Tính đến 17 giờ ngày 3-8, theo số liệu cập nhật về tình hình thiệt hại từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống đã làm 7 người chết (Yên Bái: 2, Sơn La: 4, Lai Châu: 1), 27 người mất tích (Yên Bái: 13, Sơn La: 12, Lai Châu: 2); 12 người bị thương (Yên Bái: 9, Sơn La: 3).

Ngoài ra, mưa lũ đã làm 240 ngôi nhà bị sạt lở, cuốn trôi (Yên Bái: 50; Sơn La: 183, Lai Châu: 7). Về giao thông, các QL 12, QL 279B, QL 279C, QL 4H tỉnh Điện Biên và QL 32 tỉnh Yên Bái bị sạt lở 26.089m3 đất đá; đường tỉnh lộ: ĐT.150, ĐT.142, ĐT.143 bị sạt lở khoảng 16.000m3 đất đá, gây ách tắc giao thông ở nhiều điểm. (Thái Hưng)

leftcenterrightdel
Lũ ống, lũ quét làm thiệt hại về người và nhà cửa, đường giao thông, hoa màu của nhân dân... trên địa bàn một số xã của huyện Mường La, tỉnh Sơn La, đêm 2-8-2017. 
leftcenterrightdel
Lực lượng chức năng và người dân khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Mù Cang Chải. Ảnh: TTXVN 
leftcenterrightdel
Hiện trường mưa lũ gây thiệt hại nặng nề ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: TTXVN 

Huy động 2.000 cán bộ, chiến sĩ cứu giúp nhân dân

Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, trước tình hình mưa lớn gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu gây nhiều thiệt hại cho người và tài sản của nhân dân, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 2 phối hợp với chính quyền địa phương huy động lực lượng tại chỗ tham gia tìm kiếm người mất tích, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả; tổ chức giải tỏa ách tắc, thông tuyến các đoạn đường bị sạt lở.

Trong ngày 3-8, Bộ Quốc phòng đã có Điện số 30 chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai các biện pháp tích cực giúp dân tìm kiếm người mất tích, khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn. Quân khu 2 tổ chức 2 đoàn công tác do các đồng chí trong Bộ tư lệnh làm trưởng đoàn xuống hiện trường phối hợp với Đoàn công tác của Chính phủ trực tiếp chỉ đạo trên hướng Yên Bái và Sơn La. Các đơn vị đã huy động gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân, tự vệ, cùng các lực lượng khác và 4 máy xúc, 8 ô tô, 210 phao, áo cứu sinh, 56 nhà bạt; tích cực tìm kiếm người mất tích, di dời nhà cửa giúp nhân dân ra khỏi khu vực sạt lở, nguy hiểm. Đến 17 giờ ngày 3-8, các tuyến đường bị chia cắt cơ bản đã được thông xe... (Vũ Xuân)

Khẩn trương tìm kiếm những người mất tích, hỗ trợ người bị thương

Ngày 3-8, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng đoàn đã kiểm tra và chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ quét tại huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái). 

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi lời thăm hỏi và chia buồn tới các gia đình có người thân bị chết, mất tích, bị thương sau thiên tai ở Mù Cang Chải và một số địa phương lân cận; hỗ trợ mỗi gia đình có người chết, mất tích 10 triệu đồng; hộ gia đình có người bị thương 5 triệu đồng... Sau khi đi kiểm tra tình hình thiệt hại, thăm hỏi một số hộ dân tại thị trấn Mù Cang Chải, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu dương những cố gắng của chính quyền địa phương trong việc nhanh chóng khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. 

Trước dự báo về diễn biến thiên tai còn phức tạp trong thời gian tới, Phó thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng địa phương phải khẩn trương tìm kiếm những người mất tích, hỗ trợ người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên những gia đình có người chết, mất tích, chăm sóc người bị thương, hỗ trợ các gia đình bị hư hại nhà cửa. Địa phương với sự hỗ trợ của Quân khu 2, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, di dời ngay những hộ dân đang ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời cho người dân về chỗ ở, thuốc men, nước uống, thức ăn… bảo đảm không người dân nào bị đói, bệnh tật. 

Phó thủ tướng cũng yêu cầu địa phương cần nhanh chóng sửa chữa các công trình giao thông, thông tin liên lạc bảo đảm thông suốt; dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; sửa chữa nhà cửa, trường học, bệnh viện, các công trình công cộng thiết yếu, bảo đảm sản xuất và sinh hoạt bình thường của người dân. Phó thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì thống kê thiệt hại, đề xuất hỗ trợ cho khắc phục hậu quả thiên tai của Yên Bái nói riêng và các địa phương khu vực miền núi phía Bắc chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ này. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, các địa phương sớm rà soát, lập quy hoạch các điểm, khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Từ đó có kế hoạch di dời người dân, công trình nhằm chủ động phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

* Ngay sau khi nhận được thông tin, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà cùng đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Mù Cang Chải, yêu cầu Bộ CHQS tỉnh Yên Bái huy động gấp 1.000 người hỗ trợ việc tìm kiếm, cứu nạn số người hiện đang mất tích, khắc phục hậu quả mưa lũ... Đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết và mất tích do thiên tai. Tỉnh Yên Bái cũng đã quyết định hỗ trợ gạo cho các gia đình gặp khó khăn do thiên tai trong thời gian 3 tháng. Trước mắt, tỉnh sẽ hỗ trợ mỗi hộ có nhà bị sập và bị cuốn trôi mất nhà 20 triệu đồng; hỗ trợ mỗi gia đình có người chết và mất tích 10 triệu đồng; hỗ trợ hộ có nhà hư hỏng 10 triệu đồng. (TTXVN)

Đề phòng ngập úng ở khu vực Bắc Bộ

Về việc bảo đảm an toàn hồ chứa thủy lợi và đề phòng ngập úng ở khu vực Bắc Bộ, ngày 3-8, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có công điện số 08 gửi Giám đốc Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng, Giám đốc các Công ty Khai thác công trình thủy lợi: Bắc Đuống, Bắc Hưng Hải, Sông Nhuệ, Bắc Nam Hà, yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tăng cường kiểm tra an toàn hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, tổ chức trực ban tại công trình 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ mực nước và lưu lượng nước đến hồ, chủ động hạ thấp mực nước theo đúng quy định tại quy trình vận hành hoặc khi công trình có nguy cơ xảy ra sự cố. Triển khai phương án bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa nước, phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du hồ chứa, đặc biệt quan tâm các công trình đang thi công xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp. Chủ động vận hành công trình để tiêu thoát nước đệm trong các hệ thống công trình thủy lợi ở Đồng bằng Bắc Bộ trong trường hợp có mưa lớn, khả năng xảy ra tình trạng ngập úng. (Điệp Hà).