Theo các đại biểu tham dự Hội thảo Quyền của người chưa thành niên trong Bộ Luật lao động sửa đổi do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày 23-4 tại Hà Nội, cần nghiêm cấm trẻ em chưa đủ tuổi vị thành niên thực hiện các công việc nguy hiểm.
Theo số liệu thống kê, hiện có 1,75 triệu trẻ em tham gia lao động trẻ em tại Việt Nam, trong đó hơn 32% làm việc hơn 42 giờ một tuần.
 |
Trẻ em cần được bảo vệ để tránh trở thành lao động trẻ em. |
Trong số 1,75 triệu lao động trẻ em, 85% sống ở nông thôn. Số lao động trẻ em lớn nhất rơi vào nhóm 15-17 tuổi chiếm 58%, tiếp theo là nhóm 12-14 tuổi và 5 đến 11 tuổi. Hiện Bộ Luật Lao động áp dụng cho người lao động thuộc khu vực kinh tế chính thức, trong khi phần lớn trẻ em lao động trong khu vực phi chính thức, đối tượng dễ trở thành lao động trẻ em nếu không được bảo vệ.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, có 4 nội dung cần sửa đổi nhóm điều luật liên quan đến trẻ em và người chưa thành niên, bao gồm: Xác định độ tuổi lao động tối thiểu; đưa ra nguyên tắc tuyển dụng và sử dụng lao động chưa thành niên; xác định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi hợp lý; xác định công việc và địa điểm làm việc phù hợp.
Theo đại diện UNICEF Việt Nam, trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, kể cả Bộ Luật Lao động chưa có định nghĩa chính thức rõ ràng về “lao động trẻ em”. Chính vì vậy, Bộ Luật lao động sửa đổi cần bổ sung định nghĩa chuẩn, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.
Tin, ảnh: BĂNG CHÂU