Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt hay còn gọi là Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt, do Mỹ và bè lũ tay sai dựng lên trong giai đoạn 1971-1973 nhằm giam giữ, tra tấn các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi tại miền Nam Việt Nam. Tại đây, kẻ thù đã xây dựng nhà tù vô cùng kiên cố với bộ máy cai trị chặt chẽ và tiến hành hàng loạt biện pháp tra tấn vô cùng man rợ. Tuy nhiên, với tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất, ý chí sắt đá và bản lĩnh táo bạo, các tù nhân đã biến nơi đây thành trường học cách mạng, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh quyết liệt. Nhiều cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng nơi đây đã khiến cho kẻ thù khiếp sợ như: Tự mổ bụng phản đối kẻ thù, diệt ác ôn, chống chào cờ, vượt ngục tập thể… Năm 2009, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được công nhận “Di tích lịch sử cấp quốc gia”, tập thể cựu tù chính trị và 4 đồng chí cựu tù nhân của Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”.

Mô hình Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt sau khi trùng tu. 

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được triển khai từ năm 2013, có tổng kinh phí gần 25 tỷ đồng bao gồm các hạng mục chính: Tu bổ, phục dựng nhà lao, nhà hướng nghiệp; phục hồi nội thất nhà lao, đặc biệt là tái hiện lại khung cảnh sinh hoạt và những cuộc đấu tranh tiêu biểu của tù nhân; sưu tầm, trưng bày các hình ảnh, hiện vật, tư liệu về nhà lao…

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Di tích nhà lao thiếu nhi Đà Lạt chính là minh chứng cho truyền thống cách mạng anh hùng, bất khuất của tuổi trẻ Việt Nam; một trong những “địa chỉ đỏ” trên vùng đất Tây Nguyên. Việc khánh thành và đưa vào sử dụng công trình góp phần quan trọng trong giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan, học tập của nhân dân và du khách khi tới thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng)”.

Tin, ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG