Hồi 16 giờ ngày 3-11, bão số 12 cách bờ biển Phú Yên-Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Đến 4 giờ ngày 4-11, tâm bão ở ngay trên vùng bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội. Vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm đảo Lý Sơn, Phú Quý) gió mạnh cấp 7, đêm gió mạnh lên cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội. Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Biển động mạnh.
Sơ đồ cập nhật đường đi của bão số 12. Ảnh: KTVN
Đợt mưa lớn có khả năng gây nên một đợt lũ diện rộng trên hầu hết các lưu vực sông thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai. Lũ lớn tập trung ở khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra, ven biển Nam Bộ đề phòng triều cường trong những ngày tới do thủy triều lên cao kết hợp với nước dâng do gió mùa.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, khu đô thị các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk. Lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông có nguy cơ xảy ra ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên, đặc biệt là khu vực vùng núi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk.
Nguy cơ cao xảy ra sự cố mất an toàn đối với các hồ chứa ở Trung Bộ, Tây Nguyên do hiện có nhiều hồ chứa xung yếu, nhiều hồ đã đầy nước. Trên lưu vực sông Đồng Nai, mực nước nhiều hồ chứa thủy điện đang ở mức cao, nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, diện rộng, khu vực vùng hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn khi hồ chứa thủy điện điều tiết kết hợp với thời kỳ triều cường.
TTXVN