Đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền trên biển
Đến chiều 3-11, thông tin của các phóng viên, cộng tác viên báo Quân đội nhân dân đang có mặt tại vùng biển các địa phương Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh cho biết, tất cả các địa phương đều nghiêm túc, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với bão “Con Voi”.
Trưa 3-11, có mặt tại cảng Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, chúng tôi chứng kiến không khí khẩn trương của các lực lượng chức năng, nòng cốt là Bộ đội Biên phòng (BĐBP), cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh, lực lượng dân quân tự vệ, công an... đang triển khai hướng dẫn, sắp xếp phương tiện của ngư dân vào bờ tránh trú bão. Hàng ngàn tàu, thuyền của ngư dân đã được đưa vào các cảng, âu tàu sát bờ. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP và công an xuống tận các tàu hướng dẫn, đôn đốc bà con ngư dân neo tàu, buộc dây chằng để tránh va đập.
Lực lượng thường trực Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận chuẩn bị phương tiện sẵn sàng cơ động cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: DUY THỈNH.
Đại tá Phạm Văn Long, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận cho biết: UBND tỉnh Bình Thuận đã thành lập 5 đoàn công tác liên ngành, chủ lực là cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh, BĐBP, công an tỉnh, đảm nhiệm trên 5 hướng, trọng yếu là hướng huyện đảo Phú Quý, địa bàn được dự báo sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất khi bão số 12 đổ bộ. Riêng Bộ CHQS tỉnh, đã thành lập 3 đội cơ động, gồm bộ đội, dân quân tự vệ (DQTV), dự bị động viên... cùng các phương tiện: Xe tải, bo bo (ca nô), phao, đèn và các dụng cụ cứu hộ, cứu nạn. Lực lượng phòng chống bão trực 100% quân số. “Ngoài lực lượng của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã thành lập lực lượng cơ động thường trực, phối hợp giúp dân phòng chống bão. Công việc gấp rút hiện nay là đưa toàn bộ tàu, thuyền về vị trí trú tránh an toàn, giúp dân chằng, chống nhà cửa, công trình, sẵn sàng lực lượng đi cứu hộ khi có tình huống” – Đại tá Phạm Văn Long nhấn mạnh.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận, từ sáng 3-11, tất cả các khu du lịch, vui chơi giải trí ven biển tạm dừng mọi hoạt động đón khách, tổ chức vui chơi giải trí để tập trung chống bão. Tính đến chiều tối 3-11, hơn 7.000 phương tiện tàu, thuyền của ngư dân toàn tỉnh đã được kêu gọi, hướng dẫn, sắp xếp vào các vị trí neo đậu.
Hàng nghìn tàu, thuyền đã được đưa vào neo đậu tại cảng Phan Thiết. Ảnh DUY THỈNH.
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong suốt ngày 3-11, BĐBP tỉnh đã huy động 100% lực lượng phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh triển khai các biện pháp ứng phó. Đại tá Đào Quang Hiển, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết, tính đến chiều tối 3-11, lực lượng chức năng đã hướng dẫn, đưa 2/3 số tàu, thuyền ngoài khơi vào trú tránh bão tại bờ biển các địa phương trong tỉnh. 1/3 số tàu thuyền còn lại, do ngư dân đánh bắt gần vùng biển các tỉnh lân cận nên đã tìm hướng về neo đậu tại các tỉnh bạn. Toàn bộ số tàu, thuyền vào bờ đã được lực lượng chức năng hỗ trợ, sắp xếp neo đậu, chằng buộc cẩn thận. “Hiện còn 15 chiếc tàu đánh cá của ngư dân đánh bắt xa bờ đang ở ngoài khơi, nhưng đã được hướng dẫn tránh khỏi vùng nguy hiểm. Các chủ tàu đang cho phương tiện tiến vào bờ. Dự kiến rạng sáng 4-11 số phương tiện này sẽ vào đến bờ” – Đại tá Đào Quang Hiển thông tin.
Cùng với 100% quân số trực 24/24, BĐBP Bà Rịa – Vũng Tàu đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật, gồm 8 xe chỉ huy, xe cứu thương; thành lập biên đội tàu gồm 8 chiếc cùng 4 bo bo cứu hộ, trực sẵn sàng tại các khu vực xung yếu. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã họp khẩn, chỉ đạo các ngành và lực lượng chức năng triển khai lực lượng, phương tiện túc trực 24/24. Trước khi bão đổ bộ, 100% dân trên các tàu, thuyền, bè cá... phải được sơ tán đến vị trí an toàn. Kiên quyết không để bất cứ người dân nào ở lại trên tàu, thuyền, bè. Lực lượng công an tỉnh phối hợp với biên phòng triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của nhân dân, đề phòng các đối tượng trộm cắp lợi dụng bão thực hiện hành vi phạm pháp.
Sẵn sàng cho mọi tình huống, không lơ là, chủ quan
Có mặt tại vùng biển Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh chiều 3-11, chúng tôi thấy vùng biển này đã vắng bóng du khách, chỉ còn lực lượng chức năng và tàu, thuyền ngư dân nườm nượp vào bờ tránh, trú bão. Ngư dân Huỳnh Văn Thống, ngụ thị trấn Cần Giờ chia sẻ: “Theo dự báo, khu vực TP Hồ Chí Minh ít ảnh hưởng hơn các địa phương khác, nhưng chúng tôi không chủ quan. Diễn biến của bão rất phức tạp, khó lường. Mình phải đề phòng mọi khả năng có thể xảy ra”.
BĐBP hỗ trợ ngư dân Cần Giờ tránh trú bão. Ảnh THU HÀ.
Có được tinh thần cảnh giác, ý thức tự giác cao của người dân một phần là nhờ cuộc diễn tập ứng phó với bão mạnh, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn do UBND TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức từ tuần trước. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) Thành phố, mối nguy hiểm đối với địa bàn TP Hồ Chí Minh là ảnh hưởng của bão có thể gây mưa lớn trên diện rộng kết hợp triều cường dâng cao sẽ gây ngập lụt nặng nề.
Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, các lực lượng thuộc Bộ tư lệnh Thành phố, Bộ chỉ huy BĐBP và Công an Thành phố, Cảnh sát PCCC... đã được huy động sắp xếp tàu, thuyền tránh trú bão, gia cố đê bao, chuẩn bị các phương án ứng phó vỡ đê bao, ngập lụt nặng, sự cố sập đổ công trình, rò rỉ hóa chất...
Thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận... trong ngày 3-11, các địa phương bắt đầu sơ tán dân tại các vùng trọng yếu đến nơi an toàn, nhằm bảo vệ an toàn tính mạng cho nhân dân. Dự kiến có khoảng 400.000 người dân từ các địa phương này sẽ phải sơ tán trước khi bão đổ bộ. |
NHÓM PV và CTV PHÍA NAM- BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN