Huyện Kim Sơn phát lệnh cấm biển từ 15 giờ ngày 5-9

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân lúc 17 giờ 30 phút ngày 5-9, Trung tá Trần Thế Duyệt, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Kim Sơn, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình cho biết, tính đến 17 giờ ngày 4-9, huyện Kim Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với lực lượng Biên phòng thông báo cho 100% chủ phương tiện, chủ tài sản đang lao động phía ngoài đê Bình Minh 3 về diễn biến và hướng di chuyển của cơn bão số 3 để có biện pháp phòng tránh. Cụ thể, thông tin tới 119 phương tiện/267 thuyền viên đang khai thác thủy sản, 218 lều chòi/347 lao động.

Huyện Kim Sơn phát lệnh cấm biển từ 15 giờ ngày 5-9; dừng toàn bộ hoạt động đò ngang trước 15 giờ ngày 6-9, đồng thời yêu cầu toàn bộ tàu thuyền cũng như di tản lao động phía ngoài đê Bình Minh 3 vào nơi tránh trú bão an toàn.

Đồng chí Trần Song Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại huyện Kim Sơn 

Sáng 5-9, đồng chí Trần Song Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại huyện Kim Sơn.

Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng đã kiểm tra một số điểm xung yếu trên tuyến đê Bình Minh 3 và Bình Minh 4; đồng thời nghe lãnh đạo huyện Kim Sơn, đại diện các đơn vị báo cáo công tác chuẩn bị nhằm ứng phó với bão số 3.

Theo đó, thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về việc ứng phó với bão Yagi trên Biển Đông, trong những ngày qua, huyện Kim Sơn và các sở, ngành của tỉnh đã tích cực triển khai các công tác chuẩn bị theo phương châm "4 tại chỗ", nhằm chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Ngư dân đánh bắt cá trên biển và sống trên các chòi canh nuôi trồng thủy sản ngoài đê Bình Minh 3 được kêu gọi vào bờ trước khi cơn bão đổ bộ vào Biển Đông. Ảnh: dantri.com.vn

Ngành nông nghiệp, chi nhánh khai thác công trình thủy lợi huyện Kim Sơn đã rà soát các cơ sở vật chất, tu sửa các trạm bơm, cống tiêu nước trên địa bàn; vận hành một số trạm bơm tiêu thoát nước và điều chỉnh mực nước tại các hồ chứa xuống mức thấp.

Lực lượng bộ đội, biên phòng, công an và các xã, thị trấn ven biển của huyện Kim Sơn cũng triển khai các lực lượng, phương tiện, vật tư nhằm sẵn sàng triển khai phương án di dân và phục vụ công tác hộ đê.

Ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn tuyệt đối về tính mạng cho người dân

Nhấn mạnh bão số 3 có cường độ mạnh, diễn biến phức tạp, khó lường; ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn tuyệt đối về tính mạng cho người dân, đồng chí Trần Song Tùng yêu cầu các sở, ngành chức năng của tỉnh, thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và huyện Kim Sơn tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 3 và tình hình mưa bão, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ, bị động trong khi ứng phó với bão.

Chủ động thực hiện phương án hiệp đồng lực lượng, sẵn sàng phương tiện, vật tư phục vụ phương án di dân và hộ đê; thông báo cho toàn bộ tàu thuyền đang khai thác thủy sản, lao động ngoài đê Bình Minh 3 vào nơi tránh trú bão an toàn; rà soát các công trình đê điều, thủy lợi, công trình trọng yếu... để có phương án đảm bảo an toàn.

Trước đó, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 20/CĐ-UBND ngày 3-9 về việc tập trung ứng phó bão số 3.

UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các sở, ban, ngành tập trung triển khai kịp thời theo dõi, cập nhật diễn biến cơn bão và tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa để chủ động các biện pháp phòng tránh; rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Đồng thời, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ; sơ tán người dân trên chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.

Cùng với đó triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, đê điều; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp; kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn; kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.

AN BÌNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.