Sự cần thiết phải ban hành thông tư quy định
Bộ Quốc phòng cho biết, nghi lễ thượng cờ, hạ cờ quốc gia trên Quảng trường Ba Đình được thực hiện từ ngày 19-5-2001 theo Công văn số 373/CP-VX ngày 7-5-2001 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là nghi lễ có ý nghĩa rất quan trọng của quốc gia, hình ảnh của nghi lễ chào cờ được phát trên kênh truyền hình quốc gia vào 5 giờ sáng hằng ngày, được xem như biểu tượng của Việt Nam, của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Thủ đô Hà Nội.
Nghi lễ thượng cờ, hạ cờ hằng ngày thu hút được nhiều người dân và khách quốc tế đến tham quan, chứng kiến, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm của đất nước. Mặc dù có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng nhưng trong suốt 24 năm qua, Nghi lễ thượng cờ, hạ cờ quốc gia trên Quảng trường Ba Đình chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn, quy định của Cục Quân huấn, Bộ tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vì vậy, cần sớm thể chế hóa quy trình, cách thức thực hiện Nghi lễ thượng cờ, hạ cờ quốc gia trên Quảng trường Ba Đình thành quy định pháp luật để thống nhất thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho bảo đảm các chế độ, chính sách cho lực lượng của Bộ tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ thượng cờ, hạ cờ. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn cho nghi lễ, tăng cường chất lượng tuyên truyền về Nghi lễ thượng cờ, hạ cờ quốc gia nói riêng và ý nghĩa chính trị, văn hóa của Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung.
Theo dự thảo thông tư, nghi lễ thượng cờ, hạ cờ quốc gia phải bảo đảm nguyên tắc đã được quy định trong Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2025; bảo đảm ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa đặc biệt nhằm góp phần giáo dục niềm vinh dự, tự hào, tự tôn dân tộc; giáo dục ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với Bác Hồ kính yêu. Nghi lễ thượng cờ, hạ cờ phải bảo đảm chặt chẽ, trang nghiêm, an toàn, tạo ấn tượng tốt đẹp với nhân dân và khách quốc tế đến tham quan khu vực.
Có 4 hình thức tổ chức Nghi lễ thượng cờ, hạ cờ gồm: Hằng ngày; trong các dịp lễ, Tết; thượng cờ, hạ cờ rủ trong ngày quốc tang; thượng cờ, hạ cờ rút gọn.
 |
Nghi lễ thượng cờ, hạ cờ quốc gia trên Quảng trường Ba Đình có ý nghĩa rất quan trọng của quốc gia, được xem như biểu tượng của Việt Nam, của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Thủ đô Hà Nội. Ảnh minh họa: TTXVN |
Thời gian, hình thức tổ chức nghi lễ thượng cờ, hạ cờ quốc gia hằng ngày
Thời gian tổ chức nghi lễ thượng cờ, hạ cờ quốc gia trên Quảng trường Ba Đình dự kiến như sau:
- Từ ngày 1-4 đến 31-10: Lễ thượng cờ vào thời điểm 6 giờ 00 phút; từ ngày 1-11 đến 31-3 năm sau: Lễ thượng cờ vào thời điểm 6 giờ 30 phút;
- Lễ hạ cờ vào thời điểm 21 giờ 00 phút.
Bộ phận chỉ huy nghi lễ thượng cờ, hạ cờ quốc gia trên Quảng trường Ba Đình gồm có: Trực chỉ huy Bộ tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực chỉ huy Đoàn 275; Trực ban Tác chiến Bộ tư lệnh Lăng. Bộ phận khối nghi lễ là Đoàn 275, Bộ tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có bộ phận bảo đảm an ninh của Đoàn 275, Bộ tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; bộ phận phục vụ của Đoàn 195 và Phòng Chính trị, Phòng Hậu cần - Kỹ thuật, Văn phòng thuộc Bộ tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Việc tổ chức thực hiện nghi lễ dự kiến như sau:
- Đội hình khối Nghi lễ tổ chức theo đội hình khối 3 hàng dọc theo thứ tự: Khối trưởng; Tổ Quốc kỳ; Tổ Quân kỳ; Khối Danh dự. Trong đó, khối trưởng là 1 đồng chí sĩ quan; Tổ Quốc kỳ có 3 đồng chí sĩ quan; Tổ Quân kỳ gồm 3 đồng chí sĩ quan; Khối Danh dự có 27 đồng chí hạ sĩ quan, binh sĩ.
- Tuyến đi khi thực hiện Nghi lễ thượng cờ: Đội hình khối Nghi lễ tập kết sau Lễ đài A1 rồi tiến vào đường Hùng Vương - thềm sỏi nổi - vị trí chào cờ - thềm sỏi nổi - đường Hùng Vương - trước Lễ đài A2-A-A1 - vị trí tập kết.
Về trình tự thực hiện, khối nghi lễ từ vị trí tập kết đi đều trên nền nhạc bài hát “Tiến bước dưới quân kỳ” (Nhạc sĩ Doãn Nho) đến vị trí chào cờ. Tổ Quốc kỳ đi nghiêm (tốc độ 60 bước/phút) lên vị trí cột cờ, liên kết cờ. Thực hiện Nghi lễ thượng cờ trên nền nhạc bài hát “Tiến quân ca” (Nhạc sĩ Văn Cao). Tổ Quốc kỳ về vị trí. Khối Nghi lễ đi đều trên nền nhạc bài hát “Tiến bước dưới quân kỳ” (Nhạc sĩ Doãn Nho) về vị trí tập kết. Khi qua Lễ đài A, khối Nghi lễ đi nghiêm nhìn bên phải chào.
- Khi thực hiện nghi lễ hạ cờ, tuyến đi của khối Nghi lễ như khi thực hiện nghi lễ thượng cờ. Khối nghi lễ từ vị trí tập kết đi đều trên nền nhạc bài hát “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” (Nhạc sĩ Huy Thục) đến vị trí chào cờ. Tổ Quốc kỳ đi nghiêm (tốc độ 60 bước/phút) lên vị trí cột cờ. Thực hiện nghi lễ hạ cờ. Tổ Quốc kỳ về vị trí. Khối nghi lễ đi đều trên nền nhạc bài hát “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” (Nhạc sĩ Huy Thục) về vị trí tập kết. Khi qua Lễ đài A, khối nghi lễ đi nghiêm nhìn bên phải chào.
Các ý kiến tham gia đóng góp cho Dự thảo Thông tư quy định tổ chức Nghi lễ thượng cờ, hạ cờ quốc gia trên Quảng trường Ba Đình gửi về Bộ tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh theo địa chỉ: Số 1 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội, email: thanhdongvp969@gmail.com; hoặc về Bộ Quốc phòng qua địa chỉ email: info@mod.gov.vn.
Thời gian tham gia đóng góp đến hết ngày 15-5-2025.
Báo Quân đội nhân dân tiếp tục cập nhật một số nội dung dự thảo thông tư này.
QĐND
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.