Hiện nay, các nước thành viên ASEAN đang áp dụng Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRS) trong phạm vi của 8 lĩnh vực ngành nghề gồm: Y khoa, nha khoa, điều dưỡng, kỹ sư, kiến trúc sư, kế toán, khảo sát và du lịch.

Toàn cảnh hội thảo.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận các cơ hội việc làm đối với mỗi quốc gia thành viên thực sự không dễ dàng, nhất là đối với những quốc gia có xuất phát điểm kinh tế, trình độ, chất lượng nhân lực thấp. Hỗ trợ các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau, ASEAN đã xây dựng Khung Tham chiếu trình độ ASEAN để các trình độ có thể so sánh giữa các nước thành viên khi cung cấp một chuẩn gắn kết đã được các Bộ trưởng ASEAN về Kinh tế, Giáo dục và Lao động phê chuẩn hoàn tất vào tháng 5-2015.

Trình diễn kỹ năng nghề tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.

Theo ông Trương Anh Dũng, Phó cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, với việc thúc đẩy dịch chuyển lao động tự do hơn trong khu vực ASEAN thì nhiều thỏa thuận công nhận lẫn nhau đã được triển khai. Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động trong việc thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong khu vực, huy động sự tham gia của nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan trong nhiệm vụ xây dựng khung thỏa thuận lẫn nhau về kỹ năng nghề.

Tại hội thảo, đại diện các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam cùng toàn thể đại biểu đã chia sẻ, thảo luận nhiều nội dung liên quan đến lộ trình thực hiện MRS và kinh nghiệm triển khai MRS trong ASEAN; hệ thống chính sách bảo đảm chất lượng và các công cụ đánh giá trình độ giáo dục nghề nghiệp của Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam; xác định kế hoạch hành động triển khai thí điểm công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng nghề, rà soát khung chính sách…

Tin, ảnh: BĂNG CHÂU