Đặc biệt, tại các tỉnh, thành phố phía Nam, nơi dịch Covid-19 hoành hành, số lượng trẻ em mồ côi lên tới gần 2.000 trẻ. Làm thế nào để hỗ trợ trẻ em vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 khi vừa chịu nỗi đau mất đi người thân, vừa chịu nhiều ảnh hưởng xã hội khác từ dịch bệnh?

Để tìm câu trả lời cho câu hỏi này, Hội thảo hỗ trợ trẻ em trong đại dịch Covid-19 - Vì lợi ích tốt nhất của trẻ đã được tổ chức tại Hà Nội, ngày 28-10, với sự tham dự của các diễn giả là lãnh đạo ngành Lao động-thương binh và xã hội; các tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc, hỗ trợ trẻ em...

Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phát biểu tại hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến trẻ em trên nhiều khía cạnh như: Đe dọa sự sống còn của trẻ em (nhiều em bị mắc Covid-19 hoặc trở thành F1, F2...); sự tiếp cận giáo dục chất lượng của trẻ em bị gián đoạn, đặc biệt là trẻ em ở lứa tuổi tiểu học, trẻ mới bước vào lớp 1 hay trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh; trẻ khuyết tật đối diện với nhiều khó khăn hơn; vấn đề an toàn của trẻ em, nguy cơ xâm hại bạo lực với trẻ em tăng cao, tai nạn thương tích cũng tăng lên do môi trường thiếu an toàn, cha mẹ thiếu kỹ năng, kiến thức....

Trước thực trạng đó, theo đại diện Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành đã nhanh chóng triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ trẻ em trong đại dịch, đặc biệt đối với những em bị mồ côi do mất cha, mẹ.

Cùng với sự vào cuộc của Nhà nước, bà Vũ Thị Kim Hoa cũng cho biết, có rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã tích cực hỗ trợ trẻ em trong đại dịch Covid-19. “Khi các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những chính sách, biện pháp hỗ trợ trẻ em tức thì thì các doanh nghiệp cũng nhanh chóng đưa ra các chương trình để hỗ trợ trẻ em sớm nhất có thể”, bà Vũ Thị Kim Hoa nhấn mạnh.

Các diễn giả trao đổi tại hội thảo. 

Theo ông Lê Ngọc Bảo, đồng chủ tịch Nhóm làm việc vì trẻ em (CRWG), Chính phủ cần có những chính sách can thiệp, quản lý phù hợp, kế hoạch rõ ràng chi tiết cho việc hỗ trợ trẻ em. Đồng thời, ưu tiên các hoạt động đảm bảo nhu cầu tối thiểu của trẻ và hỗ trợ tâm lý cho những trẻ bị tổn thương, nâng cao năng lực cho các cán bộ bảo vệ trẻ em về những vấn đề này.

Đại diện CRWG cũng cho rằng, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã và đang âm thầm giúp đỡ, đầu tư rất nhiều cho trẻ em. Đây là điều đáng khích lệ vì khi cả xã hội chung tay vì trẻ em, các em sẽ được chăm sóc, bảo vệ tốt nhất.

Từ những đóng góp của các diễn giả, các đại biểu tại hội thảo nhất trí cho rằng, hỗ trợ trẻ em trong đại dịch Covid-19 đòi hỏi sự góp sức từ nhiều phía. Hướng đi tốt nhất đó là các cơ quan lập pháp cần nhanh chóng ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp. Doanh nghiệp góp công, góp của. Và đặc biệt, là sự quan tâm của người thân, gia đình đối với đời sống, tâm lý của trẻ...

Tin, ảnh: HỒNG UYÊN