Sáng 12-7, tại Hà Nội, Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Công việc chăm sóc không lương đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam, thực trạng và giải pháp”.
Thông tin tại hội thảo cho biết, trên khắp thế giới, phụ nữ dành thời gian cho công việc chăm sóc không lương nhiều hơn nam giới từ 2 đến 10 lần. Sự phân bổ không đồng đều về trách nhiệm chăm sóc này có liên quan đến các thể chế xã hội còn định kiến về vai trò giới. Bên cạnh đó, những nguyên nhân khác dẫn đến gánh nặng công việc chăm sóc không lương bao gồm các công trình hạ tầng chưa đề cao tính nhạy cảm về giới hay thiếu dịch vụ chăm sóc có chất lượng.
 |
Toàn cảnh hội thảo. |
Chia sẻ tại hội thảo, bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam nhấn mạnh: “Bất bình đẳng giới trong công việc chăm sóc không được trả lương là một trong những yếu tố gây ra khoảng cách giới trong kết quả lao động, chẳng hạn như tham gia lực lượng lao động, tiền lương và chất lượng công việc. Giải quyết các định kiến và chuẩn mực giới là bước đầu tiên trong việc phân bổ lại trách nhiệm chăm sóc và nội trợ giữa phụ nữ và nam giới, để từ đó, người phụ nữ có thể tham gia công bằng vào thị trường lao động, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và nâng cao vị thế, tiếng nói của họ trong các quyết định liên quan”.
Nghiên cứu đưa ra khuyến nghị, cần giảm tải trách nhiệm công việc chăm sóc không lương cho hộ gia đình bằng cách đầu tư thỏa đáng vào cơ sở hạ tầng và những dịch vụ xã hội, từ đó giảm đáng kể gánh nặng của phụ nữ. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần ưu tiên đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng có trách nhiệm giới, đáp ứng cho nhu cầu giảm thời gian thực hiện công việc chăm sóc không lương”, nghiên cứu đề xuất.
Cùng với đó, cần đầu tư cho các dịch vụ chăm sóc như trường mẫu giáo, cơ sở chăm sóc người già, người khuyết tật là giải pháp tái phân bổ lại nguồn lực cho công việc chăm sóc không lương, góp phần tăng thời gian làm các công việc tạo ra thu nhập của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Tin, ảnh: LA DUY
Ngày 23-6, tại Bangkok (Thái Lan), Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu năm 2022 với chủ đề: “Phụ nữ: Tạo cơ hội trong thực trạng mới”.