Tự hào mảnh đất địa linh nhân kiệt
Từ năm Kỷ Sửu 1469 đến nay, đúng 555 năm với biết bao thăng trầm và biến cố thời đại, cùng với dòng chảy của thời gian, Sơn Tây đã trở thành một địa danh trầm tích lịch sử - văn hóa đặc trưng với với 244 di tích, trong đó có 19 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 61 di tích xếp hạng cấp thành phố. Trong những di sản đó, không thể không nhắc đến làng cổ Đường Lâm nơi được biết đến như một bảo tàng sống về văn hóa, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, nơi duy nhất "một ấp sinh hai vua" là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Tiền Ngô Vương Ngô Quyền; thành cổ Sơn Tây - công trình kiến trúc quân sự vô cùng độc đáo được xây dựng nửa đầu thế kỷ XIX dưới triều vua Minh Mạng; Văn Miếu Sơn Tây - nơi lưu giữ những dấu tích vẻ vang của tinh thần hiếu học…
|
|
Sáng 27-6-2024, Chủ tịch nước (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) Tô Lâm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và đoàn công tác tới thăm làng cổ Đường Lâm. |
Với địa hình bán sơn địa nối liền với vùng núi của huyện Ba Vì, trong suốt chiều dài lịch sử, nơi đây luôn được coi là vùng đất có vị trí chiến lược về mặt quân sự. Nhân dân Sơn Tây luôn tự hào là một trong những lũy thép bảo vệ Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay.
Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, Sơn Tây tự hào vì có những đóng góp cho thắng lợi chung của dân tộc: 14.970 nam, nữ thanh niên nhập ngũ và hàng ngàn thanh niên xung phong tham gia dân công hỏa tuyến; 1.535 người con đã anh dũng hy sinh, 815 thương binh, 305 bệnh binh, 145 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 9 đồng chí là lão thành cách mạng, 31 cán bộ tiền khởi nghĩa, hơn 12.000 người được tặng huân, huy chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ các loại.
Viết tiếp trang sử truyền thống xứ Đoài
Cùng với niềm tự hào về mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, trải qua 555 danh xưng, 100 năm thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, người dân Sơn Tây đồng lòng, đồng sức khắc phục khó khăn, thách thức, viết tiếp trang sử truyền thống cách mạng, đoàn kết, quyết tâm khơi dậy tiềm năng văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển, xây dựng thị xã Sơn Tây ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thị xã được Hiệp hội các đô thị Việt Nam bầu chọn là đô thị xanh - sạch - đẹp; năm 2006, được công nhận là đô thị loại III của thành phố. Hằng năm, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thu nhập bình quân năm 2023 đạt 70 triệu đồng/người/năm. 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2019, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tạo nên một diện mạo nông thôn với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển.
|
|
Giải Vật dân tộc toàn quốc tranh cúp Phùng Hưng lần thứ II năm 2023. |
|
|
Nhiều sản phẩm du lịch của thị xã được du khách biết đến và đánh giá cao. |
Nhiều sản phẩm du lịch của thị xã được du khách biết đến và đánh giá cao như: Du lịch trải nghiệm ẩm thực truyền thống Bắc Bộ - Làng cổ Đường Lâm; Chương trình Tết làng Việt; Giải Vật dân tộc tranh cúp Phùng Hưng; Năm Du lịch Sơn Tây - xứ Đoài; khai trương và đưa vào hoạt động tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây; Đêm hội trăng rằm “Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài”, ngoài ra, thị xã Sơn Tây còn được trao giải thưởng Sản phẩm Du lịch bền vững ASEAN... Năm 2023, thị xã đón gần 1,2 triệu lượt khách du lịch, đây là con số lớn nhất từ trước đến nay, khẳng định du lịch Sơn Tây đã được lan tỏa cả trong và ngoài nước; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã.
Những kết quả đạt được trong những năm qua là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Sơn Tây tiếp tục vươn lên, phát triển toàn diện hơn trong thời gian tới với các giải pháp đồng bộ: Khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư xã hội nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về cơ cấu kinh tế, trong đó ưu tiên phát triển các ngành du lịch, dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên du lịch quý giá.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học - công nghệ vào thực tiễn; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát triển nguồn nhân lực, văn hóa - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa xứ Đoài gắn với thực hiện xây dựng nếp sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh; bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác với các đơn vị kết nghĩa, các địa phương trong và ngoài nước. Chủ động thực hiện xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, hiệu lực, hiệu quả, tập trung lãnh đạo xây dựng thị xã đến năm 2030 trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
|
|
Thành cổ Sơn Tây nhìn từ trên cao.
|
Dấu ấn lịch sử 555 năm danh xưng Sơn Tây (1469-2024), 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây (1924-2024) là cơ hội mới, sức sống mới để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Sơn Tây phát huy hơn nữa truyền thống quê hương. Trong thời gian tới, Sơn Tây sẽ tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khơi dậy khát vọng đổi mới, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, xây dựng thị xã xứng đáng với vị thế đô thị trung tâm xứ Đoài.
THANH HƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.