Chỉ số APCI được công bố lần đầu tiên năm 2018, xây dựng từ kết quả khảo sát doanh nghiệp tại 63 địa phương trên cả nước. APCI 2020 phân tích quá trình doanh nghiệp trải nghiệm dịch vụ do các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương cung cấp trong 9 nhóm TTHC gồm: Đầu tư; giao dịch thương mại qua biên giới; khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; môi trường; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đất đai; xây dựng; thuế và kiểm tra chuyên ngành. Chi phí tuân thủ là tổng chi phí thực hiện một TTHC, bao gồm chi phí thời gian và chi phí trực tiếp hoặc tổng chi phí thuê bên thứ ba để thực hiện TTHC.

Theo kết quả khảo sát APCI 2020, nhóm TTHC về thuế có chi phí tuân thủ trung bình thấp nhất, ở mức 267 nghìn đồng, tiếp theo là khởi sự doanh nghiệp với mức 952 nghìn đồng. TTHC về kiểm tra chuyên ngành có chi phí tuân thủ trung bình hơn 3 triệu đồng; đất đai có mức hơn 4 triệu đồng; giao dịch thương mại qua biên giới hơn 5,1 triệu đồng; điều kiện kinh doanh hơn 6,8 triệu đồng; TTHC về đầu tư có chi phí tuân thủ trung bình hơn 9,1 triệu đồng. TTHC về xây dựng có chi phí tuân thủ trung bình là hơn 25 triệu đồng và cao nhất là TTHC về môi trường với mức hơn 63,3 triệu đồng.

leftcenterrightdel

 Quang cảnh buổi họp báo.

Qua chỉ số APCI 2020 một số bài học được rút ra, trước hết là việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử đã cải thiện và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Những nhóm TTHC có tiến bộ đáng kể về chi phí tuân thủ qua các năm là nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy. Việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ TTHC. Công tác cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC phụ thuộc vào không chỉ các yếu tố về thể chế và hạ tầng mà còn về chính những con người thực hiện các TTHC đó.

Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, việc cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 với nhiều hành động quyết liệt để thực hiện. Trong đó, có giải pháp là thực hiện khảo sát, báo cáo, công bố chỉ số APCI. Tuy nhiên dư địa cải cách hành chính, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn, đòi hỏi phải nhìn nhận khách quan để tiếp tục cải cách tốt hơn. Doanh nghiệp, người dân vẫn phải chịu chi phí tuân thủ, chi phí không chính thức lớn.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trao bằng khen tặng các tập thể.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá, chỉ số APCI 2020 cho thấy bức tranh chân thực và sinh động về chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện TTHC, từ đó phản ánh khách quan mức độ cải cách TTHC. Kết quả APCI 2020 có sự gắn kết, bổ trợ cụ thể, sâu sắc cho việc nghiên cứu tìm hiểu đánh giá của các tổ chức quốc tế uy tín về Việt Nam, giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hoạch định tốt hơn các mục tiêu về cải cách. Dư địa cho tăng trưởng vẫn còn nhiều nếu làm tốt cải cách TTHC.

Nhân dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã tặng bằng khen 20 tập thể và 19 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách TTHC.

Tin, ảnh: HẢI ĐĂNG