Công trình có phòng hội nghị phục vụ các chương trình đào tạo quy mô hơn 300 người và các phòng huấn luyện thực hành về các lĩnh vực như: Phòng cháy, chữa cháy; cứu hộ cứu nạn; quản lý đường bộ… Xưởng sửa chữa được trang bị thiết bị hiện đại, đón đầu xu hướng công nghệ số. Mô hình đào tạo thực hành và đào tạo nhân lực về chuyên môn, văn hóa doanh nghiệp, các công cụ quản trị điều hành được sắp xếp theo chủ đề phục vụ công tác huấn luyện và thực hành. 

leftcenterrightdel
 

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành trung tâm huấn luyện thực hành. Ảnh: NGUYỄN THÁI

Các chương trình huấn luyện thực hành được thiết kế với nhiều mức độ khác nhau, phù hợp với từng cấp bậc và vị trí làm việc trong tổ chức. Trung tâm cũng sẽ tổ chức các cuộc thi, hội thảo, tọa đàm để tăng cường kiến thức và kỹ năng cho nhân sự. Việc đầu tư vào con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tạo ra sự chủ động để thích ứng với môi trường bên ngoài.

Theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, đơn vị đầu tư trung tâm huấn luyện thực hành, đây là một bước tiến mới trong công tác phát triển và nâng cao năng lực nguồn nhân lực, mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cho người lao động. Trung tâm huấn luyện thực hành Đèo Cả sẽ trở thành một điểm đến quan trọng trong việc đào tạo và rèn luyện nguồn nhân lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. 

leftcenterrightdel
 Trung tâm huấn luyện thực hành được đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại. Ảnh: NGUYỄN THÁI

PGS, TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá, thi công cầu, đường, hầm là công việc đặc thù, khối lượng lớn, đòi hỏi nhân lực trình độ cao. Để thực hiện công việc này, yếu tố nguồn nhân lực và khoa học công nghệ, kỹ thuật càng cần được quan tâm, đẩy mạnh. Việc khánh thành trung tâm huấn luyện thực hành là minh chứng và nền tảng ban đầu để triển khai chiến lược này.

Theo PGS, TS Mai Thanh Phong, hiện nay, chúng ta đang đầu tư hàng nghìn ki-lô-mét đường cao tốc, là lĩnh vực mới không chỉ về thi công mà còn công tác bảo trì, bảo dưỡng, vận hành. Sự hợp tác giữa nhà trường và đơn vị thực hiện dự án góp phần tham gia vào nhiệm vụ này.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, việc hợp tác với nhiều trường đại học ở trong và ngoài nước về đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là bước chuẩn bị cho quá trình khai thác vận hành sẽ là chủ đạo.  

Bên cạnh đó, với tinh thần “muốn đi xa thì đi cùng nhau”, việc hợp tác với các đơn vị về cung cấp xăng dầu, nhựa đường, đầu tư trạm dừng nghỉ, xi măng, máy móc thiết bị, phụ gia và các ngân hàng tài trợ vốn tạo ra một chuỗi cung ứng dịch vụ nhằm giảm thiểu chi phí trung gian, hạn chế rủi ro, tối ưu lợi nhuận. Đồng thời, tạo ra những liên kết đủ sức mạnh để đảm đương những công việc mà xã hội đang đặt ra.

leftcenterrightdel
 Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn Đèo Cả ký kết hợp tác chiến lược. Ảnh: NGUYỄN THÁI

Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường bộ cùng với Tập đoàn Đèo Cả đã ký các thỏa thuận hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tuyển dụng, thực tập, tài trợ cho các hoạt động sinh viên, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong dịp này, Tập đoàn Đèo Cả đã ký thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp: Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Xi măng VICEM, Tập đoàn KKS, Công ty Thiết bị đầu tư Bình Minh, Tập đoàn Thiết bị G7 về các lĩnh vực như nghiên cứu đầu tư trạm dừng nghỉ, cung cấp vật liệu xây dựng, cung cấp máy móc, thiết bị, trạm trộn bê tông… Đồng thời, ký kết biên bản giao-quản nội bộ với các đơn vị thành viên về việc thực hiện dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Bình Định) để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.

MẠNH HƯNG