* Tại thành phố Nha Trang, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chính quyền địa phương đảm bảo an toàn cho người dân khi các đường điện bị đổ ngã, gây nguy hiểm; tập trung lực lượng thu dọn vật dụng, đảm bảo giao thông thông suốt; sửa chữa nhà cửa, công trình để sớm đi vào hoạt động, nhất là hoạt động dịch vụ, du lịch.

leftcenterrightdel
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến thị sát tại xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh. 

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã thị sát tại xã ven biển Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh. Theo thống kê sơ bộ, địa phương này đã có 1 người chết, 3 người bị thương, 14 căn nhà bị sập, khoảng 70-80% nhà của người dân bị tốc mái do ảnh hưởng của bão. Phó thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình có người bị chết, bị thương và thiệt hại do bão gây ra; đồng thời lưu ý người dân cần bình tĩnh để tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, chính quyền địa phương cần thống kê thiệt hại để Nhà nước có phương án hỗ trợ bà con. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa khẩn trương hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, trước mắt là đảm bảo an toàn về chỗ ở; đảm bảo an toàn hồ đập và đê điều, an toàn giao thông; sớm khắc phục hệ thống điện...

leftcenterrightdel
 Xem clip về cơn bão đổ bộ vào TP Nha Trang tại đây. Clip: VĂN THI

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cho biết, cơn bão số 12 đã gây nhiều thiệt hại về người, nhà cửa, cơ sở hạ tầng, cây trồng, vật nuôi, hệ thống điện... trên địa bàn, hiện chưa thể thống kê cụ thể. (Tin, ảnh: TTXVN)

* Trong khoảng thời gian 5 giờ đồng hồ, cơn bão số 12 đã tàn phá nhà cửa, cây cối, gây thiệt hại nặng tại các địa phương trong toàn tỉnh Khánh Hòa. Theo thống kê sơ bộ toàn tỉnh có 7 người chết; 10 người bị thương; 4 người mất tích; hơn 1.500 căn nhà bị sập, tốc mái và hàng trăm tàu thuyền, lồng bè bị chìm, trôi.

leftcenterrightdel
Xe thiết giáp của Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa sơ tán người dân phường Vĩnh Hòa ra khỏi nơi nguy hiểm.  
leftcenterrightdel
Triển khai xuồng máy sơ tán nhân dân vùng ngập lũ. 

Với tinh thần khẩn trương giúp dân khắc phục hậu do cơn bão gây ra, Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố tập trung lực lượng, phương tiện tại chỗ giúp đỡ nhân dân khắc phục hư hỏng nhà ở, di dời tài sản khỏi nơi ngập lụt; đồng thời tập trung lực lượng thường trực ở những nơi xung yếu, có nguy cơ sạt lở, ngập lụt cao. Bộ CHQS tỉnh đã điều động 3 xe thiết giáp chuyên dùng do Đại tá Lê Văn Hòa, Phó chỉ huy trưởng chỉ huy cơ động đến những vị trí ngập sâu mà các phương tiện khác không cơ động được để giúp di chuyển hơn 200 người dân phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang) đến nơi an toàn.

Theo Đại tá Lê Văn Hòa, để tránh hoàn lưu của bão có thể tiếp tục gây thiệt hại nặng cho nhân dân, Bộ CHQS tỉnh đã tăng cường công tác nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân di dời ra khỏi những vị trí có thể bị sạt núi, lũ cuốn, ngập úng nặng… Trong đó, sử dụng lực lượng, phương tiện của các địa phương và tăng cường hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chủ lực của Bộ CHQS tỉnh như: Trung đoàn bộ binh 974, Đại đội Trinh sát 21, Đại đội Công binh 19… sẵn sàng tiếp tục giúp dân sau bão. (Tin, ảnh: TIẾN QUANG)

* Sáng 4-11, ảnh hưởng của bão số 12, tỉnh Gia Lai mưa to trên diện rộng; một số cây to ở Ayun Pa bật gốc, đèo Tô Na (huyện Krông Pa) bị sạt lở; các hồ đập thủy lợi, thủy điện nước dâng cao.

Theo thống kê ban đầu, tại huyện Krông Pa, giáp ranh Phú Yên, mưa trên diện rộng, gió giật cấp 3, cấp 4. Nước ở các hồ đập, đã vượt tràn đang tiến hành xả ở mức 300m2/s; một số diện tích cây hoa màu như ngô, mía bị ngã tại thị xã AyunPa.

Có mặt kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lũ trên các địa bàn, ông Nguyễn Hữu Quế , Giám đốc sở GTVT Gia Lai cho biết, đèo Tô Na (huyện Krông Pa) bị sạt lở nhẹ, khoảng 3-4m3 đá tràn xuống đường. Máy xúc, máy đào được chỉ đạo khơi thông, dọn dẹp. Nước ở một số hồ, trên núi tràn xuống khá lớn. Các ban ngành đang khẩn trương đối phó... (QUANG HỒI)

* Cơn bão số 12 gây thiệt hại khá lớn tại tỉnh Phú Yên. Toàn tỉnh có 30 nhà bị sập, 2 người mất tích là ông Hoàng Tấn Lợi (sinh năm 1976) trú tại khu phố Phước Lý/Xuân Uyên và ông Trần Văn Phước (sinh năm 1985) trú tại Mỹ Quang Nam. Trên địa bàn tỉnh có 56 thuyền bị vỡ và chìm tại khu vực trú tránh bão.

leftcenterrightdel
Bão số 12 gây thiệt hại khá lớn cho tỉnh Phú Yên. 

Tại TP Tuy Hòa đã phải di dời 74 hộ dân ở phường 3 và phường 6. Thị xã Sông Cầu tổ chức di dời 224 hộ dân từ các vùng có khả năng bị ngập, sạt lở về nơi an toàn; huyện Đồng Xuân có 4 điểm bị ngập. 

Hiện nay toàn tỉnh đã di dời được 1495/3834 người lên khu an toàn. Tại thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa 70% nhà dân bị tốc mái; cơ quan làm việc của 8 xã huyện Tây Hòa cơ bản bị tốc mái; huyện Sông Hinh và Tuy An có 580 nhà bị tốc mái (huyện Tuy An 550, huyện Sông Hinh 30); xã Xuân Quang 2 bị sạt lở khoảng 250m3 đất. (Tin, ảnh: LIÊN VIỆT)

* Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, trong ngày 4-11, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có mưa lớn, nhiều nơi có gió to. Đặc biệt, tại khu vực đèo Lo Xo, mưa kèm gió lớn đã khiến một số điểm bị sạt lở, một cây gỗ lớn đổ chắn ngang đường khiến tuyến đèo bị tê liệt hoàn toàn từ trưa 4-11.

Theo ông Hoàng Anh Tâm, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông - Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Kon Tum cho biết: Hiện tại trên tuyến đèo đã xảy ra 2 điểm sạt lở đất và 1 cây gỗ lớn đổ chắn ngang đường khiến tuyến đường này bị tê liệt hoàn toàn. Mọi phương tiện qua khu vực đèo hiện không thể lưu thông được. Ghi nhận tại hiện trường, có hai điểm bị sạt lở nặng cách nhau chỉ 200m là Km1411+200 và Km1411+400.

Hiện tại, mọi phương tiện từ phía Quảng Nam lên và phía Kon Tum xuống đang phải tạm dừng, chưa thể lưu thông qua lại. Nhiều phương tiện đã phải quay đầu. Do cây gỗ có đường kính lớn cùng với khối lượng đất đá sạt lở nhiều nên vấn đề thông tuyến ngay trong ngày 4-11 khó có thể làm được. Lực lượng Cảnh sát giao thông đang điều tiết giao thông, tạm thời không cho các phương tiện lưu thông qua khu vực trên để đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra - ông Tâm cho biết thêm.

Trong ngày 4-11, thời tiết tỉnh Kon Tum chuyển xấu, có mưa nhiều nơi. Trên các sông, mực nước có xu thế tăng dần; riêng sông Đăk Bla ở thượng nguồn đã có lũ. Mực nước lũ lúc 9 giờ ngày 4-11 tại trạm Kon Plong (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) là  592,68m, cao hơn múc báo động cấp 1 là 0,18m.

Dự báo trong chiều và đêm 4-11, trên địa bàn tỉnh Kon Tum tiếp tục có mưa, mưa vừa nhiều nơi, riêng khu vực phía đông bắc tỉnh (huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei) có mưa to; lượng mưa trong 24 giờ tới khả năng đạt từ 30 - 60mm; khu vực phía đông bắc tỉnh lượng mưa khả năng đạt từ 60 đến 100mm. Trên các sông, suối mực nước tăng dần và có lũ như sông Đăk Bla, Pô Kô, Đăk Tờ Kan. Đặc biệt, khu vực các huyện Kon Plông, Đăk Glei, Tu Mơ Rông đề phòng nguy cơ xảy ra gió giật mạnh (trong ngày 4-11), lũ quét và sạt lở đất (trong đêm ngày 4 và ngày 5-11), người dân cần đặc biệt chú ý đề phòng và chủ động với công tác phòng chống lụt bão. (TTXVN) 

* Do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 12, trên địa bàn tỉnh Bình Định mưa to đến rất to. Hiện mực nước trên các sông đang trên báo động 3 và nguy cơ gây ngập lụt sâu ở các huyện vùng Đông. Với khẩu hiệu “lo cho dân như lo cho mình” và tinh thần khẩn trương, ứng phó với bão lũ, Bộ CHQS tỉnh Bình Định đã huy động 22 tàu xuồng và 395 cán bộ, chiến sĩ cùng gần 200 dân quân cơ động kịp thời có mặt tại các vị trí xung yếu trên địa bàn tỉnh giúp dân.

leftcenterrightdel
LLVT tỉnh Bình Định hỗ trợ kéo tàu vào bờ.   

Chiều 4-11, Đại tá trần Thanh Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Định đã trực tiếp đến kiểm tra các địa bàn trọng yếu ở huyện Tuy Phước, thị trấn Diêu Trì. Trước yêu cầu của UBND tỉnh là kịp thời di dời người và tài sản của nhân dân đến nơi an toàn, không để thiệt hại về người và tài sản. Thực hiện mệnh lệnh của Bộ tư lệnh Quân khu 5, Bộ CHQS tỉnh đã thành lập 3 sở chỉ huy PCLB tại thị xã Hoài Nhơn và hai huyện Vĩnh Thạnh, Tuy Phước để sẵn sàng chỉ đạo công tác ứng phó với bão lũ.Đại tá Trần Thanh Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết, hiện tất cả các lực lượng của Bộ CHQS tỉnh đã trực sẵn sàng PCLB. Các phân đội cơ động đi về các hướng giúp nhân dân, di chuyển gần 100 hộ/520 nhân khẩu. Các lực lượng còn lại chuẩn bị tổ chức ứng cứu, cứu trợ nhân dân. (Tin, ảnh: ĐỨC DŨNG)


* Tính đến 16 giờ chiều 4-11, toàn tỉnh Ninh Thuận có 46 nhà dân và 3 trường học bị tốc mái và bị sập. Huyện Bác Ái bị mất điện trên diện rộng, nhiều cây xanh, trụ điện bị gãy đổ, rất may không xảy ra thiệt hại về người.

Hiện địa phương đang tăng cường theo dõi, cảnh báo tình hình mưa lũ trên sông Cái, sông Lu; đề phòng ngập úng do mưa lớn kết hợp với triều cường tại các khu vực vùng trũng ven biển. Đặc biệt, việc bảo đảm an toàn cho các hồ chứa sông Sắt, sông Biêu, ông Kinh, CK7 là vấn đề quan tâm hàng đầu bởi hiện mực nước tại các hồ đang dâng cao. (VŨ ĐÌNH ĐÔNG)

* Ngày 4-11, mặc dù bão số 12 vào tỉnh Lâm Đồng đã suy giảm nhiều nhưng vẫn gây gió mạnh cấp 7 và mưa to trên diện rộng. Trên địa bàn TP Đà Lạt (Lâm Đồng) hàng chục cây cổ thụ bị ngã đổ, nhiều tuyến phố bị mất điện, nhiều diện tích rau, hoa bị ngập úng. 
leftcenterrightdel
Mưa bão làm cây xanh đổ trên đèo Penn, TP Đà Lạt. 

Hầu hết hồ thủy điện tại Lâm Đồng đã dâng cao và phải tiến hành xả lũ với lưu lượng khoảng 75m3/s. Riêng Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 5 xả lũ đạt 150-200m3/giây. Nguy cơ lũ trên sông Đồng Nai và một số khu vực thuộc 2 huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng gồm: Cát Tiên, Đạ Tẻh sẽ xảy ra vào ngày 5-11. Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, một số hãng vận tải hành khách đi các tỉnh phía Bắc, miền Trung qua tuyến Quốc lộ 27C (đường nối phố núi Đà Lạt với phố biển Nha Trang) đã thông báo tạm ngưng hoạt động. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 12, ngành thủy lợi Lâm Đồng cảnh báo, mưa bão có thể gây lũ quét đột ngột tại các sông suối, vùng trũng thấp, khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác và không ra ngoài nếu không thực sự cần thiết. (Tin, ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG)

* Sáng 4-11, bão số 12 đã đổ bộ vào đất liền tỉnh Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15. Sau bão nhiều nhà dân tốc mái, cây cối đổ rạp, biển hiệu, tấm tôn bay tứ tung. Quốc lộ 1A tại cửa ngõ phía Nam TP Nha Trang bị tắc nghẽn. Thiệt hại tại các khu dân cư ở Khánh Hòa là rất lớn. Tại ba xã Ninh Diêm, Ninh Thủy, Ninh Phước (huyện Ninh Hòa) là nơi bị thiệt hại nặng nhất, ước tính, có khoảng 70% nhà dân thuộc 3 xã này bị tốc mái. 

Tính đến 12 giờ ngày 4-11, tỉnh Khánh Hòa đã có 3 người chết, trong đó huyện Vạn Ninh có 2 người. Dưới đây là một số hình ảnh tan hoang sau bão tại tỉnh Khánh Hòa. (Tin, ảnh: BÌNH ĐỊNH) 

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Tại một số địa phương của tỉnh Khánh Hòa nhiều nhà dân bị tốc mái, cây cối đổ ngổn ngang. 

* Do ảnh hưởng của bão số 12, sáng 4-11, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận xảy ra mưa to. Lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 250mm. Mực nước trên các sông Cái, sông Lu đang dâng cao, dự tính sẽ vượt mức báo động 3. Một số tuyến đường nội thị tại TP Phan Rang-Tháp Chàm đã bị ngập sâu.  

leftcenterrightdel
Đường 21 tháng 8, TP Phan Rang-Tháp Chàm bị ngập. 

Tại huyện Bác Ái (Ninh Thuận), gió lớn đã làm tốc mái 11 nhà dân, 4 phòng học, trụ ăng-ten đài truyền thanh xã Phước Tiến bị sập đổ, toàn huyện bị mất điện.

Đến nay, toàn tỉnh đã di dời 2.609 hộ với 10.460 người tại các các vị trí xung yếu, nguy hiểm đến nơi an toàn. Địa phương cũng đã phát cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các điểm gồm: Các xã Lâm Sơn, Mỹ Sơn, Hòa Sơn, Ma Nới (huyện Ninh Sơn); Phước Chính, Phước Thành, Phước Trung, Phước Bình (huyện Bác Ái); Lợi Hải, Bắc Phong, Công Hải, Phước Chiến (huyện Thuận Bắc); Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải).

Vào lúc 10 giờ 40 phút sáng 4-11, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn thuộc Công ty quản lý bay miền Nam nhận được tín hiệu cấp cứu tại tọa độ: 11 độ 45 phút Bắc; 109 độ 10 phút Đông, thuộc khu vực Núi Chúa (Ninh Thuận), đơn vị này đã thông báo thông tin này tới Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, hiện đơn vị đang phối hợp với các cơ quan cơ quan chức năng địa phương xác minh, tìm kiếm. (Tin, ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG)

* Do ảnh hưởng của bão số 12, từ đêm 3-11 đến sáng 4-11, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có mưa to, gió giật cấp 9. Theo ghi nhận của phóng viên, tại các tuyến đường ven biển như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Hồ Nghinh nhiều hàng rào tôn, pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền về Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 bị ngã đổ, hư hỏng. Hàng dừa dọc bãi biển thuộc phường Mân Thái (quận Sơn Trà) và cây xanh một số tuyến đường Nguyễn Văn Linh, 2-9, Như Nguyệt... bị sóng, gió đánh bật gốc. 
leftcenterrightdel

Cây xanh trên đường 2-9 (TP Đà Nẵng) bị bật gốc do ảnh hưởng của mưa bão. 

leftcenterrightdel
 Hệ thống pa nô tuyên truyền về Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 bị hư hỏng.  

Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng của thành phố và các địa phương đang khẩn trương triển khai  công tác khắc phục để đảm bảo cảnh quan, môi trường phục vụ cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. 

Theo dự báo của Đài khí tượng Thủy văn Khu vực Trung Trung bộ, trong 24 giờ tới khu vực Trung Trung bộ tiếp tục xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Tại TP Đà Nẵng, từ hôm nay 4-11 đến hết ngày 8-11 có khả năng tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng. Tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm, có nơi trên 600mm. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3. (Tin, ảnh: VĂN CHUNG)

* Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, ngày 4-11, Vietnam Airlines (VNA) hủy thêm 14 chuyến bay trong ngày, bao gồm: VN1621/1620 giữa Hà Nội và Quy Nhơn; VN1394/1395 giữa TP Hồ Chí Minh và Quy Nhơn; VN1414/1415 giữa TP Hồ Chí Minh và Buôn Ma Thuột; VN1911/1910 giữa Đà Nẵng và Buôn Ma Thuột; VN1577/1576 giữa Hà Nội và Đà Lạt; VN1382/1383 giữa TP Hồ Chí Minh và Đà Lạt; VN1641/1640 giữa Hà Nội và Chu Lai. Hãng sẽ triển khai kế hoạch bay bù cho các chuyến bay trên trong ngày 5-11; ngoài ra, một số chuyến bay nội địa của Hãng cũng bị chậm chuyến do ảnh hưởng dây chuyền. Bên cạnh đó, các Hãng khuyến nghị hành khách đang có kế hoạch đến/đi từ các sân bay: Cam Ranh, Quy Nhơn, Đà Lạt, Pleiku, Buôn Ma Thuột trong thời gian này nên thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thông tin của Hãng nhằm chủ động lịch đi lại. (HOÀNG LAN)

* Để tiếp tục ứng phó với bão số 12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của cơ bão số 12 thực hiện nghiêm túc Công điện số 1659 ngày 1-11 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 86 ngày 3-11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai-Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Kiên quyết sơ tán di dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn.

"Tập trung lực lượng, phương tiện để sẵn sàng tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; đảm bảo khắc phục kịp thời các sự cố đối với hệ thống thông tin liên lạc, lưới điện, đê điều, hồ đập, giao thông ngay sau khi bão đi qua.  Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ sau bão để chủ động triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng". Ông Vũ Xuân Thành, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai nhấn mạnh.

Tổ chức dọn vệ sinh môi trường tránh phát sinh dịch bệnh theo phương châm “nước rút đến đâu vệ sinh đến đó”; rà soát để kịp thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu nhất là tại các khu vực thiệt hại do thiên tai, các khu vực bị chia cắt, kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống. Vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình; bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước. Triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Tổ chức phân luồng giao thông, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ứng phó với lũ lớn sau bão.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh. Các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục duy trì lực lượng, phương tiện chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt tập trung, quyết liệt đối với công tác cứu hộ, cứu nạn.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để xử lý hiệu quả các tình huống có thể xảy ra. 

Tính đến 2 giờ ngày 4-11, đã có 3 tỉnh sơ tán dân với tổng số 8.516 hộ/35.168 khẩu (Phú Yên 1.404 hộ/6.222 khẩu, Khánh Hòa 4.601 hộ/18.761 khẩu, Ninh Thuận 2.511 hộ/10.185 khẩu). Ngoài ra, tại huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) đã sơ tán 1.751 khẩu.

Có 3 tỉnh cho học sinh nghỉ học, cụ thể, tỉnh Khánh Hòa cho học sinh nghỉ học từ 12 giờ ngày 3-11; các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận cho học sinh nghỉ học vào sáng 4-11. 

Thông tin từ Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 6 giờ ngày 4-11 đã đã thông báo, kiểm đếm là 62.714 tàu/301.004 lao động và 3.277 lồng bè/9.362 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 12 để chủ động phòng, tránh.

Hiện nay còn một tàu BĐ 95184TS/02 LĐ trên đường về tránh bão bị hỏng máy, thả trôi tại 13035’ Vĩ Bắc-109048’ Kinh Đông. Thuyền trưởng đề nghị hỗ trợ khẩn cấp. Bộ Tham mưu chỉ đạo Biên phòng Bình Định phối hợp với địa phương tìm cách hỗ trợ.

Theo báo cáo ngày 4-11 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định có 22 tàu trong vùng nguy hiểm thả neo tại chỗ, vị trí 140 Vĩ Bắc - 1130 Kinh Đông; hiện bão đã đi qua; trong đó có 2 tàu chưa liên lạc được có số hiệu BĐ 93054TS và BĐ 97624TS. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đang tìm cách liên lạc và xác minh số người trên tàu. Tại tỉnh Quảng Ngãi có 2 tàu bị mất liên lạc, cụ thể: Tàu QNg 90478 TS/16 ngư dân, do ông Lưu Đình Dũng ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn làm thuyền trưởng; Tàu QNg 95249 TS/13 ngư dân do ông Nguyễn Văn Minh ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn làm thuyền trưởng. 

Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, có 2 tàu vận tải (Biển Bắc 16, Hoa Nam 68) trên khu vực biển Bình Định bị chìm ở vùng biển Quy Nhơn, hiện đã cứu vớt được 3 người; tàu vận tải Jupiter quốc tịch Campuchia bị hỏng máy, trôi dạt, 7 người đã dời tàu; 4 người trên bè cá tại Quy Nhơn bị rơi xuống biển, đã cứu được 2 người, còn lại 2 người đang trôi dạt. 

Các tuyến đê trong khu vực mới chỉ được thiết kế với bão cấp 9, 10, triều trung bình 5%. Hiện có 5 công trình đang thi công (Đà Nẵng: 1,5km đê Liên Chiểu, Thuận Phước; Quảng Ngãi: 0,5 km đê Hải Hòa; Ninh Thuân: 1,5km đê cửa sông Bắc sông Dinh; Bà Rịa Vũng Tàu: 4,1km đê Hải Đăng và đê kè Lộc An). Đối với kè Xóm Rớ tỉnh Phú Yên, địa phương đã tổ chức xử lý xong đầu kè trong tối 3-1.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, tính đến 6 giờ ngày 4-11, tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, trong 87 hồ cập nhật thông tin, có 16 hồ chứa đang xả qua tràn như: Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ có 9 hồ: Sông Hinh: 1.450 m3/s; Sông Ba Hạ: 1.400 m3/s; Đak Mi 4A: 391 m3/s; Sông Bung 4: 597 m3/s, Sông Bung 4A: 362 m3/s; Sông Bung 5: 349 m3/s; Sông Bung 6: 280 m3/s; Sông Giang 2: 11 m3/s; La Hiêng 2: 30 m3/s.

Khu vực Tây Nguyên có 7 hồ: Đa Nhim: 75 m3/s; Đồng Nai 3: 37 m3/s, ĐakSrông: 25 m3/s; Đrây H’linh 1: 100 m3/s; Bảo Lộc: 21 m3/s; ĐăkSrông 3A: 500 m3/s; ĐăkSrông 3B: 550 m3/s.

Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến 13 giờ ngày 3-11, khu vực Nam Trung Bộ có 57 hồ chứa thủy lợi xung yếu (16 hồ chứa lớn, 41 hồ chứa nhỏ), các hồ đặc biệt cần quan tâm khi có mưa lớn gồm: Hồ Buôn La Bách, Hóc Răm (Phú Yên); Đập Làng, Ông Thơ (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Thạch Bàn (Bình Định); Sông Biêu (Ninh Thuận); Trà Tân, Sông Quao (Bình Thuận). 

Khu vực Tây Nguyên có 68 hồ chứa xung yếu (14 hồ lớn, 54 hồ nhỏ). Các hồ đặc biệt cần quan tâm khi có mưa lớn gồm: Hồ Thôn 9 (Kon Tum); PleitoKôn (Gia Lai); Dang Kang thượng, Ea Uy, Ea Khal 1, Ea Tling, Đội 36 (Đắk Lắk); Nao Ma a, Đắk Hlang (Đắk Nông); Ma Póh, Đạ Sa (Lâm Đồng).

Khu vực Đông Nam Bộ có 4 hồ (Bình Phước 2 hồ, Đồng Nai 2 hồ) xung yếu cần đặc biệt quan tâm. 

Thiệt hại ban đầu do bão số 12 gây ra đã làm 1 nhà bị sập, 4 nhà bị tốc mái, 1 tụ điện bị chập tại tỉnh Khánh Hoà.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của bão số 12 đã làm 4 đường dây tại khu vực Khánh Hòa, Phú Yên thuộc lưới điện 220kV, 500kV bị sự cố; 14 đường dây 110kV khu vực Bình Định đến Khánh Hòa và 10 trạm biến áp 110kV thuộc Phú Yên và Khánh Hòa bị mất điện. Hiện nay, khu vực Khánh Hòa mất điện toàn bộ tỉnh, trừ thành phố Cam Ranh; khu vực Phú Yên mất điện toàn tỉnh; khu vực Bình Định mất điện khu vực Phú Tài, Phú Cát.

Theo báo cáo ngày 4-11 của Bộ Giao thông vận tải, đường sắt Phú Yên đang bị phong tỏa, hiện 6.000 người ở ga Nha Trang. (TTXVN)

* Sau khi cơn bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa, Phú Yên, khoảng 9 giờ 30 phút sáng nay (4-11) trên Quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Cam Lộ, TP Cam Ranh và xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) xảy ra tình trạng tắc đường cục bộ. Theo quan sát của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, dọc theo tuyến đường tại địa bàn trên đã có hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Hiện tại trên địa bàn vẫn đang có mưa to. Các lực lượng chức năng đang khẩn trương khắc phục thiệt hại sau bão. (Tin, ảnh: Kiều Bình Định)

leftcenterrightdel
 Một số hình ảnh do cơn bão số 12 gây ra tại TP Cam Ranh và huyện Diên khánh, tỉnh Khánh Hòa. 

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel

* 5 giờ sáng nay, toàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận mất điện, bờ biển Ninh Thuận gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sóng biển dâng cao. Các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương liên tục phát thông tin về tình hình cơn bão số 12, kêu gọi người dân tăng cường phòng chống bão. Lúc này, việc di chuyển trên đường gặp nhiều khó khăn vì gió mạnh, bộ đội, công an đã có mặt tại các khu vực xung yếu giúp dân chống bão. (VŨ ĐÌNH ĐÔNG)

* Từ đêm qua đến rạng sáng nay (4-11) trên địa bàn thành phố Tuy Hòa đã có mưa lớn kết hợp gió giật mạnh. Từ khoảng 2 giờ đến 3 giờ sáng, tại thành phố Tuy Hòa mưa rất to, gió giật liên tục.

Thành phố Tuy Hòa đã mất điện hoàn toàn. Ngoài đường phố gió gầm rít từng hồi, cây cối gãy đổ, nhà cửa bị tốc mái.

leftcenterrightdel
Nhiều tuyến đường trung tâm thành phố Quy Nhơn bị ngập sâu 30-40cm. Ảnh TTO
Tại phía Nam Phú Yên, Thượng tá Nguyễn Đăng Hà, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cảng cửa khẩu Vũng Rô cho biết: khu vực này, gió bắt đầu mạnh dần từ 2h sáng. Trước đó, toàn bộ hệ thống điện cúp. Cây cối khu vực Đồn bị quật đổ.

Ở Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa cho biết qua điện thoại các địa bàn gió rất mạnh, vùng biển có sóng lớn. Đã có nhiều nhà dân lợp ngói, lợp tôn bị tốc mái.

Các thành viên Ban chỉ huy đang trực tiếp bám địa bàn để theo dõi và nắm tình hình, sẵn sàng ứng phó hỗ trợ người dân.

Trong khi đó tại thành phố Đà Nẵng do ảnh hưởng của bão số 12, đêm qua đến rạng sáng nay cũng có mưa to và gió giật. Trước đó, Chính quyền thành phố cũng có phương án ứng phó, đảm bảo an toàn các công trình phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC.

leftcenterrightdel
 Tôn tốc mái bay khắp nơi ngoài đường ở Hòn Rớ (Nha Trang). Ảnh: vnexpress.net
Do ảnh hưởng của bão Damrey, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, An Nhơn (Bình Định) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, Tuy Hòa (Phú Yên) giật cấp 10. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận đã có mưa rất to như: Quảng Ngãi 115 mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 100 mm, Tuy Hòa (Phú Yên) 90 mm

4 giờ ngày 4-11, tâm bão ở ngay trên vùng biển các tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận với gió mạnh cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15. Trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 15-20 km/h, đi vào đất liền các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận sau đó suy yếu dần.

Đến 10 giờ ngày 4-11, tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa-Ninh Thuận với gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (75-100km/h), giật cấp 13.

Tại Bình Định: 2 tàu cá mất liên lạc, một tàu bị hư hỏng. Tại TP Quy Nhơn có mưa lớn, gió mạnh cấp 7-8. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đến nay tỉnh Bình Định còn 17 tàu ở vùng biển nguy hiểm. Trong đó, 15 tàu đã thả neo dù bám trụ giữa vùng biển có gió bão mạnh cấp 9 cấp 10, hai tàu cá khác bị mất liên lạc. 

Riêng tàu cá BĐ 95154 TS của ông Võ Minh Vương, ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định trên tàu có 2 thuyền viên, đang trên đường chạy vào bờ trú bão thì bị gãy trục láp và phát tín hiệu cầu cứu vào lúc 23 giờ 30 phút ngày 3-11. 

Hiện tàu cá này đang thả trôi ở vùng biển có gió bão cấp 8, cấp 9, cách bờ biển thành phố Quy Nhơn khoảng 34 hải lý về phía Đông Nam, vẫn chưa có phương tiện nào ứng cứu. 

Trong khi đó, lúc 0 giờ 30 phút ngày 4-11, lực lượng hải quân đã tiếp cận và cứu được 2 ngư dân trên tàu cá BĐ 95956 TS (của ông Đỗ Văn Mốt, ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) bị hết nhiên liệu, thả trôi trên biển, cách bờ biển Quy Nhơn khoảng 40 hải lý hướng Đông Nam. 

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tỉnh đã lên phương án sơ tán khoảng 13.600 hộ dân với 93.200 người ở vùng nguy hiểm lên các điểm trú ẩn an toàn. Bình Định đã sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa bão, sẵn sàng sơ tán dân ở các vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, vùng thấp trũng, ven biển; người dân chuẩn bị lương thực 7 ngày, các trường học cho học sinh nghỉ học từ ngày 4-11. 

Trục đường Trần Phú ven biển TP Nha Trang đoạn từ nút giao đường Nguyễn Thị Minh Khai đến đường Dã Tượng toàn bộ đèn đường bị cúp. Gió giật rất mạnh. Đối diện với khu resort Anna Mandara, một cây lớn ngã đổ ngang đường gây tắc giao thông. Các công nhân đô thị đã đưa lực lượng đến cưa cây và dọn dẹp ngay trong bão. 

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Một số hình ảnh khi cơn bão số 12 đổ bộ vào thành phố Nha Trang. Ảnh: vnexpress.net

Tại nhà văn hóa rộng 300m2 ở cảng Hòn Rớ, TP Nha Trang có khoảng 150 người được về trú bão từ chiều. Người dân mang đồ đạc, chăn màn rồi trải chiếu nằm xếp lớp trên nền nhà. Nhiều trẻ nhỏ ôm chặt mẹ cuộn tròn ngủ trong chăn trong khi nhiều người khác ngồi ngóng bão. Chính quyền hỗ trợ mì tôm và nước nóng để dân lót dạ đêm khuya. Bên ngoài, mưa càng thêm nặng hạt, gió rít từng đợt kéo dài. Trên các tuyến đường tại Hòn Rớ, cây xanh, bảng hiệu ngã đổ la liệt, nhiều nhà tôn tốc mái.

leftcenterrightdel
Hàng trăm người dân Hòn Rớ (Nha Trang) trú bão ở nhà văn hóa. Ảnh:vnexpress.net 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 12 ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, An Nhơn (Bình Định) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, Tuy Hòa (Phú Yên) giật cấp 10. Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận đã có mưa to, một số nơi có mưa rất to như Quảng Ngãi 115mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 100mm, Tuy Hòa (Phú Yên) 90mm,…

Hồi 04 giờ ngày 4-11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa-Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Dự báo trong 06 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó suy yếu dần. Đến 10 giờ ngày 4-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,6 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa-Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (75-100km/giờ), giật cấp 13.

Cấp độ rủi ro thiên tai bão: cấp 3; riêng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận cấp 4.

Dự báo trong 06 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 5-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Nam Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Gió mạnh và sóng lớn trên biển: Vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm đảo Lý Sơn, Phú Quý) có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Biển động mạnh.

Nước dâng do bão ở ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận từ 0,5-1,0m. Sóng vùng tâm bão 6-8m, ven bờ Quảng Ngãi đến Bình Thuận 3-5m.  Ngoài ra, ven biển Nam Bộ đề phòng triều cường cao trong những ngày tới do thủy triều lên cao kết hợp với nước dâng do gió mùa.

Gió mạnh trên đất liền: Trên đất liền ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có gió mạnh lên cấp 10-12, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền (bao gồm cả Nam Tây Nguyên) có gió mạnh cấp 7-9, giật cấp 11. Khu vực ven biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ có gió giật cấp 6-8.

Cấp độ rủi ro thiên tai bão: cấp 3; riêng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận cấp 4.

Dự báo mưa lớn: Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to đến đặc biệt to. Các tỉnh Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to.

Cảnh báo lũ, lũ quét và sạt lở đất: Từ ngày 4 đến ngày 8-11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai sẽ xảy ra một  đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên và lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp thuộc các khu vực nêu trên. Cần theo dõi chi tiết trong các bản tin cảnh báo lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu diện rộng tiếp theo.

* Ảnh hưởng của bão số 12, tại Tuy Hòa (Phú Yên) có gió giật cấp 10, An Nhơn (Bình Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đã có mưa to đến rất to 50-150mm.

Vị trí tâm bão lúc 05 giờ: 12,70N-109,70E; ngay trên bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.

Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 15-20km/h.

* Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cũng cảnh báo, trong 6 giờ qua, các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đã xảy ra mưa to đến rất to. 
Trong 6-12 giờ tới, ở khu vực các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to; trong 6-12 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh trên, đặc biệt ở các huyện: 
- Quảng Nam: Hiên, Nam Giang, Quế Sơn, Phước Sơn, Trà My; 
- Quảng Ngãi: Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long; 
- Bình Định: Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Phù Cát, Hoài Nhơn, Tuy Phước; 
- Phú Yên: Tuy Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa, Sông Cầu; 
- Khánh Hòa: Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Ranh, Diên Khánh, Vạn Ninh, Ninh Hòa; 
Nguy cơ mất an toàn hồ chứa các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa 

(Theo TTO, VnExpress, NCHMF.gov.vn, CTV)

* Trước đó, chiều và tối 3-11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cùng đoàn công tác đã tới kiểm tra công tác phòng, chống bão Damrey (hay còn gọi là cơn bão số 12) tại tỉnh Ninh Thuận. Có mặt tại cảng cá Đông Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận), đồng chí thứ trưởng đã kiểm tra việc gọi tàu thuyền neo đậu chống bão của cơ quan chức năng; công tác chằng chống, bảo vệ tàu thuyền các ngư dân; thăm hỏi, động viên ngư dân và yêu cầu chính quyền địa phương cần có biện pháp đảm bảo an toàn người và tài sản cho ngư dân khi bão đổ bộ.

Theo Ban quản lý cảng cá Đông Hải, đã có 627 tàu thuyền của ngư dân về neo đậu tại cảng.

leftcenterrightdel
Ngư dân chằng chống tàu thuyền tại cảng cá Đông Hải tối 3-11. 
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, đến lúc này, công tác ứng phó cơn bão số 12 của tỉnh cơ bản đã hoàn tất, tàu thuyền trong tỉnh đã vào bờ trú ẩn, chỉ còn một chiếc chưa liên lạc được. Tỉnh đã sẵn sàng di dời hơn 24.000 hộ dân vùng xung yếu đến nơi an toàn. "Khi bão ập vào, kèm mưa lớn, gió và thủy triều lên nên các vùng xung yếu hết sức nguy hiểm. Tôi đã yêu phải di dời toàn bộ người dân trước 21h tối nhằm đảm bảo an toàn", ông Vĩnh nói.

Bên cạnh đẩy mạnh việc bố trí neo đậu cho tàu thuyền vào vị trí an toàn, sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, kiểm tra hệ thống hồ đập, công trình thủy lợi trọng yếu, chiều 3-11, tỉnh Bình Thuận đã thông báo cho du khách đang có mặt tại địa phương biết về cơn bão số 12 để có kế hoạch phòng, tránh; tạm dừng toàn bộ các hoạt động vui chơi trên biển; triển khai các phương án chống bão, bảo đảm tính mạng, tài sản cho du khách. (Tin, ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG)

* Do ảnh hưởng của bão số 12, từ đêm qua đến sáng nay (4-11), trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có mưa to kết hợp với gió mạnh làm cho hàng trăm tấm pano tuyên truyền cho Tuần lễ Cấp cao APEC bị đổ. Dọc các tuyến đường ven biển Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, hàng trăm pano giới thiệu Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 bị ngã đổ. Nhiều băng rôn, khẩu hiệu chào mừng trên nhiều tuyến đường ven biển bị gió giật tơi tả. Cổng chào lớn ngay trước Công viên Biển Đông bị gió quật ngã sập xuống đường, chắn ngang đường Võ Nguyên Giáp khiến xe cộ không thể lưu thông. Ngay trong sáng nay (4-11), cán bộ, nhân dân các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn ra quân dựng lại những tấm pano bị ngã đổ. 

leftcenterrightdel
Cổng chào bị ngã đổ chắn ngang đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: VOV 


Ông Lê Tự Hòa, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết: "Ảnh hưởng cơn bão số 12, những trục đường chính rác cũng rất là nhiều, Ủy ban Mặt trận phối hợp với các ban, ngành đoàn thể của phường huy động tổng dọn vệ sinh môi trường để phục vụ cho APEC. Những pano này thì mặt trận phối hợp với các ban ngành cùng tham gia để dựng lên. Nếu tiếp tục mưa gió thì anh em vẫn tiếp tục làm để kịp APEC".

Ông Võ Ngọc Kha, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết, tại địa phương gió giật rất mạnh cấp 10-12. Với sức gió mạnh như thế này, Phú Yên sẽ chịu thiệt hại sau cơn bão rất nặng nề. (Theo VOV)

* 4 giờ sáng ngày 4-11 vị trí tâm bão ở khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông ngay trên vùng biển Phú Yên, Khánh Hòa. Sức gió gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15.

leftcenterrightdel
Cây cối gãy đổ, xơ xác do bão. 

Đến 6 giờ sáng, tâm bão đã đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa. Cường độ gió tại Nha Trang vẫn mạnh, liên hồi giật rít. Người dân đóng chặt cửa, chưa ai dám ra đường. Ngoài đường tôn bay khắp nơi, cây cối đổ gẫy, nhiều nhà dân bị tốc mái, ước tính thiệt hai rất nặng nề. Tại thành phố Nha Trang điện đã bị cắt. Hiện tại Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa đang đi thị sát tình hình mưa bão trên hai chiếc xe bọc thép. Các lực lượng đã triển khai sẵn sàng chuẩn bị ứng cứu. (Tin, ảnh: VĂN THI)

* Đến 9 giờ sáng ngày 4-11, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) sức gió giảm dần, mưa bắt đầu lớn. Từ 4 giờ sáng đến 7 giờ 30 phút, bão số 12 đã gây thiệt hại nặng nề cho TP Nha Trang. Nhiều căn nhà bị đổ sập và tốc mái; nhiều cây xanh bị gãy đổ ngổn ngang. Một ngôi nhà ở phường Vĩnh Trường bị sập, nhưng các lực lượng cứu hộ đã cứu được 10 người dân đến nơi an toàn. 10 người khác ở phường Vĩnh Hòa cũng bị sập nhà, nhưng đã được chính quyền địa phương ứng cứu kịp thời.

Ông Lê Huy Toàn, Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang cho biết, đến thời điểm hiện tại chưa thống kê được mức độ thiệt hại cụ thể. Do bão số 12 đổ bộ vào Nha Trang nên khả năng thiệt hại rất lớn. Hiện nay rất may chưa có người dân nào ảnh hưởng đến tính mạng. Chỉ có một người dân ở xã Vĩnh Lương bị thương nhưng đã được ứng cứu và đưa vào Bệnh viện Khánh Hòa điều trị.

Ông Đào Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh tế TP. Nha Trang cho biết, đến cuối ngày 3-11 toàn thành phố có gần 1.000 hộ dân được di chuyển tới trụ sở nhà văn hóa thôn, đồn biên phòng, hoặc nhà người thân. Công tác di dời và kiểm tra người dân chấp hành di dời vẫn được các xã, phường nghiêm túc thực hiện. Lực lượng chức năng túc trực trắng đêm để kịp thời ứng cứu khi bão đổ bộ vào đất liền.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Một số hình ảnh thiệt hại do bão số 12 gây ra tại TP Nha Trang. 

Trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), kể từ khoảng 1 giờ sáng ngày 4-11 có gió mạnh kèm theo mưa rất lớn, gió rất mạnh khiến hệ thống điện trên địa bàn bị hư hỏng buộc phải cắt điện. Đã có hàng nghìn căn nhà của người dân trên địa bàn bị tốc mái, sập tường, cây cối đổ ngã, cột điện bị ngã; nhiều công trình trường học, trụ sở các cơ quan bị hư hỏng nặng. Chính quyền địa phương liên tục cảnh báo người dân không nên ra đường vào thời điểm gió mạnh. Lực lượng chức năng vẫn đang túc trực ở các vùng xung yếu để hỗ trợ, giúp đỡ người dân di tản người và tài sản về những nơi an toàn. Đặc biệt huyện đã đưa hơn 6.900 người dân ở những vùng nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn… (Tin, ảnh: TRẦN ĐĂNG - VĨNH LỘC)

* Báo Quân đội nhân dân Điện tử sẽ tiếp tục cập nhật về thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra.