 |
Cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ Lý động viên tinh thần nhân dân sau thiên tai.
|
Trước đây, trung tâm xã Mỹ Lý được biết đến là vùng đất trù phú nằm bên dòng sông Nậm Nơn với những ngôi nhà sàn kiên cố, khang trang. Nhưng sau trận lũ lịch sử vừa qua những hình ảnh đó chỉ còn lại trong ký ức của nhiều người. Nước lũ rút xuống, quang cảnh các bản làng của xã vùng biên tiêu điều, xơ xác đến xót xa.
Ở bản Xiềng Tắm, nhiều ngôi nhà sàn bị cuốn trôi hoàn toàn, còn trơ lại nền móng. Sau lũ, nhiều hộ dân đứng trước tình cảnh đúng nghĩa "trắng tay". Không chỉ tài sản nhân dân, các công trình phục vụ dân sinh bị hư hỏng nặng nề, đặc biệt Trạm Y tế xã Mỹ Lý được xây dựng kiên cố, khang trang bị lũ san phẳng, biến mất hoàn toàn. Không chỉ nhà cửa, các tuyến đường giao thông cũng rơi vào tình trạng sạt lở nghiêm trọng, các bản làng bị cô lập.
 |
Bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý vốn trù phú giờ trở nên tiêu điều sau lũ.
|
Sau thiên tai kinh hoàng, giao thông chia cắt, các lực lượng vẫn chưa thể đến để sẻ chia với mất mát mà đồng bào các dân tộc ở xã biên giới phải gánh chịu. Trước muôn vàn khó khăn, chính quyền, các lực lượng, nhân dân địa phương phát huy sự đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau để đứng lên làm lại từ đầu. Trước mắt, người dân mất, hư hỏng nhà cửa được chính quyền, các lực lượng sơ tán đến ở trụ sở UBND xã, các hộ gia đình may mắn hơn đón dân bản về ở ghép.
Sau một đêm tránh lũ trở về, chị Lô Thị Bích, bản Xiềng Tắm đứng trên nền móng ngôi nhà, đôi mắt đỏ hoe. “Chúng tôi may mắn giữ được mạng sống nhưng lũ đã lấy đi tất cả, không còn bất cứ thứ gì nữa. Từ giờ chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các lực lượng, nhân dân trong bản", chị Bích nghẹn ngào cho biết.
Trong câu chuyện, chị Lan cũng chia sẻ thêm, nhân dân vùng rốn lũ đang cần giúp đỡ từ những điều nhỏ nhất như nước sinh hoạt, lương thực, thực phẩm, xa hơn nữa mới nghĩ đến việc ổn định chỗ ở, sinh kế lâu dài.
 |
Sau lũ các công trình dân sinh trên địa bàn xã biên giới bị hư hỏng nặng nề.
|
Đồng chí Lương Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý cho biết, trước lũ lụt, chính quyền đã huy động toàn bộ lực lượng tại chỗ, triển khai phương châm “4 tại chỗ” để sơ tán người dân đến nơi an toàn, đồng thời cung cấp các nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm, nước uống và thuốc men cho các bản bị ảnh hưởng.
Đồng chí Lương Văn Bảy khẳng định: Trước những khó khăn mà chính quyền, nhân dân các xã vùng cao nói chung, xã biên giới Mỹ Lý nói riêng đang gánh chịu sẽ cần nguồn ngân sách lớn của nhà nước để “hồi sinh”. Cùng với đó cũng rất cần sự chung tay của nhân dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài. Thế nhưng sự yêu thương, chia sẻ của cộng đồng với đồng bào cần thể hiện đúng cách, đạt ý nghĩa thiết thực nhất. Trong điều kiện mưa lũ diễn biến phức tạp, địa hình núi non hiểm trở, các tập thể, mạnh thường quân khi đến với vùng cao Nghệ An hãy tin tưởng, liên hệ với chính quyền địa phương để có sự hướng dẫn, hỗ trợ đến với đồng bào an toàn, kịp thời, phù hợp nhất.
HIẾU AN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.