Ngay sau khi vụ sạt lở núi kinh hoàng xảy ra, các lực lượng chức năng, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của xã, huyện và tỉnh Hòa Bình đã cơ động trong đêm đến hiện trường để thực hiện công tác cứu nạn. Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân xuất phát và cơ động đến hiện trường ngay khi có thông tin. Xe chúng tôi thẳng hướng đi Tân Lạc khi đồng hồ chỉ 1h30 phút.

Gần 3 giờ sáng, chúng tôi tiếp cận khu vực nhiều người bị nạn, hiện trường khiến tất cả phải bàng hoàng. Một vạt núi đất đá với hàng nghìn khối đã vùi lấp hoàn toàn những căn nhà của người dân nơi đây. Nhiều xác trâu, bò trồi lên mặt đất. Một khu dân cư đã bị san phẳng. Đây là những hộ đồng bào người dân tộc Mường đã sinh sống lâu đời.

Là một trong những người có mặt làm công tác cứu hộ sớm nhất ở đây, anh Bùi Văn Huyên, dân quân xã Phú Cường, cũng là người sống gaanf khu vực này cho biết: “Tôi nghe thấy tiếng núi lở, nổ như bom giữa đêm khuya. Tất cả người dân gần đó chạy ra thì thấy đất đá đổ xuống ầm ầm. Toàn bộ những ngôi nhà trong khu vực đó đã bị vùi lấp. Tôi điện báo ngay cho chỉ huy Ban Dân quân xã”.

Có mặt tại hiện trường từ rất sớm, Đại tá Vũ Thành Nam, Phó chỉ huy trưởng-Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình cho biết, Bộ CHQS tỉnh đã điều động nhiều lực lượng đến hiện trường cứu hộ. Tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận, công tác cứu hộ đang được tiến hành rất khẩn trương, 6 thi thể đầu tiên đã được đưa lên khỏi khối đất đá khổng lồ. Tuy nhiên, trời còn rất tối và mưa nên các lực lượng cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Do vụ việc vừa xảy ra, đường cứu hộ chưa có nên lực lượng chức năng chưa thể đưa các phương tiện lớn vào trong. Các cán bộ, chiến sĩ làm công tác cứu hộ chủ yếu là làm thủ công với cuốc, xẻng, cáng thương. Khu vực này điện không có, lực lượng cứu hộ dùng đèn pin để soi tìm đống đất, khe đá tìm kiếm người bị nạn. Đại tá Vũ Thành Nam cho biết, chúng tôi đã tính đến phương án mở đường để đưa phương tiện vào tìm kiếm. Theo ước tính ban đầu của lực lượng công binh, có khoảng 5.000 khối đất đá đổ xuống. Rất nhiều khối đá to nên bộ đội công binh cũng tính đến phương án nổ mìn phá đá khi điều kiện cho phép và trời sáng rõ.

Hiện đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ và giải quyết hậu sự cho những nạn nhân đã tử vong. 5h 30 phút, Lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã đưa các máy xúc lớn vào hiện trường. Công tác cứu nạn đang được đẩy nhanh do trời tại đây còn tiếp tục mưa. Tỉnh Hòa Bình đã thành lập Sở chỉ huy dã chiến để chỉ đạo công tác cứu nạn. Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình đã lên kế hoạch tăng cường, điều động lực lượng, phương tiện từ các Ban CHQS huyện và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn hỗ trợ công tác cứu nạn.

Đến 6h sáng, Lực lượng chức năng đã tạm dừng tìm kiếm để đánh giá thực trạng hiện trường. Do tại đây, trời tiếp tục mưa, lượng nước từ trên cao đổ về mạnh, vách núi xuất hiện những vết nứt mới nguy hiểm. 

Theo thống kê chính thức của tỉnh Hòa Bình, có 18 nạn nhân chết và mất tích. Trước mắt, UBND huyện Tân Lạc hỗ trợ mỗi người chết và mất tích 3 triệu đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình còn nhiều xã, huyện bị cô lập. Tại huyện Đà Bắc, đường bộ đã bị cắt đứt hoàn toàn do sạt lở đường. Đường lên Đà Bắc bây giờ chỉ còn duy nhất là đường ngược sông Đà, vì thế công tác tìm, khắc phục hậu quả mưa lũ tại đây gặp nhiều cản trở.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc công tác khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn do mưa lũ tại Hòa Bình trong ngày hôm nay, 12-10. Phóng viên Báo QĐND Điện tử có mặt và ghi lại một số hình ảnh tại hiện trường.

leftcenterrightdel
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình bàn phương án cứu hộ nạn nhân tai hiện trường. 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Do trời tối và không có điện, Lực lượng cứu nạn dùng đèn pin để tìm kiếm nạn nhân.
leftcenterrightdel
 Những nạn nhân đầu tiên được tìm thấy.
leftcenterrightdel

Từng mô đất khi có nạn nhân đều được lực lượng chức năng triển khai tìm kiếm.

leftcenterrightdel
 Xác trâu chết trồi lên mặt đất

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Các nạn nhân tiếp tục được tìm thấy
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
leftcenterrightdel

Thi thể nạn nhân thứ 3 được tìm thấy. 

leftcenterrightdel
 Đưa thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường.

leftcenterrightdel

Trời sáng rõ mới nhìn thấy hết hàng nghìn khối đất đá đã đổ sập xuống.

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
 Các máy xúc được đưa tới hiện trường tìm kiếm.
 
leftcenterrightdel
 Ngôn ngang đất đá vùi lấp.
leftcenterrightdel
 Những thi thể tiếp theo được tìm thấy đưa ra khỏi hiện trường.
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Lực lượng Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình vừa được tăng cường từ các huyện đến.
leftcenterrightdel
 Người thân chờ tin nạn nhân.

leftcenterrightdel
Clip tại hiện trường vụ sạt lở. 
* Tại hướng đi huyện Đà Bắc, Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hòa Bình cho biết, ngay trong sáng 12-10, hội đã chuẩn bị 40 suất quà gồm mì tôm, lương khô, dép sữa... Và tiền mặt để hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại nặng nề ở huyện Đà Bắc.

Do tỉnh lộ 433 từ TP Hòa Bình đến huyện Đà Bắc bị chia cắt hoàn toàn nên Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình đã điều động xuồng cỡ lớn chở đoàn UBND tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Đà Bắc cơ động vào xóm Nhạp Ngoài, xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc. Xóm Nhạp Ngoài có 4 căn nhà bị sập hoàn toàn. Ngoài ra, tất cả các hộ dân còn lại đều có nguy cơ sạt lở. Trước tình hình trên, UBND huyện Đà Bắc đã phối hợp với các lực lượng chức năng như Ban CHQS huyện, dân quân tự vệ động viên, hỗ trợ di dời toàn bộ các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện nay, toàn bộ các hộ dân đã được di dời đến nơi an toàn.

Bà Bùi Thị Hiệu, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết, từ chiều 11-10, toàn bộ các hộ dân xóm Nhạp Ngoài đã được an toàn. Tuy nhiên, bà con không có thực phẩm để sinh hoạt ăn uống. UBND huyện đang cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hòa Bình đang tiếp tế các nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con vùng lũ. Dự kiến, đến trưa 12-10, những nhu yếu phẩm thiết yếu sẽ được chuyển tới tận tay các hộ gia đình đang sơ tán ở ngoài trời.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel

Đoàn UBND tỉnh Hòa Bình và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hòa Bình đang trên đường vào thăm hỏi các gia đình bị sạt lở tại huyện Đà Bắc.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Vận chuyển mì tôm và các nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con huyện Đà Bắc. 
leftcenterrightdel
Clip lực lượng chức năng vận chuyển hàng cứu trợ nhân dân tại huyện Đà Bắc.

* Tính đến 7 giờ ngày 12-10, toàn tỉnh Hòa Bình có 39 người chết, bị thương và mất tích do mưa lũ. Trong đó, huyện Đà Bắc có 8 người chết, 1 người mất tích, 7 người bị thương; huyện Tân Lạc 6 người chết, 12 người mất tích; huyện Kim Bôi 2 người chết; huyện Mai Châu 1 người chết, 2 người bị thương. 

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, trên 1.000 ngôi nhà của người dân đã bị lũ làm hư hỏng, cuốn trôi, khoảng 300 hộ dân phải di dời đến nơi an toàn. Hơn 4.000ha lúa, hoa màu bị ngập hoàn toàn. Các tuyến đường giao thông bị sạt lở thiệt hại nghiêm trọng... 

Huyện Đà Bắc và Tân Lạc là nơi chịu thiệt hại lớn nhất về người, tài sản và hoa màu, với 14 người chết, 13 người mất tích 7 người bị thương do sạt lở đất và lũ cuốn. Tại huyện Đà Bắc, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập nước; 40 ngôi nhà bị sập đổ do sạt lở đất, 5 nhà dân phải di dời khẩn cấp; hơn 100 con trâu, bò bị lũ cuốn trôi. Lũ tại các ngầm qua suối dâng cao, tuyến tỉnh lộ 433 (đi các xã vùng cao như Tân Minh, Tân Pheo, Giáp Đắt, Đồng Nghê, Suối Nánh của huyện Đà Bắc) bị sạt lở, cô lập hoàn toàn. Hiện tại còn khoảng 11 người dân xã Suối Nánh bị mất liên lạc. Hồ Cháu Mè, hồ Thang, xã Tu Lý nước tràn qua đường tràn, thân đập nứt, nguy cơ mất an toàn cao. Huyện Tân Lạc có 4 nhà dân bị vùi lấp hoàn toàn. 

Tại huyện Kỳ Sơn, mưa lũ đã làm ngập úng và sạt lở 18 nhà dân; 40 hộ dân phải di dời; thiệt hại gần 100ha lúa, hoa màu; 300 con gia súc, gia cầm và hơn 10 lồng cá bị lũ cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng và ách tắc. Huyện Lạc Sơn có 81 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 49 hộ phải di rời; hơn 8.000ha lúa và hoa màu bị ngập úng; các tuyến đường bị sạt lở, ôtô không qua lại được, các hồ đập đều đã chảy tràn, làm xói lở và hư hỏng. Huyện Kim Bôi, nguy cơ vỡ các đập là rất cao, nhiều đoạn đường hư hỏng nặng, giao thông ách tắc. 

Trước những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, tối 11-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình đã họp khẩn và có báo cáo nhanh về những thiệt hại ban đầu do mưa lũ. 

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đặc biệt lưu ý đối với thành phố Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn sẵn sàng chuẩn bị phương án sơ tán dân; tuyệt đối không để người dân tự ý vượt ngầm tràn khi mưa lũ lớn, tăng cường lực lượng ứng trực và có barie, biển báo ở hai đầu ngầm; thực hiện các giải pháp xử lý tình hình hồ đập nguy cấp; ứng cứu kịp thời đối với các vùng đang bị chia cắt, cô lập. 

UBND tỉnh Hòa Bình đã công bố tình trạng khẩn cấp các công trình hồ chứa, đường giao thông, các vị trí sạt lở đất do mưa lớn; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các ngầm tràn, vị trí có khả năng tiềm ẩn gây tai nạn trong mưa lũ; huy động lực lượng giúp dân thu hoạch lúa và hoa màu; tạm dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả; rà soát phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du… 

* Để ứng phó kịp thời và hiệu quả với mưa lũ, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Thanh Hóa, do Thiếu tướng Hà Tân Tiến phụ trách.

leftcenterrightdel
Bộ đội Sư đoàn 324 giúp đỡ nhân dân xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn khắc phục hậu quả mưa lũ.
leftcenterrightdel
Sư đoàn 324 gia cố đê ở xã Xuân Sơn, huyện Thọ Xuân. 

Trước sự kiện tràn đê sông Cầu Chày, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Quân khu 4 đã điều động lực lượng 150 cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện thuộc Trung đoàn 762 cùng hàng ngàn dân quân, tự vệ xử trí tình huống, giúp người dân di dời. Sư đoàn 324 điều động 240 cán bộ, chiến sĩ, 18 xe ô tô giúp người dân huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, ngày 11-10 đơn vị cùng nhân dân đã gia cố được 145m đê bao và di dờI được 51 gia đình nhà dân đến địa điểm an toàn; kê kích vận dụng chống ngập 99 hộ gia đình. Tại huyện Hà Trung, Quân đoàn 1 điều động 520 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ gây thiệt hại trên diện rộng tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, từ trưa ngày 11-10, Sư đoàn 390 đã huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ và 8 phương tiện tham gia phòng, chống lụt. Sư đoàn 390 đã phối hợp với Ban CHQS huyện Hà Trung và nhân dân thuộc 2 xã Hà Tiến, Hà Tân tổ chức đắp đê chống tràn. 

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 390 tham gia đắp đê sông Hoạt.  

Qua 1 ngày dầm mình trong mưa lũ, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 390 cùng nhân dân địa phương đã tổ chức đắp được 3,3 km đê sông Hoạt trên địa bàn 2 xã. 

Do ảnh hưởng vùng áp thấp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ xảy ra mưa lớn trên diện rộng gây ngập úng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Tại hai xã Quang Húc, Tề Lễ của huyện Tam Nông; xã Sơn Hùng, thuộc huyện Thanh Sơn do lượng nước lớn đã tràn ngập làm cô lập 155 hộ dân. Cũng trên sông Bứa, thuộc huyện Tam Nông, mưa to đã phá hỏng hơn 1.000 lồng cá; hàng chục héc ta ngô đông bị ngập úng.

leftcenterrightdel
Lực lượng cứu hộ Lữ đoàn 543 nhanh chóng có mặt cứu dân tại huyện Tam Nông.  

Ngay sau khi nhận được tin báo, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã lệnh điều động 200 cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 543 và Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ cùng 90 dân quân tại chỗ, 5 xuồng cao tốc, 1 ca nô cứu nạn chuyên dụng, 12 ô tô các loại có mặt tại các điểm ngập của huyện Tam Nông và Thanh Sơn để giúp dân. Tính đến thời điểm này, lực lượng tại chỗ của Quân khu 2 đã cứu vớt được 6 người và tài sản bị lũ cuốn trôi trên sông Bứa; di dời được 50 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. 

* Mưa lũ kéo dài khiến nhiều đoạn nước đã tràn qua mặt đê sông Bưởi huyện miền núi Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa). Con đê vốn vững chãi, kiên cố là thế nhưng trước sức nước đang lên cuồn cuộn bỗng trở nên mỏng manh và có nguy cơ bị vỡ bất cứ lúc nào. 

Trước thực trạng trên, từ tối 11-10 đến rạng sáng 12-10, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thạch Thành đã phối hợp với chính quyền địa phương huy động 400 dân quân cùng nhân dân tham gia đào đất, cát cho vào 20.000 bao tải để đắp các đoạn đê có nguy cơ vỡ và tiến hành sơ tán khẩn cấp người và tài sản ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. 

Tại xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành, gần 150 dân quân tham gia đào đất bỏ vào 5.000 bao tải để đắp đê và tiến hành sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm. Bà Nguyễn Thị Huế, Chủ tịch UBND xã Thành Hưng cho biết: Thành Hưng luôn là tâm điểm lũ lụt của huyện Thạch Thành, xã đã xây dựng phương án di dân, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Tối 11-10, huyện Thạch Thành đã điều động 180 dân quân tự vệ của các xã Thành An, Thành Long và Thành Hưng đến xã Thành Hưng hỗ trợ vận chuyển số đất, cát dự phòng đến các điểm xung yếu phòng nước lũ lên cao, có sẵn vật tư chống vỡ đê. 

Anh Trịnh Đình Tuân, thôn Hợp Tiến, xã Thành Hưng cho biết, ngay sau khi có thông báo nước sông Bưởi dâng cao, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, xã đã cử dân quân về chuyển hàng hóa trong kho cùng vật dụng trong nhà anh đến nơi an toàn và giúp gia đình anh sơ tán chạy lụt. 

Tính đến 3 giờ ngày 12-10, tất cả người dân sống tại vùng có hồ, sông có nước lũ dâng cao ở xã Thành Hưng đã đến nơi an toàn, các vùng trọng điểm đều được lực lượng dân quân túc trực 24/24 để đề phòng trường hợp xấu xảy ra. 

Theo báo cáo nhanh về tình hình mưa lũ tại huyện Thạch Thành, mực nước sông Bưởi tính đến chiều tối 11-10 là 12,05m, trên mức báo động III 0,005m. Hiện nước sông Bưởi vẫn đang lên do thượng nguồn đổ về. 

Đến chiều 11-10, các hồ vừa và lớn do Công ty TNHH MTV Sông Chu chi nhánh Thạch Thành quản lý đã tràn, cột nước tràn từ 20 cm đến 1,2 m. Mực nước các hồ đập nhỏ do UBND các xã quản lý gồm 55 hồ đã tràn, cột nước tràn cao từ 15-60 cm, các hồ còn lại xấp xỉ ngưỡng tràn. Tại các khu dân cư, tổng 2.865 hộ vùng trũng thấp và có nguy cơ sạt lở đã tiến hành sơ tán đến nơi an toàn. Do ảnh hưởng của mưa lớn, tổng diện tích lúa chưa thu hoạch là 460,3 ha, diện tích cây màu vụ Đông đã gieo trồng 775,2 ha đã bị ngập úng, đặc biệt là các xã ven sông Bưởi diện tích hoa màu đã ngập do nước sông lên cao. 

Nhằm ứng phó với mưa lũ và áp thấp nhiệt đới ( ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão, sáng ngày 12-10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT)- Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (UPSCTT&TKCN) đã tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến để phương bàn giải pháp. Theo thông tin từ cuộc họp, gần 9.000 cán bộ, chiến sĩ và 200 phương tiện các loại tham gia giúp dân ở các địa phương  ứng phó khắc phục thiên tai.

leftcenterrightdel
Quang cảnh cuộc họp sáng ngày 12-10.  

 

Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cho biết, tính đến sáng 12-10, mưa lũ đã làm 40 người chết, 22 người mất tích, 21 người bị thương, sập 217 ngôi nhà, 1.059 nhà bị hư hỏng, 16.740 nhà bị ngập, 791 ngôi nhà phải di dời, 8.071 ha lúa và 30.390 ha hoa màu bị ngập, thiệt hại; 39.865 con gia cầm và 1.166 gia súc bị chết, lũ cuốn trôi. Đồng thời mưa lũ cũng gây ảnh hưởng nặng nề cho hệ thống giao thông; nhiều đoạn quốc lộ 6, 21 qua tỉnh Hòa Bình; quốc lộ 217, 15  qua Thanh Hóa, quốc lộ 32 qua Yên Bái; quốc lộ 37, 43 qua Sơn La và nhiều điểm tại các quốc lộ 15 A. 48B, 48E, 48 D qua Nghệ An có điểm bị ngập sâu 2-5m. Ngoài ra, mưa lũ còn gây sự cố nhiều tuyến đê: Tuyến đê Ta Chu, tuyến đê bao Tế Nông (huyện Nông Cống, Thanh Hóa), tuyến đê hữu sông Cầu Chày…

Từ chiều 11-10 đến sáng 12-10, hồ Hòa Bình đã lần lượt đóng 4 cửa xả đáy, còn lại 4 cửa xả. Sáng 12-10, sẽ đóng tiếp cửa xả thứ 5.

Ông Nguyễn Văn Hướng, Phó trưởng phòng Dự báo Khí tượng ngắn hạn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: Dự báo có thêm ATNĐ mới đang di chuyển vào gần biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão sẽ gây mưa từ ngày 13-10, vùng trọng tâm mưa Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Cường độ mưa 150-200mm, tập trung trong các ngày 15 và 16-10.

Trung tá Đỗ Huy Phương, Chuyên viên Văn phòng Ủy ban quốc gia UPSCTT&TKCN cho biết: Hiện, lực lượng quân đội đã huy động gần 9.000 cán bộ, chiến sĩ và 200 phương tiện các loại tham gia giúp dân ở các địa phương ứng phó khắc phục thiên tai.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả Thiên tai (Tổng cục Phòng chống Thiên tai, Bộ NN&PTNT) cho biết: Không ngờ một cơn áp thấp nhiệt đới lại gây mưa lũ lớn đến vậy. Lần đầu tiên chúng ta phải mở tới 8 cửa xả hồ Hòa Bình.

Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến  rất phức tạp, đặc biệt áp thấp nhiệt đới đang tiến vào biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão, ông Nguyễn Đức Quang đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cần tiếp tục tăng cường các bản tin dự báo, nhất là các bản tin về mưa lũ để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng tham mưu, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ hiệu quả, giảm thiểu thiệt ở mức thấp nhất. 

Sáng 12-10, mưa đã ngớt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nhưng nước sông Hoàng Long qua địa bàn huyện Gia Viễn và Nho Quan tiếp tục dâng cao. Tỉnh Ninh Bình đã chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng xả tràn Lạc Khoái (xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn) để cứu đê. 

Ông Đinh Chung Phụng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, Ninh Bình đã phát lệnh di dân khẩn cấp tại 12 xã thuộc hai huyện Nho Quan và Gia Viễn vào tối 11-10 và sẵn sàng xả tràn Lạc Khoái để cứu đê. 

Khoảng 7 giờ ngày 12-10, nước sông Hoàng Long khu vực tràn Lạc Khoái đã lên mức 5,55 mét, cao hơn mức nước dự kiến xả lũ 0,25 mét, cao hơn đỉnh lũ năm 1985. Hiện lực lượng chức năng đang cân nhắc tới việc có xả tràn hay không, bởi nếu xả tràn sẽ giải cứu cho tuyến đê Hoàng Long nhưng sẽ có tới 20 vạn dân bị ảnh hưởng thuộc 8 xã của huyện Nho Quan (Thượng Hòa, Sơn Thành, Thanh Lạc, Sơn Lai, Quỳnh Lưu…) và 4 xã của huyện Gia Viễn (Gia Phong, Gia Minh, Gia Sinh, Gia Lạc). Nhiều đoạn đê hữu đã phải đắp đất để chống nước tràn. 

Theo ông Đinh Chung Phụng, ngày 11-10 mực nước có xuống nhưng trong ngày 12-10 trời mưa to, nước từ tỉnh Hòa Bình đổ về nên nước lũ dâng cao. Các lực lượng đã triển khai trên tất cả các mũi tuyến trọng yếu, xung yếu; bộ đội tỉnh giúp dân thực hiện việc di dời khỏi vùng sẽ xả lũ. Các phương án đảm bảo di dân, tài sản của dân đến nơi an toàn cũng đã được thực hiện. 

Hiện 100% quân số các lực lượng công an, quân đội, các sở, ban ngành, địa phương các huyện tại Ninh Bình đang túc trực 24/24 giờ để chống lũ, nếu nước tiếp tục dâng khoảng 7cm nữa, Ninh Bình sẽ phải xả tràn Lạc Khoái. 

Tin, ảnh: NGUYỄN TUẤN- THẾ TUẤN- VIỆT CƯỜNG- TRƯỜNG GIANG- TRẦN HOÀI- HỮU TÂN- BÌNH TRỌNG- QUANG CHUNG- XUÂN PHÚ- NGUYỄN KIỂM