UBND TP Hà Nội vừa giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Tổng Công ty vận tải Hà Nội xây dựng tiêu chuẩn chung làm căn cứ kêu gọi đầu tư bến xe khách theo hình thức xã hội hóa; nâng cao năng lực hạ tầng của các bến xe để quản lý, tổ chức giao thông hợp lý.
Hà Nội thực hiện chủ trương xã hội hóa bến xe từ năm 2004, từ đó đến nay thực hiện xã hội hóa được hai bến xe là Nước Ngầm và Lương Yên, góp phần giải quyết tức thời khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao ở những khu vực này. Trong khi đó, ở các bến xe còn lại đang có dấu hiệu gia tăng các phương tiện gây ùn tắc.
Ảnh minh họa (bến xe Mỹ Đình).
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, do quỹ đất dành cho bến xe của thành phố còn ít nên việc quy hoạch luồng tuyến trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua gặp khó khăn. Các bến xe, quy hoạch bến phải dựa trên nhu cầu đi lại của người dân đảm bảo chi phí thấp nhất chứ không phải theo hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
Để giải quyết vấn đề bến xe cho Hà Nội, Quy hoạch Giao thông Vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg. Theo đó, Hà Nội sẽ xây dựng hàng loạt bến xe phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Cụ thể, khu đô thị trung tâm gồm Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông) diện tích khoảng 7ha; Bến xe phía Đông Bắc (Cổ Bi, huyện Gia Lâm) diện tích khoảng 8-10ha; Bến xe phía Nam (Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) diện tích khoảng 11ha; Bến xe Đông Anh diện tích khoảng hơn 5ha; Bến xe Phùng (huyện Đan Phượng) diện tích khoảng 8-10ha...
Ngoài ra, các khu đô thị vệ tinh gồm có Bến xe Phú Xuyên diện tích khoảng 5ha; Bến xe Xuân Mai diện tích khoảng 5ha; Bến xe Nam Hòa Lạc diện tích khoảng 5ha; Bến xe Bắc Hòa Lạc diện tích khoảng 5ha.
Tin, ảnh: LÊ TRỌNG HIỆP