* Thành lập tổ công tác đặc biệt khắc phục sự cố cầu Ghềnh
QĐND - Khoảng 11 giờ 40 phút, ngày 20-3, một sà lan chở vật liệu xây dựng đã húc vào chân cầu Ghềnh (nối giữa xã Hiệp Hòa và phường Bửu Hòa của TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), làm sập 2 nhịp cầu (nhịp 2 và 3). Đến 19 giờ cùng ngày, các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được có người tử vong hay mắc kẹt trong vụ tai nạn hay không. Các ban, ngành và cơ quan chức năng đã tăng cường lực lượng cố gắng khắc phục hậu quả vụ sập cầu.
Vụ việc khiến đường ray xe lửa tuyến Bắc-Nam bị kéo đứt, một số trụ điện bị nghiêng... Riêng chiếc sà lan, sau khi húc vào chân cầu đã bị lật úp và kẹt lại trên sông. Ngay sau khi biết tin cầu Ghềnh bị sập, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và TP Biên Hòa đã kịp thời có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo xử lý sự cố. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn cũng có mặt kịp thời để tìm kiếm người bị nạn. Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC Đồng Nai, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đã tích cực tham gia khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu hộ các nạn nhân có thể mất tích trong vụ sập cầu, nhưng đến chiều tối 20-3 vẫn không tìm thấy nạn nhân nào. Tỉnh Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp trung chuyển hành khách đi tàu khách từ Biên Hòa về ga Sóng Thần và ngược lại từ TP Hồ Chí Minh về Sóng Thần rồi về ga Biên Hòa.
Các lực lượng chức năng tìm kiếm người bị nạn tại hiện trường.
Chiều cùng ngày, Tỉnh ủy Đồng Nai đã tổ chức họp báo thông tin về vụ sập cầu Ghềnh ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Theo ông Đặng Minh Trung, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai thì tàu SG 4745 kéo sà lan (SG 5964) chở cát từ hướng cầu Đồng Nai tới cầu Hóa An thì va chạm vào trụ cầu Ghềnh. Vụ việc khiến 3 người rơi xuống cầu nhưng đã được cứu. 2 tài công trên sà lan nhảy xuống sông, được người dân cứu nay đã bỏ trốn. Ông Trung cho biết thêm: Bước đầu cơ quan chức năng sẽ phân luồng cho tàu bè qua nhánh khác của sông Đồng Nai. Còn các sự cố tràn dầu, điện, nước được khắc phục nhanh chóng sau tai nạn. Lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm bên trong tàu kéo xem có ai mắc kẹt hay không.
Lực lượng chức năng đã xác định được chủ sà lan húc đổ cầu Ghềnh ngụ tại TP Hồ Chí Minh. Sà lan có chiều dài 42,83m, chiều rộng 12,23m, chiều cao mạn là 3,3m ... Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng xác định hai người có mặt trên sà lan lúc xảy ra sự cố. Hiện lực lượng chức năng đang tiến hành điều tra để xác minh ai là người đã điều khiển đầu máy đẩy sà lan và nguyên nhân xảy ra sự việc.
Liên quan đến sự cố sập cầu Ghềnh qua sông Đồng Nai, Công an TP Hồ Chí Minh đã điều động lực lượng tăng viện cho Công an tỉnh Đồng Nai cứu hộ-cứu nạn vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh. Theo đó, đơn vị đã điều động 2 ca nô chuyên dụng, 30 cán bộ, chiến sĩ dưới sự chỉ huy của một Trưởng phòng cứu hộ-cứu nạn đã lên đường đến chi viện phối hợp cùng Công an tỉnh Đồng Nai để tham gia cứu hộ-cứu nạn, tìm kiếm các nạn nhân. Ngoài ra, đoàn công tác của Cục Cảnh sát giao thông đường thủy Bộ Công an cũng đã xuống hiện trường vào chiều cùng ngày.
Cầu Ghềnh dài 223m được xây dựng cách đây đã hơn 100 năm. Cầu được sử dụng đi chung cho cả đường bộ và đường sắt với 2 phần bên hông dành cho xe 2 bánh. Hiện chính quyền và các cơ quan của tỉnh Đồng Nai, cùng lực lượng hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục làm công tác phân luồng, điều tra làm rõ vụ việc. (Tin, ảnh: THANH TÙNG)
* Liên quan đến vụ tai nạn trên, ngày 20-3, Bộ GTVT đã thành lập tổ công tác đặc biệt chỉđạo khắc phục sự cố cầu Ghềnh. Tổ công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông làm Tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ trực tiếp đến hiện trường sự cố để xác định nguyên nhân; sơbộ đánh giá, xác định mức độ hư hỏng và chỉ đạo công việc liên quan đến khắc phục sự cố cầu;đề xuất các giải pháp ban đầu để bảo đảm an toàn giao thông. Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) kịp thời phong tỏa khu gian và dừng chạy tàu khu gian Biên Hòa-Dĩ An, không để xảy ra thiệt hại về người và phương tiện. Tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, tàu hàng mang số hiệu 2502 đang chạy trong khu gian Biên Hòa-Dĩ An đã được nhân viên gác chắn dừng tàu, bảo đảm an toàn. Trước mắt, Tổng công ty ĐSVN sẽ tổ chức chuyển tải hành khách từ ga Biên Hòa vào ga Sài Gòn và ngược lại. (MẠNH HƯNG)
* Cùng ngày, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) đã có công điện yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban ATGT tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn để làm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do vụ tai nạn gây nên. Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty ĐSVN, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các đơn vị liên quan tiến hành các hoạt động cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cảnh báo, hướng dẫn giao thông đường sắt và đường thủy nội địa bảo đảm tuyệt đối an toàn; huy động tối đa các nguồn lực, khẩn trương sửa chữa những kết cấu bị hư hỏng, phục hồi tình trạng kỹ thuật để thông tuyến đường sắt Bắc-Nam trong thời gian ngắn nhất. Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường, chỉ huy giao thông và khẩn trương điều tra xác minh nguyên nhân vụ việc, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật dẫn đến vụ tai nạn trên. (NGUYỄN HƯNG)