Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo đánh giá hiện nay, TP Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực Đông Nam Bộ đã cơ bản được kiểm soát được dịch Covid-19, hoạt động kinh tế - xã hội đang từng bước được khôi phục. Cả nước đang thực hiện chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, đặt ra nhiều thách thức, biện pháp bảo vệ sức khỏe, thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

Các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận với các nội dung: Phát huy vai trò bệnh viện dã chiến, tổ y tế lưu động trong phòng, chống Covid-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, Nâng cao hiệu quả kết hợp đông tây y trong điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2; hỗ trợ sức khỏe tâm thần, bảo đảm an toàn trong khám chữa bệnh, phòng chống lây nhiễm...

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam chia sẻ, cần chú trọng thực hiện chặt chẽ các giải pháp chuyên môn như: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, dừng hoạt động có nguy cơ cao, điều trị, dự phòng cá nhân, ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng, chống dịch...

Các địa phương cần tùy vào tình hình dịch cụ thể để có ứng phó, áp dụng giải pháp phù hợp, bảo đảm vừa phòng dịch, vừa khôi phục, duy trì các hoạt động kinh tế, xã hội... Trong chỉ đạo điều hành cũng phải đáp ứng 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Đẩy mạnh truyền thông kịp thời, minh bạch, chính xác và tin cậy.

Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh phát biểu. 

Vấn đề chăm sóc, hỗ trợ sức khỏe tinh thần đối với bệnh nhân Covid-19 và tâm lý của người dân trong giai đoạn dịch Covid-19 là vấn đề khá mới và đang là một hiện tượng khá phổ biến, cần có giải pháp cụ thể.

Theo Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh, Covid-19 là khủng hoảng toàn cầu, dẫn tới gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân. Ước tính khoảng 10-60% dân số có các triệu chứng rối loạn tâm thần, cao gấp 3 lần so với trước dịch Covid-19.

Các rối loạn, vấn đề sức khỏe tâm thần khởi phát ngay trong dịch như cảm xúc âm tính; nhận thức tiêu cực; trầm cảm; lo âu, hoảng sợ; ám sợ; triệu chứng cơ thể; tự sát... Các rối loạn tâm thần có thể kéo dài, khởi phát kể cả sau dịch đến 2-9 năm gồm trầm cảm; ám ảnh sợ hãi…

Do đó, cần nâng cao nhận thức cộng đồng về Covid-19, theo khuyến nghị của WHO (2020), cần duy trì, đầu tư, hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trên cơ sở hiện có và mở rộng (nhân lực; mô hình…). Đẩy mạnh mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần từ xa. Cho phép mở cửa lại các trung tâm chăm sóc, điều trị tâm thần; các trung tâm giáo dục, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật. Chiến lược hỗ trợ sức khoẻ tâm thần cần tập trung 3 nhóm nguy cơ và từ đó xây dựng chiến lược phòng ngừa – can thiệp mục tiêu – can thiệp chuyên sâu.

Chia sẻ vai trò của bệnh viện dã chiến, TS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6, TP Hồ Chí Minh, cho biết, Bệnh viện dã chiến góp phần trong điều trị người bệnh nặng, giảm tải cho các bệnh viện tầng trên. Bên cạnh đó, Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6 còn phối hợp quản lý và điều trị F0 tại nhà nhằm quản lý và giảm số lượng F0 tại cộng đồng; triển khai mô hình phối hợp quản lý và điều trị F0 tại nhà, mỗi khu phố là một khoa lâm sàng, mỗi ngôi nhà là một phòng điều trị, là một giường bệnh để chữa trị cho các F0.

Mô hình này là một nơi đáng tin cậy để người dân chia sẻ các vấn đề về bệnh tình để được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị cũng như cách xử trí kịp thời nếu tình trạng diễn tiến nặng.

 PGS, TS, BS Nguyễn Thị Bay, Chủ tịch Liên chi hội Đông Tây Y kết hợp  phát biểu tại hội thảo. 

Chia sẻ vấn đề kết hợp Đông - Tây y trong điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, PGS, TS Nguyễn Thị Bay, Chủ tịch Liên chi hội Đông Tây Y kết hợp cho biết, trong giai đoạn dịch Covid-19, cần chú trọng tăng cường miễn dịch tự nhiên, sức đề kháng thông qua các vị thuốc, bài thuốc y học cổ truyền.

Bộ Y tế nước ta hiện nay đã cho phép sử dụng y học cổ truyền trong các phác đồ điều trị Covid-19, đây là điều đáng mừng. Từ kinh nghiệm ngàn năm sử dụng các bài thuốc của các thầy thuốc y học cổ truyền điều trị ôn bệnh, đến việc nghiên cứu từng bài thuốc và vị thuốc trên bệnh truyền nhiễm nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng ghi nhận những hiệu quả cụ thể trên lâm sàng, giúp chúng ta có thể an tâm hơn trong việc kết hợp Đông - Tây y vào hỗ trợ điều trị Covid-19.

Tin, ảnh: BẢO MINH