Ở đảo Bạch Long Vỹ đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 7, giật cấp 10.
Hồi 6 giờ ngày 15-9, vị trí tâm bão ở khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc, 107,6 độ Kinh Đông; cách Đèo Ngang khoảng 140km. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15.
Mưa lớn, gió giật mạnh tại Quảng Bình. Ảnh: VOV
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km; khoảng từ trưa đến chiều 15-9, vùng tâm bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Đến 16 giờ ngày 15-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 105,9 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100 đến 115 km/giờ), giật cấp 14.
Vị trí và hướng đi của cơn bão. Ảnh: nchmf.gov.vn
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Thượng Lào.
Do ảnh hưởng của bão số 10, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) gió mạnh cấp 8-9, sáng 15-9 tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15, biển động dữ dội (Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4). Vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình (bao gồm đảo Hòn Ngư), vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12, giật cấp 15; biển động dữ dội (Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4).
Mưa lũ đang làm mực nước các sông ở Quảng Trị dâng cao. Ảnh : VOV
Sóng ngoài khơi vùng tâm bão cao trên 10m, vùng ven bờ 5-6m. Ven biển từ Hải Phòng tới Quảng Bình nước dâng bão có khả năng cao trên 1,0m, riêng khu vực ven biển Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 2,0m.
Từ sáng 15-9, trên đất liền ven biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 7-9, gần trưa tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 15 (cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4); các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12. Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; ven biển các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 (cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3).
Đến hết đêm 15-9, ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Nghệ An tiếp tục có mưa to đến rất to (100-300mm/đợt), riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400mm;
Từ sáng 15-9 đến hết ngày 16-9, ở Thanh Hóa, các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La có mưa vừa, mưa to đến rất to (50-150mm, có nơi trên 200mm).
Từ 15-9 đến ngày 17-9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.
Trong ngày 15-9, miền Bắc có mưa dông diện rộng, nhiệt độ cao nhất 32 độ C. Bắc Bộ, trời mưa vừa, mưa to và có mưa dông diện rộng, nhiệt độ giảm 2- 3 độ C so với ngày 14-9. Thành phố Hà Nội, nhiều mây, có mưa, trưa và chiều có nơi mưa vừa, mưa to. Gió Bắc đến Đông Bắc cấp 3-4. Độ ẩm từ 70 đến 98%. Nhiệt độ cao nhất 28-31độ C. Nhiệt độ cao nhất tại Thành phố Hải Phòng, Ninh Bình lên đến Lạng Sơn, Điện Biên Phủ, Lào Cai, Hà Giang trong khoảng 29-32 độ C.
Người dân xã Thạch Bằng (Lộc Hà) thu hoạch tôm non "chạy bão" (ảnh Báo Hà Tĩnh).
Ở miền Trung, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế nhiều mây, có mưa to đến rất to. Gió bão mạnh cấp 7-9, gần trưa tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 15; riêng tỉnh Thừa Thiên Huế gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Đêm gió yếu dần. Độ ẩm từ 70 đến 100%. Nhiệt độ cao nhất từ 25 đến 28 độ C.
Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, nhiều mây, phía Bắc (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) có mưa to đến rất to; phía Nam có mưa rào và dông vài nơi. Gió Tây đến Tây Nam cấp 4-5; riêng tỉnh Đà Nẵng ngày có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Độ ẩm từ 70 đến 98%. Nhiệt độ cao nhất 28-31 độ C; phía Nam có nơi trên 31 độ C.
Tây Nguyên và Nam Bộ, nhiều mây, có mưa, mưa rào và rải rác có dông. Gió Tây và Tây Nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 70 - 98%. Tây Nguyên, nhiệt độ cao nhất 25-28 độ C. Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệt độ cao nhất 28-31 độ C. (THANH HẢI)
* Sáng 15-9, lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế cho biết, vào chiều tối 14-9, một cơn lốc lớn đi qua địa bàn xã Phong Chương, huyện Phong Điền đã làm tốc mái 34 ngôi nhà dân thuộc thôn Trung Thạnh và thôn Phú Lộc của xã này.
Đến sáng 15-9, mưa bão đã làm 2 người dân trên địa bàn huyện Phong Điền thiệt mạng và mất tích. Hiện UBND huyện Phong Điền đang tập trung lực lượng để giúp dân sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng.
Ngay sau trận lốc, các lực lượng chức năng phối hợp với người dân địa phương, gia đình khắc phục bước đầu 17 ngôi nhà để dân có chỗ trú tránh mưa bão trong đêm. Những ngôi nhà chưa kịp khắc phục, người dân tạm thời trú ẩn tại nhà hàng xóm, nhà người thân.
Mưa lớn gây ngập nhiều diện tích hoa màu. Ảnh: Báo Thừa Thiên - Huế.
Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Cơn lốc xảy ra lúc khoảng 16 giờ chiều 14-9 có 31 nhà ở thôn Trung Thạnh, 3 nhà ở thôn Phú Lộc xã Phong Chương. Thiệt hại nhà bị tốc thấp nhất là 30% nhà cao nhất là 70%. Đến lúc 9 giờ tối thì khắc phục được 50% và do trời tối mưa quá nên bà con chưa làm tiếp. Sáng nay sẽ chỉ đạo hỗ trợ giúp bà con cố gắng hoàn thành xong để có chỗ trú ẩn.
* Đến sáng 15-9, tại khu vực Hoành Sơn, Đèo Ngang (thị xã Kỳ Anh) đã có gió giật cấp 8, cấp 9, lượng mưa trên địa bàn trong ngày hôm qua đến sáng nay từ 100 đến 120mm
Để đảm bảo an toàn cho người dân đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn tất việc di dời hơn 10.000 tại các vùng nguy cơ mất an toàn, vùng cửa sông cửa biển đến các nhà văn hóa, trường học, trạm xá, đồn biên phòng… Các địa phương có số hộ dân phải di dời nhiều là Cẩm Xuyên (hơn 3400 hộ), Nghi Xuân (3000 hộ), Lộc Hà gần 2700 hộ. Cùng với việc di dời dân thì ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng đã sẵn sàng lương thực, thực phẩm như mỳ tôm, cá khô để nhân dân có thể dùng trong những ngày tránh bão. Đại tá Lê Văn Sao, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, để đảm bảo an toàn tài sản cho người dân tránh bão, công an tỉnh cùng với các lực lượng khác bố trí nhân lực tuần tra, canh gác.
* Bắt đầu từ ngày 15-9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Các địa phương lên kịch bản sơ tán dân vùng xung yếu, vùng ven biển đến nơi an toàn. Tỉnh Quảng Bình cũng tiến hành sơ tán dân vùng xung yếu, vùng cửa sông, ven biển đến nơi an toàn. UBND tỉnh Quảng Bình giao việc sơ tán dân cho UBND các huyện chủ động. Tuy nhiên, việc sơ tán dân phải hoàn thành trước 12 giờ trưa nay, trước khi bão đổ bộ vào bờ.
* Tại Nghệ An, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã ra lệnh cho các địa phương di dời hơn 14.400 người dân ở ven biển đến nơi an toàn. Công tác di dời phải hoàn thành trước 8 giờ 30 phút sáng 15-9.
Vào lúc 5 giờ sáng 15-9, công tác chuẩn bị di dời hơn 1 nghìn dân tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò đã sẵn sàng. Với sự hỗ trợ của lực lượng công an, dân phòng, quân đội đồ đạc, tài sản của người dân sẽ được di dời đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã, Trạm Y tế, trường học.
Chèn chống mái nhà tại Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An.
Người dân sơ tán đồ đạc. Ảnh: Báo Nghệ An.
Lương thực, thực phẩm, thuốc men cũng đã được chính quyền địa phương chuẩn bị để người dân có thể sử dụng trong 3 ngày. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân nơi đây đều tự giác, chủ động di chuyển đến những địa điểm được bố trí.
Suốt đêm 14-9, tại tỉnh Nghệ An đã có mưa to trên diện rộng, vào sáng nay, mưa lớn vẫn tiếp tục, nhiều nơi có nguy cơ ngập úng như thành phố Vinh, Diễn Châu, Yên Thành… có gió mạnh cấp 5, cấp 6. Theo lệnh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, 15 xã, phường của 5 huyện, thị xã sẽ phải di dời, sơ tán 3.183 hộ dân với 14.428 người đến nơi an toàn. Công tác di dời phải hoàn thành trước 8 giờ 30 phút sáng nay. Trong trường hợp mưa to kết hợp với triều cường, các địa phương phải kịp thời báo cáo để tiếp tục di dời những hộ dân khác ra khỏi vùng nguy hiểm.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Cửa Lò – Bến Thủy giúp dân gia cố nhà cửa. Ảnh: Trần Hoài.
Ông Võ Văn Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An cho biết: “Theo diễn biến của bão thì trong buổi trưa 15-9, bão sẽ đổ bộ vào Nghệ An và Nghệ An sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 10. Do đó, chúng tôi đã chuẩn bị công tác di dời dân từ hôm qua với những phương án rất cụ thể. Khoảng 1 tiếng nữa, chúng tôi sẽ phát lệnh di dời dân và huy động toàn bộ lực lượng của thị xã vào cuộc để di dời 4.500 người dân đến nơi an toàn nhất”.
Nghệ An có hơn 4.000 tàu thuyền đã về bến an toàn. Tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Trung ương cho tàu cứu hộ, cứu nạn công suất lớn vào cảng Cửa Lò để ứng cứu khi cần thiết.
Lực lượng vũ trang tỉnh Hà Tĩnh giúp dân sơ tán khỏi địa bàn nguy hiểm. Ảnh: Trần Hoài.
Nhân dân các xã ven biển huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh trú bão trong một trường học trên địa bàn. Ảnh: Trần Hoài.
Toàn tỉnh Nghệ An có 625 hồ chứa, đến nay có 268 hồ đầy nước, 357 hồ còn lại mực nước đạt 70-80% so với công suất thiết kế. Phương án xả lũ ở các hồ đập cũng đã được chuẩn bị. Với diễn biến mưa lớn kéo dài thì nguy cơ ngập úng tại các vùng hạ lưu có thể xảy ra, tỉnh Nghệ An có thể phải di dời thêm hàng nghìn người dân.
* Bão số 10 đe dọa lớn tới an toàn hệ thống hồ đập ở Thanh Hóa. Bão có thể gây mưa to đến rất to, với lượng mưa lớn nhất là hơn 200mm tại Thanh Hóa, đe dọa an toàn hệ thống hồ đập, đê điều, gây ngập úng... Tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành mở cửa xả, hạ bớt cao trình, đồng thời không tích nước tại những hồ có nguy cơ cao.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tại thành phố Thanh Hóa, trên mái kè đê hữu sông Mã, đoạn từ K39+474 đến K39+534 thuộc địa phận phường Hàm Rồng, xã Quảng Phú bị sạt, sập dài hơn 30m, sâu gần 1m sau đợt mưa lũ đầu tháng 7 vừa qua. Đường hành lang trên đỉnh kè xuất hiện 2 vết nứt. Hiện tại, sự cố trên vẫn có chiều hướng phát triển, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho công trình.
Suốt đêm 14-9, tại Thanh Hóa trời mưa to. Ảnh: VOV.VN
Cảng cá Lạch Bạng, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia có sức chứa khoảng 800 phương tiện, tuy nhiên, hiện nay đang phải chứa hơn 1000 phương tiện ở các xã lân cận và tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình cũng vào neo đậu, tránh trú bão, gây quá tải cục bộ. Ban Quản lý Cảng cá Lạch Bạng cùng ngành chức năng đang nỗ lực hướng dẫn ngư dân và các chủ phương tiện nhanh chóng sắp xếp vị trí tàu, thuyền tại nơi tránh trú bão, kiên quyết không để ngư dân ở trên tàu trong thời điểm bão đổ bộ vào đất liền.
Huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) có trên 1.400 hộ nằm trong vùng nguy cơ bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Để chủ động đối phó với mưa lũ do cơn bão số 10 gây ra, huyện đã lên phương án sẵn sàng di dời dân đến nơi an toàn khi có mưa lũ.
Đối với các cụm công trình đầu mối thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt, hiện nước đã lên đến cao trình +107,4m, Công ty TNHH một thành viên Sông Chu đã tiến hành mở 3 cửa xả đập chính, với lưu lượng 240 m3/giây đưa về cao trình +105m, đảm bảo an toàn hồ chứa. Huyện Thường Xuân cũng phân công lực lượng trực 24/24 giờ tại cụm công trình đập phụ Hón Can và Dốc Cáy.
Ông Đặng Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 610 và 1023 đập dâng.
Qua kiểm tra thì xác định 121 hồ chứa không đảm bảo an toàn. Trong đó, 18 hồ đã không còn tích nước, 103 hồ tích hạn chế. Tỉnh đã kiểm tra và có kế hoạch ngay từ đầu mùa. Hồ nào có khả năng tích nước mới cho tích nước. Hồ nào khả năng an toàn không cao thì tích nước hạn chế. Hồ nào không an toàn thì kiên quyết không cho tích nước. (QĐND)