Từ ngày 6 đến 8-10, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa to đến rất to, gây ra tình trạng chia cắt cục bộ ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ... Trên địa bàn tỉnh đã có 8 người mất tích, 1 trường hợp tử vong do bị lũ cuốn (cháu bé 4 tuổi ở xã Hải Phong, huyện Hải Lăng); nhiều diện tích hoa màu, cây ăn quả, hồ nuôi thủy sản bị ngập úng; các công trình dân sinh bị tàn phá, hư hỏng. Trước tình hình trên, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố, Trung đoàn Bộ binh 842 phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện có mặt ở các địa bàn trọng điểm ứng cứu, di dời người dân và tài sản, tổ chức tìm kiếm cứu nạn... Tính đến 18 giờ ngày 8-10, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị đã huy động gần 700 cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực, 3.884 dân quân, 23 ca nô, 15 ô tô các loại trực tiếp tham gia ứng phó với mưa lũ, tìm kiếm những nạn nhân mất tích.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị dầm mình trong nước lũ đưa người dân đến nơi an toàn. Ảnh: XUÂN DIỆN |
Chúng tôi có mặt tại huyện miền núi Hướng Hóa khi nước dâng cao bất ngờ, có nơi lên đến 2m. Hơn 1.000 hộ dân phải di dời, sơ tán. Đường vào trung tâm xã Hướng Linh bị sạt lở hai điểm thuộc địa phận xã Hướng Tân, hiện các loại phương tiện không qua được. Cống khe Ta Pang thuộc thôn Ra Ly-Rào, xã Hướng Sơn bị nước làm đứt gãy, không đi lại được. Mưa lớn, nước ở thượng nguồn bất ngờ đổ về rất nhanh, chảy xiết nên người dân không kịp sơ tán và di chuyển đồ đạc. Nước sông Sê Pôn dâng cao đã chia cắt tuyến đường huyết mạch. LLVT trên địa bàn huyện gồm: Ban CHQS huyện, các đồn biên phòng, dân quân tự vệ đã cắt cử lực lượng chốt chặn các nơi xung yếu, không cho người dân tự ý qua đập tràn khu vực bị ngập lụt. Tại một số nơi ngập sâu, LLVT huyện đã bố trí thuyền để đưa người dân qua khi thực sự cần thiết.
Tình hình mưa lũ tại hai huyện Hướng Hóa, Đakrông diễn biến phức tạp, nguy hiểm. Nơi đây có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao với tập quán sống ven sông suối nên nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét cao. Nước sông Sê Pôn dâng cao, tất cả các đập tràn tuyến đường Lìa và đường thôn đều bị ngập, chia cắt. Từ ngày 7 đến rạng sáng 8-10, LLVT trên địa bàn hai huyện Hướng Hóa và Đakrông đã khẩn trương di dời hơn 1.200 hộ dân cùng hàng nghìn con gia súc, gia cầm và các tài sản khác từ khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Ông Nguyễn Vũ Khiếu (trú khóm Xuân Phước, thị trấn Lao Bảo) cảm động: “Gia đình tôi neo người, nước lũ lại lên nhanh, bất ngờ nên trở tay không kịp. Nhờ sự giúp sức của bộ đội, tài sản của gia đình đã được chuyển đến nơi an toàn trước khi nước dâng cao”.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) dùng ca nô đưa người dân đến nơi an toàn. Ảnh: NGUYỄN KHIÊM |
Thượng tá Phạm Anh Vũ, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Hướng Hóa, cho biết: "Ngay khi xảy ra mưa lũ, đơn vị đã phối hợp với địa phương bố trí lực lượng giúp đỡ các hộ dân sống ở vùng thấp trũng, nhà neo người, các trường học... di chuyển người và vật chất lên nơi cao ráo, bảo đảm an toàn”.
Tại huyện Cam Lộ, các xã Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Tuyền, Cam Thành và thị trấn Cam Lộ cũng bị ngập sâu trong nước lũ. Trong đó, xã Cam Thành có 2.315 hộ gia đình thì hơn 100 hộ bị ngập sâu 0,5-2m, làm nhiều ngôi nhà và tài sản bị hư hỏng, gần 200ha hoa màu bị ngập úng. Nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài thì nhiều gia đình trong xã sẽ tiếp tục bị ngập. Khó khăn nhất của bà con bây giờ là thức ăn và nước uống không bảo đảm vệ sinh. Trước tình hình đó, sáng 8-10, Trung đoàn 19 (Sư đoàn 968, Quân khu 4) đã điều động 150 cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân trên địa bàn xã Cam Thành di dời dân và tài sản tới nơi an toàn. Trung tá Phan Văn Dũng, Chính ủy Trung đoàn 19, thông tin: “Với phương châm bảo đảm sự an toàn và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho bà con, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 19 đã nhanh chóng di dời được 60 hộ dân và tài sản vào nơi an toàn. Dịp này, trung đoàn cũng đã trao tặng 1.500 gói mì ăn liền góp phần giúp bà con vượt qua khó khăn ban đầu. Trong những ngày tới, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 19 sẽ tiếp tục sát cánh giúp nhân dân ứng phó với mưa lũ”.
Đến chiều 8-10, mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Nhiều địa phương ở vùng núi đã bị lũ chia cắt, cô lập; hơn 30 thôn, bản của 8 xã thuộc các huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa bị chia cắt cục bộ do nước lũ dâng cao gây ngập một số đoạn đường giao thông. Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai lực lượng xuống địa bàn giúp dân, thành lập các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống lũ tại các địa bàn trọng điểm. Trước mắt, các lực lượng ưu tiên giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình trong khu vực nguy hiểm di dời đến vị trí an toàn. Đối với những địa bàn có nguy cơ sạt lở, lũ quét, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo triển khai lực lượng ứng trực, đồng thời cảnh báo đến người dân...
 |
Bộ đội Sư đoàn 968 trao mì ăn liền tặng bà con bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: THANH HẢI |
Dự báo trong vài ngày tới sẽ vẫn còn mưa lớn, lũ trên các sông suối đang lên nhanh nên nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện miền núi phía tây tỉnh Quảng Trị và tỉnh Quảng Bình rất cao. Vì thế, Bộ tư lệnh Quân khu 4 chỉ đạo các đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ ứng cứu khi có yêu cầu, đồng thời tích cực giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, góp phần hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Nhóm PV, CTV tại Quân khu 4