Trong 2 ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có mưa lớn phổ biến từ 600 - 700mm, có nơi lên đến 800 - 900mm. Lũ trên các sông ở mức báo động 3 và trên báo động 3. Mưa lũ đã khiến 2 người chết và 7 người mất tích, trong đó có 3 thuyền mất tích trên biển do tàu bị sự cố. Tỉnh đã di dời trên 11.000 người ở vùng ngập sâu, lũ quét đến nơi an toàn.
Hiện nay đáng chú ý nhất là nhiều tàu thuyền gặp sự cố trên biển. Cụ thể đã có 3 tàu bị chìm, 2 tàu mắc cạn và 1 tàu trôi dạt. Trên 3 tàu mắc cạn và trôi dạt có 33 thuyền viên; trong đó có 12 thuyền viên trên tàu Vietship 01 bị mắc cạn đang gặp nguy hiểm đến tính mạng. Đại tá Lê Văn Phương - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Trị cho biết, tàu Vietship 01 mắc cạn gần đê kè chắn sóng, cách Cảng Cửa Việt khoảng 400m. Khu vực này có sóng rất mạnh cao 1,5m, dòng nước chảy xiết gây nguy cơ rất lớn tàu bị lật hoặc vỡ rồi chìm. Do đó, các tàu cứu nạn không thể tiếp cận để cứu nạn tàu Vietship 01, trong khi trên tàu mắc cạn này có 12 thuyền viên. Dự kiến rạng sáng 9-10 có 2 tàu của Hải quân Vùng 3 đến vùng biển Cửa Việt để hỗ trợ cứu nạn tàu Vietship 01.
Đại diện Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam cũng cho biết, đơn vị đã điều 2 tàu đi cứu nạn tàu Vietship 01 và tìm 3 thuyền viên mất tích trên biển. Dự kiến 2 tàu cứu nạn này sẽ đến khu vực biển Cửa Việt vào rạng sáng 9-10, tuy nhiên, do thời tiết xấu nên các tàu cứu nạn rất khó tiếp cận tàu Vietship 01.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam, phải ưu tiên nhất cho việc cứu các thuyền viên trên tàu Vietship 01. Dự báo thời tiết ngày 9-10 gió có khả năng giảm nên trực thăng có thể hoạt động được. Đây có thể là một giải pháp để giải cứu các thuyền viên.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng nhấn mạnh, bằng mọi cách phải ưu tiên cứu nạn các thuyền viên trên tàu Vietship 01. Ngay trong đêm 8-10, lực lượng chức năng lập Sở Chỉ huy dã chiến tại Cảng Cửa Việt để kịp thời chỉ đạo công tác cứu nạn. Nếu tàu cứu nạn của các đơn vị không sớm tiếp cận được tàu Vietship 01 thì sẽ tính đến phương án dùng máy bay trực thăng hoặc phương án khác.
* Chiều 8-10, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai do ông Vũ Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục phòng chống thiên tai, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra tình hình mưa lũ ở một số địa phương tỉnh Quảng Bình.
Từ đêm 6-10 đến 8-10, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến trên 100mm, cá biệt tại huyện Minh Hóa lượng mưa đo được 646 mm, lũ trên các sông Kiến Giang, Nhật Lệ đã vượt báo động III. Riêng “rốn lũ” Tân Hóa, huyện Minh Hóa nước lũ dâng nhanh, đến chiều 8-10 vẫn tiếp tục có mưa lớn, một số nơi nước lũ đã dâng cao hơn 2m; khoảng 300 ngôi nhà bị ngập sâu, người dân chủ động di dời tài sản và chuyển sang tránh lũ trên những nhà nổi.
 |
Quang cảnh ngập lụt tại vùng “Rốn lũ” Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) nước lũ dâng cao hơn 2m, khoảng 300 ngôi nhà bị ngập sâu. |
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình, mưa lũ đã làm cho 3.166 ngôi nhà bị ngập, một người bị thương, nhiều công trình, tài sản bị hư hỏng. Huyện Quảng Ninh có số hộ dân bị ngập lụt lớn nhất với 2.831 ngôi nhà tại các xã Hàm Ninh, Tân Ninh, Duy Ninh, Xuân Ninh, Hiền Ninh, Trường Xuân, Trường Sơn và thị trấn Quán Hàu, hầu hết bị ngập sâu từ 0,5 đến 1m. Ngoài ra, còn có 37 thôn, bản thuộc 7 xã miền núi, vùng cao bị chia cắt cục bộ do nước lũ dâng cao. UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo di dời khẩn cấp hàng trăm nhân khẩu khu vực nguy hiểm đến địa điểm an toàn; trong đó, nhiều nhất là huyện Tuyên Hóa di dời được 148 hộ/515 nhân khẩu.
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình cho biết, đến 17 giờ ngày 8-10, toàn tỉnh đã có 337 trường với trên 123.000 học sinh thuộc 7 địa phương phải nghỉ học tránh lũ.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” chủ động ứng phó với thiên tai để giảm thấp nhất thiệt hại.
Tin, ảnh: TTXVN