn 15.000 em bé ra đời nhờ kỹ thuật này, mang lại hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn với chi phí hợp lý. Tập thể cán bộ nữ của bệnh viện đã được trao Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a năm 1997.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao quà tặng các nhà khoa học nữ từng được trao Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a. 

Còn nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học nữ đã được ứng dụng rộng rãi trong đời sống như: “Nghiên cứu, lai tạo ra các loại giống lúa năng suất cao” của tập thể các nhà khoa học nữ Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long; “Lai tạo các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao” của tập thể các nhà khoa học nữ Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)…

Con đường khoa học là con đường đầy khó khăn, thách thức và đôi khi phải chấp nhận cả những hy sinh, nhưng những phụ nữ làm khoa học, dù ở các lĩnh vực khác nhau, đều chung một niềm đam mê nghiên cứu, dám nghĩ, dám làm, có những ý tưởng sáng tạo, để đi tới những thành công. Những công trình, đề tài nghiên cứu thành công của họ được ứng dụng vào cuộc sống, có ích cho xã hội, phục vụ con người. Đó là động lực lớn để các nhà khoa học nữ tiếp tục làm việc, nghiên cứu để phục vụ cộng đồng.

Động lực cống hiến

Nhớ lại giây phút đứng trên sân khấu đón nhận Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a cách đây 30 năm, Nhà giáo ưu tú Bùi Thị Tý xúc động chia sẻ: "Tâm huyết với nghề, đam mê với các công trình nghiên cứu khoa học, mỗi chúng tôi không suy nghĩ phải giành được giải thưởng, được vinh danh. Tuy nhiên, giải thưởng được trao là sự động viên, khích lệ, ghi nhận những nỗ lực cố gắng, giúp chúng tôi có thêm động lực để sáng tạo và cống hiến". Còn GS,TS Nguyễn Thị Lang, đại diện tập thể Phòng Di truyền chọn giống, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long tâm sự: "Từ công trình “Nghiên cứu giống lúa có khả năng tạo giống lúa năng suất cao” được trao giải cách đây 20 năm, tôi và tập thể được tiếp thêm động lực, tinh thần và nhiệt huyết”. Đến nay bà sở hữu tổng cộng hơn 100 đề tài nghiên cứu từ cấp tỉnh, cấp bộ, cấp nhà nước và đề tài mang tính quốc tế.

Suy nghĩ của Nhà giáo ưu tú Bùi Thị Tý và GS,TS Nguyễn Thị Lang cũng là suy nghĩ chung của hầu hết các cá nhân, tập thể nữ đang miệt mài, dấn thân trên con đường khoa học và cũng là của những người nhiều năm đồng hành với Ủy ban Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a. Là người gắn bó với Ủy ban Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a từ những ngày đầu thành lập, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng khẳng định: Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a mỗi năm chỉ trao cho 2 cá nhân, hoặc 1 cá nhân, 1 tập thể nữ tiêu biểu, xuất sắc trên cả nước trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Qua giải thưởng, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học nữ được cộng đồng, xã hội biết đến và ghi nhận. Đồng thời, giải thưởng cũng góp phần động viên tinh thần, khích lệ các nữ khoa học tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, cống hiến.

Chia sẻ niềm vui cùng các tập thể, nhà khoa học nữ được nhận giải Cô-va-lép-xcai-a, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a khẳng định: Tiềm năng của các nhà khoa học nữ của Việt Nam là rất lớn. 30 năm qua, Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a đã phát huy vai trò của mình, động viên được nguồn lực rất lớn trong lực lượng nữ giới nghiên cứu khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng và khả năng của các nhà khoa học nữ, thì các thành viên của Ủy ban Giải thưởng cần tiếp tục theo sát để động viên, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những công trình nghiên cứu khoa học trong giới nữ. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tham mưu, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước những cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích các nhà khoa học nữ phát huy hết khả năng, trí tuệ của mình.

Bài và ảnh: KIM ANH