Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp lên ca nô thị sát các điểm xung yếu, nước dâng cao đang được các lực lượng quân và dân tỉnh Ninh Bình tập trung gia cố tại khu vực đập tràn Lạc Khoái, xã Gia Viễn, huyện Nho Quan. Đây là một trong những đập xả lũ trên tuyến đê Hoàng Long liên quan đến 11 xã, 15 ngàn hộ dân với tổng 55.000 khẩu thuộc hai huyện Nho Quan và Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Theo ông Đinh Chung Phụng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình, trong cơn mưa lũ kép lịch sử những ngày qua, mưa lớn xuất hiện tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, mực nước sông Hoàng Long qua địa bàn các huyện Nho Quan, Gia Viễn dâng cao từng giờ đạt đỉnh 5,3m, cao hơn đỉnh lũ năm 1985, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của tuyến đê. Nguy cơ tiến hành xả lũ là cận kề.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh Ninh Bình đang tính đến việc xả tràn tại nhiều khu vực để cứu tuyến đê nếu nước tiếp tục dâng.
Bước đầu thống kê có gần 500 hộ khu vực ngoài đê Hoàng Long bị ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, trên 3.000 ha thủy sản của Nho Quan, Gia Viễn bị ngập. Toàn tỉnh có trên 1.000 ha lúa bị ngập úng. Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã tính đến các phương án phải xả tràn tại đập Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Nho Quan; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực và nơi sơ tán cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Sau khi thị sát đập tràn, nghe báo cáo tình hình, trong cuộc làm việc nhanh ngay tại nhà vận hành đập tràn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo, thực hiện tốt việc triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho tuyến đê Hoàng Long; chuẩn bị tốt phương án di dân khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương Ninh Bình thường trực ứng cứu, tăng cường nhân, vật lực, đặc biệt là cân nhắc chưa cần thiết xả lũ mà vẫn giữ đê an toàn, tránh gây thiệt hại lớn cho nhân dân trong vùng.
Cảnh báo diễn biến thời tiết tiếp tục bất lợi trong những ngày tới, nhất là ảnh hưởng mưa lớn do cơn bão số 11, Thủ tướng đề nghị Ninh Bình sẵn sàng các tình huống ứng cứu, bảo vệ đê, phương án di dân, xả lũ theo lộ trình, bước đi phù hợp. Tỉnh cần tiếp tục theo dõi sát sao mức nước trên sông Hoàng Long; sẵn sàng các trang thiết bị thiết yếu như rọ sắt, bao tải cát để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh không chủ quan, bảo vệ các loại cây trồng phục vụ Tết Nguyên đán; triển khai công tác phòng chống lũ theo cấp báo động đã được phê duyệt, tập trung tổ chức lực lượng tuần tra canh gác để phát hiện kịp thời các sự cố về đê điều, hồ đập trên địa bàn đặc biệt quan tâm các điểm xung yếu. (TTXVN)
* Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, đến 10 giờ sáng 12-10, trên địa bàn đã có 12 người người chết, 6 người bị thương: 3 người mất tích. Mực nước các hồ chứa cơ bản đã đầy. Đặc biệt hồ Cửa Đạt, hồ Yên Mỹ thực hiện xả lũ theo quy trình, kết hợp với lượng mưa lớn trên địa bàn xảy ra ngập lụt nhiều địa phương vùng hạ du.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS Thanh Hóa tích cực giúp dân chống tràn, hàn khẩu đê tại huyện Thiệu Hóa.
Đại tá Lê Văn Diện, Phó chỉ huy Trưởng Tham mưu trưởng Bộ CHQS Thanh Hóa, người trắng đêm trực tiếp chỉ huy bộ đội cơ động trong đêm đến các vùng trọng điểm giúp dân cho biết, trước tình hình ngập lụt trên diện rộng của toàn tỉnh, Bộ CHQS Thanh Hóa huy động 6 xuồng ST660, 5 xuồng ST440, bộ vượt sông nhẹ, ô-tô các loại của Bộ CHQS tỉnh và Sở Giao thông vận tải, tổ chức cơ động vận chuyển gần 500 quân thường trực, hơn 8.500 đồng chí dân quân tự vệ tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục đê điều bị tràn và vỡ sụt lún; khu vực bị sạt lở đất đá trên các địa bàn miền núi.
Bên cạnh việc huy động lực lượng của địa phương, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho tỉnh đề nghị các đơn vị của Quân khu và Bộ Quốc phòng đóng quân trên địa bàn, huy động gần 800 quân chủ lực của Quân đoàn 1 và Sư đoàn 324, 34, Quân khu 4 tham gia giúp đỡ nhân dân các địa phương trên các vùng trọng điểm, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Trực tiếp chỉ huy công tác chống lũ tại hiện trường, Đại tá Lê Văn Diện, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Thanh Hóa cho biết, hiện tại, Bộ CHQS Thanh Hóa đang kết hợp điều động lực lượng tham gia khắc phục những thiệt hại sau mưa lũ, ổn định đời sống nhân dân, cùng với tổ chức các lực lượng canh gác tại các tràn, ngầm, bến đò, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; các khu vực sạt lở đất, đá để kiểm soát, hướng dẫn giao thông bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, trang bị và tải sản của nhân dân. (Tin, ảnh: KHÁNH TRÌNH)
* Trước ảnh hưởng nặng nề của tình hình mưa lũ, để ứng phó kịp thời và hiệu quả, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tổ chức lực lượng và phương tiện cơ động đến các địa bàn, để kịp thời ứng cứu nhân dân. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Thanh Hóa, do Thiếu tướng Hà Tân Tiến phụ trách để điều hành công tác khắc phục hậu quả lũ lụt.
Cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 gia cố đê bao, chống tràn ở xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Ngọc Thăng
Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, đợt mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đã có 6 người bị nước cuốn trôi và tử vong trong lũ. Mưa lũ cũng khiến cho 584 hộ dân bị ngập nước, 1 ngôi nhà bị sập, 3.661,8ha ngô và rau màu bị ngập; hơn 1.600 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Mưa lớn làm nước sông lên cao, gây sạt lở bờ sông Lam, kè bảo vệ đê Tả Lam; bờ sông Lam sát nhà dân, thôn Lam Bồng, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông bị sạt lở và có vết nứt dọc mép hành lang đường Quốc lộ 7 chiều dài khoảng 25m; 6 hồ đập bị ảnh hưởng, 20.223 mét kênh mương bị sạt lở; 1.600ha ao hồ bị ngập, gần 500ha cá vụ 3 mất trắng... Nhiều tuyến đường ở miền Tây Nghệ An bị sạt lở, ách tắc do nước lũ dâng cao. Chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang đang tích cực, khẩn trương tổ chức tìm kiếm người bị lũ cuốn mất tích, thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Trên địa bàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nhiều thôn, xóm bị cô lập, các tuyến đường giao thông bị chia cắt, đập Khe Nhảy (xã Sơn Tiến) đã bị tràn, chính quyền cùng các lực lượng quân sự, công an chở 200 bao tải đất đang khắc phục sự cố.
Theo số liệu thống kê, để phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Quân khu đã chỉ đạo Sư đoàn 324, 341, Bộ CHQS các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh huy động hơn 16.000 cán bộ, chiến sĩ bộ đội chủ lực, địa phương, dân quân tự vệ cùng các phương tiện gồm: 90 xe ô tô các loại, 40 tàu, xuồng... tổ chức di dời được 12.000 hộ dân đến nơi an toàn và tiến hành hướng dẫn giao thông, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua các ngầm, tràn. Quá trình tham gia giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu đã phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, không quản hiểm nguy, vất vả, thực hiện nhiệm vụ với tinh thần và trách nhiệm cao nhất trước nhân dân. (Tin, ảnh: PHẠM AN)
* Trước tình hình mưa lũ phức tạp, ngày 11, rạng sáng 12-10, Trung đoàn 923, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân đã triển khai lực lượng, phương tiện phối hợp cùng chính quyền địa phương và các lực lượng tại chỗ tham gia giúp đỡ nhân dân ở các xã Quảng Phú, Thọ Trường, Thọ Lập, Thọ Thắng (Thọ Xuân, Thanh Hóa)…bị ngập lụt nặng, chia cắt giao thông, nhanh chóng sơ tán người và tài sản đến khu vực an toàn nhằm giảm bớt thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân. (Tin, ảnh: LÊ LUẬN)
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 923 gia cố các đoạn đê xung yếu.
* Mưa lũ những ngày qua đã khiến một số đoạn đường sắt Bắc- Nam trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị ngập nước và ách tắc cục bộ.
Công nhân ngành đường sắt đang xử lý, khắc phục tuyến đường sắt bị hư hại.
Thông tin từ Công ty Cổ phần Đường sắt Thanh Hóa cho biết, do lượng mưa lớn cộng với việc xả lũ tại các hồ đập nên một số điểm đường sắt đi qua địa phận các huyện Tĩnh Gia, Bỉm Sơn, Hà Trung đang bị ngập nước, gây ách tắc các chuyến tàu SE1, SE5, SE9.
Các lực lượng của công ty phối hợp với lực lượng huy động ứng trực trên đoạn đường bị ngập, hướng dẫn, phân luồng giao thông, chốt chặn, điều hướng di chuyển của các phương tiện giao thông.
Ngành đường sắt Thanh Hóa đã xử lý xong điểm sạt đường khu vực Đền Sòng, thị xã Bỉm Sơn, nhưng gần 1 km đường sắt ở Đò Lèn, huyện Hà Trung còn ngập nước, không đủ điều kiện chạy tàu. (Tin, ảnh: LONG LÊ)
* Sáng 12-10. Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các lực lượng trên địa bàn giúp nhân dân huyện Yên Mô thu hoạch lúa.
LLVT tỉnh Ninh Bình giúp đỡ nhân dân huyện Yên Mô gặt lúa tránh lũ.
Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Yên Mô và gần 300 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 701, Tiểu đoàn 21 thuộc Trường quân sự Quân đoàn 1 phối hợp với nhân dân thu hoạch diện tích lúa ngập úng trên địa bàn. Các đơn vị ưu tiên ưu tiên giúp đỡ những gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. (Tin, ảnh: HỒNG NAM)
* Ngày 12-10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai có Công điện số 79 gửi Công ty Thủy điện Sơn La.
Công điện nêu rõ: Thực hiện vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng và để đảm bảo cấp điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La cho phát điện trở lại các tổ máy theo yêu cầu sản xuất của công ty.
Công ty tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và các cơ quan có liên quan để có quyết định điều hành trong thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế.
Hiện nay, mực nước hồ Hòa Bình đang trong giới hạn cho phép và tiếp tục giảm. Hồi 7 giờ ngày 12-10, mực nước thượng lưu ở cao trình 115,52 m, lưu lượng đến hồ 3.680 m3/s, tổng lưu lượng xả 9.330 m3/s (gồm lưu lượng chạy qua 4 cửa xả và lưu lượng chạy máy phát điện).
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, hiện nay mưa trên lưu vực hồ đã giảm. Cùng ngày, Công ty Thủy điện Hòa Bình thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Thông báo số 925 về việc đóng cửa xả đáy điều tiết hồ chứa Thủy điện Hòa Bình.
Căn cứ vào quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng và tình hình thực tế, để đảm bảo lượng nước tích của mùa khô, Công ty Thủy điện Hòa Bình thông báo đóng một cửa xả đáy vào 10 giờ 30 ngày 12-10, tiếp tục duy trì hai cửa xả đáy. Mực nước hạ lưu đập Thủy điện Hòa Bình dự kiến sau khi đóng là 17,50 m. (TTXVN)
* Sáng 12-10, lực lượng chức năng xã Tam Thái, Nghệ An cùng cán bộ, chiến sĩ cơ quan Ban CHQS huyện Tương Dương và dân quân thường trực xã Tam Thái đã tìm thấy thi thể anh Tô Hữu Cường, sinh năm 1974, trú tại bản Lủng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương.
Trước đó, sáng 10-10, anh Tô Hữu Cường đi xe máy vào xã Tam Hợp, huyện Tương Dương để bán thịt lợn. Đến đêm không thấy về, người nhà đã gọi điện nhưng không liên lạc được. Sáng 11-10, người nhà anh Cường đã vào xã Tam Hợp để tìm nhưng không thấy. Đến 21 giờ cùng ngày, người nhà nạn nhân đã trình báo sự việc với cấp ủy, chính quyền địa phương về sự việc. Nhận được tin báo, ngay trong đêm 11-10, UBND xã Tam Thái đã huy động các lực lượng chức năng vào cuộc tìm kiếm. Ban CHQS huyện Tương Dương cũng đã huy động 5 cán bộ, nhân viên cơ quan quân sự huyện và 10 dân quân cơ động phối hợp với lực lượng chức năng vào cuộc tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Sau 9 giờ nỗ lực tìm kiếm, đến 8 giờ ngày 12-10, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân trôi dạt tại con suối, đoạn chảy qua bản Xoóng Con, thuộc xã Tam Thái, huyện Tương Dương. Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm tử thi và điều tra nguyên nhân vụ việc. (LÊ XUÂN LIỆU)
* Sáng 12-10, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình tiếp tục điều động gần 400 cán bộ chiến sĩ thuộc Ban CHQS huyện Đông Hưng; Vũ Thư; Quỳnh Phụ và Trung đoàn 568 tham gia thu hoạch lúa giúp nhân dân tại các vùng bị ngập lũ.
Dù gặp rất nhiều khó khăn do lúa bị ngập chìm sâu trong nước, song chỉ trong buổi sáng cán bộ chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp các lực lượng thu hoạch được gần 4 ha lúa thuộc các xã Đông Phương, Đông Cường, Hoa Lư, Hoa Nam của huyện Đông Hưng; các xã khu An của huyện Quỳnh Phụ, xã Vũ Vân, Vũ Tiến của huyện Vũ Thư. Cũng trong sáng 12-10, tại xã Vũ Hòa huyện Kiến Xương, gần 30 cán bộ Ban CHQS huyện và 40 dân quân xã đã tổ chức đắp đập chống tràn và di chuyển tài sản, phương tiện, con vật nuôi của gần 10 hộ gia đình ra khỏi vùng lụt.
Theo đề nghị của các địa phương, chiều 12-10, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình tiếp tục điều động thêm 200 cán bộ chiến sĩ thuộc Đại đội trinh sát 32, 22, Ban CHQS huyện Tiền Hải, Hưng Hà, Thái Thụy cơ động tham gia ứng cứu hoa màu, thu hoạch lúa giúp nhân dân tại các địa phương bị ngập úng. (THÀNH ĐÔ - VĂN DŨNG)