Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai (đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo luật), mục tiêu của việc ban hành Luật Phí và lệ phí nhằm thiết lập khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật có liên quan; từng bước tập trung phản ánh kịp thời, đầy đủ nguồn thu từ phí, lệ phí; khắc phục hạn chế trong quản lý nguồn thu từ phí, lệ phí; từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với quá trình đổi mới cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ công, phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, việc ban hành luật này cũng bảo đảm chính sách phí, lệ phí công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính.
Luật Phí và lệ phí gồm 6 chương, 25 điều. Chương I: Những quy định; Chương II: Nguyên tắc xác định mức thu, miễn, giảm phí, lệ phí; Chương III: Kê khai, thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí; Chương IV: Quyền, trách nhiệm của tổ chức thu và người nộp phí, lệ phí; Chương V: Thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về quản lý phí; Chương VI: Điều khoản thi hành.
Về phạm vi điều chỉnh luật, để đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực tham gia cung cấp dịch vụ công, Luật Phí và lệ phí quy định danh mục các khoản phí và lệ phí gắn với dịch vụ công do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp. Trường hợp dịch vụ đó do doanh nghiệp cung cấp thực hiện giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá. Về nguyên tắc xác định mức thu phí, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho hay, hiện các khoản phí trong danh mục kèm theo luật đều do cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp. Tuy nhiên, trong tương lai, một số khoản phí có khả năng xã hội hóa cao, có thể chuyển giao cho doanh nghiệp cung cấp. Do đó, tại Điều 8, Luật Phí và lệ phí quy định nguyên tắc xác định mức thu phí như sau: “Mức thu phí được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân".
Liên quan đến vấn đề quản lý và sử dụng phí, lệ phí, để bảo đảm quản lý thống nhất nguồn thu từ phí, lệ phí, đồng bộ với quy định tại Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), tại Điều 10 Luật Phí và lệ phí quy định: Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào NSNN, trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ, phần còn lại nộp NSNN.
Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí trên cơ sở dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phần còn lại nộp NSNN.
Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp NSNN; việc quản lý và sử dụng phí thu được theo quy định của pháp luật.
Luật Phí và lệ phí sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017.
NHẤT NGÔN