Chia sẻ về kinh nghiệm phòng, chống dịch ở một số trọng điểm trên địa bàn, ông Đoàn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm cho hay, ổ dịch Covid-19 phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm là ổ dịch rất lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội, bùng phát vào ngày 30-7-2021 với 61 trường hợp F0. Trong đó tập trung chủ yếu ở ngõ 105 Vọng Hà, đặc điểm khu này là có 4 ngõ thông nhau, mật độ dân số đông nên việc xử lý ổ dịch rất khó khăn. Khi thấy số lượng bệnh nhân bắt đầu tăng, quận Hoàn Kiếm cho phong tỏa khu vực ngõ 105 Vọng Hà, nhưng ở thời điểm phong tỏa thì dịch đã bắt đầu lan sang các chỗ khác. Do vậy phải tiến hành phong tỏa toàn phường với khoảng 23.000 người bị cách ly tại địa bàn.
"Khi phong tỏa lại rồi, chúng tôi bắt đầu tập trung xử lý triệt để ổ dịch, bóc hết F0, F1 đưa đi cách ly, điều trị. Có một sáng kiến được áp dụng, đó là hàn chặn các ngõ bằng lưới B40, không cho thông nhau, tăng cường tuyên truyền, xét nghiệm sàng lọc tất cả những người có triệu chứng, đồng thời giám sát chặt chẽ việc cách ly trong đó. Nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cũng như sự hưởng ứng của nhân dân, sau 18 ngày, dịch bệnh đã được khống chế hoàn toàn, từ ngày 19-8 đến nay, tại đây không phát sinh ca nhiễm mới", ông Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.
 |
Người dân đi tiêm vaccine phòng Covid-19 được thăm khám chu đáo tại điểm tiêm Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô. |
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm cũng đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 bảo đảm an toàn tiêm chủng. Kết quả từ ngày 27-7 đến ngày 6-9, quận đã tiêm 61.174 mũi vaccine; riêng ngày 6-9 tiêm được 2.558 mũi, không ghi nhận trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm. Tổng số vaccine phòng Covid-19 đã tiêm từ đầu năm 2021 đến nay là 66.513 mũi. Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh, phụ trách giám sát các dây chuyền tiêm tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) cho biết, tại địa điểm tiêm này có 5 dây chuyền tiêm. Mỗi dây chuyền tiêm gồm: 1 bác sĩ khám sàng lọc, 1 bác sĩ trực điểm trưởng, 1 bác sĩ cấp cứu. Ngoài ra có đội cấp cứu riêng xử lý sốc phản vệ, gồm: 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng viên, khi có vấn đề phát sinh sẽ sơ cấp cứu cho bệnh nhân rồi chuyển viện. Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm cũng bố trí sẵn xe cấp cứu tại điểm tiêm, là kho tổng của các dây tiêm, bảo đảm chất lượng vaccine. Trước khi tiêm khoảng nửa tiếng, các điểm tiêm lên kho lĩnh vaccine và kiểm tra cẩn thận chủng loại, số lượng vaccine, nhiệt độ, bình giữ lạnh... Sau khi về đến điểm tiêm, các dây tiêm chia nhau vaccine rồi kiểm tra lại lần cuối, nhất là chú trọng kiểm tra nhiệt độ bảo quản của vaccine; bởi đây là yếu tố quan trọng bảo đảm chất lượng thuốc khi tiêm vào cơ thể.
Theo thông tin của Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm, từ 18 giờ ngày 9-9 đến 6 giờ ngày 10-9, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm không có ca F0, F1, F2. Trong ngày 9-9, Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm đã lấy 5.012 mẫu xét nghiệm cộng đồng trên địa bàn quận. Đáng lưu ý, trong tối 9-9, hơn 1.000 người dân có mặt tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô xếp hàng đợi tiêm vaccine phòng Covid 19. Hoạt động tiêm vaccine này kéo dài đến 23 giờ cùng ngày và ưu tiên tiêm cho những người lớn tuổi.
Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Hồng Anh, ở phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, chia sẻ: “Trước khi đi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, tôi luôn thấy hồi hộp và lo lắng. Nhưng khi đến điểm tiêm chủng tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô, nhận thấy quy trình sàng lọc, thăm khám của đội ngũ y, bác sĩ tại đây chu đáo, cẩn thận, tư vấn kỹ càng cho người dân trước khi tiêm nên tôi thấy rất yên tâm. Sau khi tiêm, tôi được các bác sĩ dặn về việc theo dõi những phản ứng sau tiêm cũng như cung cấp số điện thoại đường dây nóng để liên hệ nếu có xuất hiện triệu chứng bất thường”.
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH VIỆT