Ông Võ Tấn Nhẫn, Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An cho biết, từ ngày 23-9, Thủy điện bắt đầu xả lũ với lưu lượng nước xả qua tràn và tua bin phát điện là 1.000 m3/s. Từ 9 giờ ngày 24-9, thủy điện tăng lưu lượng xả lên 1.150m3/s, đến 11 giờ tăng lên 1.300m3/s. Việc tăng lưu lượng xả là do lượng nước về vẫn duy trì ở mức cao, hiện đạt trên 1.500m3/s, triều cường ở hạ nguồn sông Đồng Nai ở mức thấp, dưới báo động 1.

Những ngày tới, tùy tình hình thực tế, thủy điện có thể tiếp tục tăng xả lũ xuống hạ du. Quá trình tăng xả nước được tiến hành thận trọng, không cùng lúc tăng lưu lượng quá lớn nhằm giảm thiểu tình trạng ngập vùng hạ du.

leftcenterrightdel

Từ ngày 24-9, Thủy điện Trị An sẽ tăng lượng xả lũ lên 1.300m3/s. Ảnh minh họa: PLO

Hồ thủy điện Trị An là hồ thủy điện lớn nhất miền Nam. Hiện mới giữa mùa mưa nhưng cao trình hồ Trị An đã đạt gần 61m (cao trình an toàn hồ là 62m). Dự báo thời gian tới, khu vực đầu nguồn sông Đồng Nai có mưa lớn, các thủy điện ở thượng nguồn xả lũ nên lưu lượng nước về hồ thủy điện Trị An tiếp tục tăng.

Việc xả lũ cùng với triều cường lên có thể khiến nhiều địa phương ở hạ du sông Đồng Nai thuộc tỉnh Đồng Nai, 2 huyện Bắc Tân Uyên, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và thành phố Thủ Đức - Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập lụt. Công ty Thủy điện Trị An đề nghị ngành chức năng và người dân vùng hạ du chủ động các biện pháp phòng ngừa, tránh những thiệt hại có thể xảy ra.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Nai, hiện mực nước ở thượng nguồn sông Đồng Nai đang xuống, dưới báo động 2 khoảng 20cm. Ở hạ nguồn (tại trạm Biên Hòa), đỉnh triều duy trì ở mức xấp xỉ báo động 1.

Do thời tiết diễn biến phức tạp, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có công văn yêu cầu đơn vị triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn nhằm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, giảm nhẹ thiệt hại do mưa lũ gây ngập lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, lũ quét gây ra trên địa bàn, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Tỉnh yêu cầu các đơn vị ở vùng trũng thấp ứng trực 24/24 giờ. Các địa phương kiểm tra, rà soát khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để có phương án phòng, chống; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để kịp thời ứng phó. Với khu vực đã xảy ra sạt lở, phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm.

TTXVN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.